Thêm một công trình đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải cho miền Bắc

11:30' - 13/10/2016
BNEWS Công trình Mở rộng ngăn lộ đường dây tại Trạm 500kV Quảng Ninh và Trạm 500kV Hiệp Hòa để đấu nối đường dây 500kV Quảng Ninh - Hiệp Hòa (mạch 2) vừa được nghiệm thu và đưa vào vận hành.
Nghiệm thu đưa công trình Mở rộng ngăn lộ đường dây tại Trạm 500kV Quảng Ninh và Trạm 500kV Hiệp Hòa để đấu nối ĐZ 500kV Quảng Ninh - Hiệp Hòa (mạch 2) vào vận hành. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung (CPMB) cho biết, Ban đã phối hợp cùng Công ty Truyền tải điện 1, Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3, Công ty TNHH MTV Thí nghiệm điện Miền Bắc, Công ty TNHH MTV Xây lắp điện 4, Công ty cổ phần Yotek, Công ty TNHH Alstom Việt Nam và Công ty TNHH Siemens Việt Nam vừa đóng điện thử nghiệm, nghiệm thu đưa công trình Mở rộng ngăn lộ đường dây tại Trạm 500kV Quảng Ninh và Trạm 500kV Hiệp Hòa để đấu nối đường dây 500kV Quảng Ninh - Hiệp Hòa (mạch 2) vào vận hành.

Công trình có tổng mức đầu tư 355 tỷ đồng, được thực hiện tại trạm biến áp 500kV Quảng Ninh ở xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh và tại trạm biến áp 500kV Hiệp Hòa ở xã Đại Thành, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang.

Theo Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung, việc cắt điện các đường dây 500kV để thực hiện chuyển đổi, sắp xếp đấu nối các đường dây 500kV tại đầu trạm biến áp 500kV Quảng Ninh là vô cùng khó khăn và phức tạp vì phải đảm bảo an toàn cung cấp điện cho khu vực Hà Nội.

Do đó, ngay từ giai đoạn bắt đầu lắp đặt thiết bị công trình CPMB đã phối hợp chặt chẽ với Đơn vị thi công - Công ty TNHH MTV Xây lắp điện 4 xây dựng phương án cắt điện chi tiết để thi công cho từng hạng mục công việc cụ thể; trong đó khó khăn nhất là việc cắt điện đồng thời cả 2 mạch đường dây 500kV Quảng Ninh - Phố Nối.

Quá trình cắt điện được bố trí từ ngày 25/9, tổ chức thực hiện từng giai đoạn và kết thúc toàn bộ công trình vào ngày 13/10.

Công trình hoàn thành sẽ đáp ứng mục tiêu truyền tải, mở rộng công suất của các nhà máy điện khu vực Đông Bắc Bộ vào hệ thống điện toàn quốc, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải của miền Bắc cũng như cả nước.

Cùng với việc nâng cao độ tin cậy, an toàn cung cấp điện, nâng cao chất lượng điện năng cho lưới điện khu vực trong mọi trường hợp bình thường và khi sự cố, dự án còn góp phần giảm tổn thất trên lưới điện truyền tải, làm tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước, dự phòng cho sự phát triển nguồn nhiệt điện giai đoạn sau năm 2020./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục