Thế giới có thể làm gì để ngăn chặn thảm họa hạt nhân? (Phần 2)

06:30' - 30/10/2017
BNEWS Các nước trên thế giới đều hiểu được hậu quả thảm khốc của việc sử dụng vũ khí hạt nhân, vì vậy xung đột hạt nhân không phải là mục đích của bất cứ nước nào đã hay đang muốn sở hữu loại vũ khí này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chánh Văn phòng Nhà Trắng John Kelly trong cuộc họp tại thủ đô Washington, Mỹ ngày 5/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Chủ tịch Diễn đàn Luxembourg về ngăn chặn thảm họa hạt nhân Vyacheslav Kantor lo ngại chỉ ra rằng ngày nay trong ngôn ngữ của giới quân sự tại nhiều nước đã nhắc đến khả năng của một cuộc chiến tranh hạt nhân chiến lược hạn chế, và giữa các lời chỉ trích lẫn nhau, “thế giới vô tình trượt dần về phía chiến tranh hạt nhân”.

Thêm một vấn đề lớn nữa là các chính trị gia gắn an ninh hạt nhân với các mục tiêu trong nước. Chính vì vậy, niềm tin bị giảm sút và cùng với nó là khả năng đàm phán của các nước.

Giới chuyên gia cho rằng Tổng thống Trump muốn đưa ra giải pháp cho vấn đề Triều Tiên hoặc xem xét lại kết quả thỏa thuận với Tehran không chỉ để giải quyết bất đồng, mà để tạo ra một hiệu quả nội chính trị và củng cố thêm vị thế trong nước của mình.

Đặc biệt là khi thỏa thuận với Tehran rõ ràng đang đạt kết quả, Iran đang thực hiện tất cả các nghĩa vụ đã cam kết và được các chuyên gia và quan sát viên công nhận.

Quan hệ giữa Nga với các nước phương Tây hiện nay được giới chuyên gia đánh giá là một cuộc Chiến tranh lạnh mới. Tuy nhiên, như trên đã nói, ngay cả trong thời kỳ căng thẳng nhất, Moskva và Washington vẫn duy trì các cuộc tiếp xúc, và nếu mất đi đối thoại thì hậu quả sẽ vô cùng tiêu cực.

Theo giáo sư Roald Sagdeev, hiện nay không có cơ chế nào để khôi phục lại các cuộc tiếp xúc cấp cao và tìm ra giải pháp cho quan hệ hai nước. Nếu quan hệ Mỹ-Nga một lần nữa rơi vào khủng hoảng, ví dụ như thời khủng hoảng Cuba, thì ngoài “ranh giới đỏ” giữa Điện Kremlin và Nhà Trắng, không còn một cơ chế nào khác.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nước Nga sẽ hướng tới giải trừ toàn diện vũ khí hạt nhân, song sẵn sàng phát triển các hệ thống vũ khí mới. Ảnh: AFP/TTXVN

Song ngay cả “ranh giới đỏ” này thời gian gần đây cũng không còn hiệu quả. Ông William Perry đặc biệt nhấn mạnh rằng trong quan hệ căng thẳng giữa hai nước còn bổ sung thêm các nhân tố nguy hiểm chưa hiện diện dưới thời Chiến tranh lạnh.

Nguy cơ lớn thứ nhất là chủ nghĩa khủng bố hạt nhân nếu đại diện của nhóm cực đoan tiếp cận được với vũ khí hạt nhân. Rủi ro tiềm tàng thứ hai là tái diễn xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan. Và thứ ba là Triều Tiên, trong trường hợp Bình Nhưỡng cảm nhận được mối đe dọa đến chế độ của mình, họ sẽ sẵn sàng tấn công vào Nhật Bản hoặc Hàn Quốc.

Ông Perry chỉ ra rằng chiến tranh hạt nhân giữa Ấn Độ và Pakistan có thể khiến hàng chục thành phố bị tấn công hạt nhân. Và nếu chiến tranh nổ ra tại Hàn Quốc và leo thang thành chiến tranh hạt nhân, nguy cơ Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Seoul và Tokyo sẽ rất cao.

Vì vậy, chiến tranh hạt nhân cũng như xung đột hạt nhân giữa Ấn Độ và Pakistan có thể gây ra thiệt hại về người, với số lượng không kém số nạn nhân của cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai, chỉ khác là nạn nhân chết trong vòng 6 giờ, chứ không phải 6 năm.

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair cũng nói riêng về vấn đề vũ khí hạt nhân rơi vào tay khủng bố, ông nhắc đến kịch bản sử dụng cái gọi là “bom bẩn”, đó là một hình thức phổ biến vũ khí hạt nhân kết hợp với nguy cơ các nước bị xua đuổi phổ biến công nghệ hạt nhân.

Theo ông Blair, vấn đề đe dọa tin học cũng liên quan chặt chẽ với thách thức đó, ví dụ khủng bố có thể không tiếp cận được với vũ khí hạt nhân, song có thể có công nghệ phá vỡ hoặc gây tổn hại đến các cơ sở quản lý hoặc lưu giữ hệ thống hạt nhân.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục