Thí điểm cơ chế tích tụ đất đai: Đất hoang sẽ cho những mùa vàng

16:12' - 14/10/2017
BNEWS Cùng với Hà Nam, Thái Bình là tỉnh được Chính phủ lựa chọn triển khai thí điểm cơ chế tích tụ đất đai, phục vụ thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp tập trung.
Thái Bình là tỉnh được lựa chọn triển khai thí điểm cơ chế tích tụ đất đai. Ảnh minh họa: TTXVN

Đây là một đề án lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xu thế phát triển nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, chất lượng cao hiện nay, nhất là với tỉnh có thế mạnh, 90% dân cư sống phụ thuộc vào nông nghiệp như tỉnh Thái Bình.

Cũng bởi vậy, từ khâu triển khai xây dựng đề án, tỉnh Thái Bình đã thực hiện từng bước cẩn trọng, lắng nghe ý kiến từ nhiều phía.
*Những ngày đầu tích tụ
Tỉnh Thái Bình hiện có 105.000 ha đất nông nghiệp với trình độ thâm canh cao. Trên thực tế, việc tích tụ ruộng đất tại Thái Bình đã được manh nha từ cách đây vài năm với nhiều mô hình hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống người dân.
Nhiều “ông lớn” đã mạnh dạn đầu tư tiền tỷ “bắt tay” với chính quyền và người dân tích tụ ruộng đất trong thời điểm khái niệm về tích tụ còn đang khá mới.

Điển hình như mô hình thuê 11 ha đất của Công ty TNHH Hưng Cúc tại xã Thanh Tân (huyện Kiến Xương), mô hình thuê đất trồng cây dược liệu tại xã Quỳnh Hoa (huyện Quỳnh Phụ) của Công ty cổ phần Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Thái Hưng....
Không chỉ có doanh nghiệp thực hiện tích tụ, tại Thái Bình cũng có nhiều cá nhân, nông dân đứng ra thuê lại đất của những hộ không có nhu cầu canh tác để sản xuất với quy mô tập trung.
Ông Trần Xuân Lưỡng là một trong những người đầu tiên của Thái Bình thực hiện tích tụ ruộng đất. Thay vì lựa chọn những cánh đồng thuận lợi thì ông Lưỡng lại khởi đầu từ cánh ruộng hoang, ruộng xấu, nơi người dân không còn tha thiết cấy hái.
Ông Lưỡng cho biết, trước đây cánh đồng thôn Đông Nghĩa và Tây Nghĩa (xã Quang Hưng, huyện Kiến Xương) nằm xa khu dân cư, vốn là nơi sản xuất của nhiều lò gạch. Sau này đất được cải tạo cấy lúa nhưng chất đất chua phèn, sản xuất kém hiệu quả. Nhiều nông dân cho mượn lại ruộng để cấy nhưng cũng không mấy ai mặn mà.
Năm 2011, ông Lưỡng đã thuê 30 mẫu ruộng của những hộ nông dân chán ruộng, bỏ ruộng với giá 200.000 đồng/sào/năm để đầu tư lớn với mong muốn cải thiện tư duy làm nông nghiệp, vực dậy đồng hoang. Sau khi thuê lại ruộng, ông tự đầu tư cải tạo ruộng, hệ thống thủy lợi, sân phơi với kinh phí hàng tỷ đồng để sản xuất lúa Nhật.

Từ những nỗ lực không ngừng nghỉ ấy, đất hoang đã cho những mùa vàng. Đến nay, mô hình của ông Lưỡng đã đi vào hoạt động ổn định.
Từ những “hạt giống” ban đầu, đến nay trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã xuất hiện nhiều vùng tích tụ ruộng đất hiệu quả phục vụ sản xuất trồng trọt, chăn nuôi hay nuôi trồng thủy sản.
Thống kê đến hết năm 2016, tổng diện tích đất nông nghiệp được tập trung, tích tụ để sản xuất hàng hóa quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Thái Bình là 9.714ha; trong đó diện tích đất tập trung, tích tụ theo hình thức thuê đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất là 3.292 ha, diện tích đất tập trung theo hình thức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản là 6.422 ha.

Riêng lĩnh vực trồng trọt thu hút nhiều cá nhân, doanh nghiệp tham gia tích tụ với 9 tổ chức và 123 cá nhân tham gia.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, các mô hình tích tụ bước đầu mang lại hiệu quả cao hơn so với sản xuất thông thường từ 1 - 2 lần.

Đây là những dấu hiệu khả quan, đáng mừng đối với một hướng đi mới, mang tính đột phá với sản xuất nông nghiệp nói chung.
*Đảm bảo những nguyên tắc khi tích tụ
Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt vào tháng 12/2015 đã khẳng định: Việc tăng quy mô sản xuất là điều kiện tiên quyết cho những đột phá trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh và tích tụ ruộng đất là giải pháp được tỉnh này xác định quan trọng hàng đầu, mang tính đột phá để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, hướng đến nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa.
Từ nhu cầu thực tế của nền sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, đặt ra cho địa phương những yêu cầu cần phải có những khung pháp lí, định hướng cụ thể dẫn dắt hoạt động tích tụ, tập trung ruộng đất đi đúng quỹ đạo phát triển.

Đồng thời cẩn trọng từng bước thực hiện nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên trong khi tích tụ.
Xác định tầm quan trọng của tích tụ ruộng đất và cụ thể hóa lộ trình tiến tới nền nông nghiệp hàng hóa, bền vững, tỉnh Thái Bình đã sớm bắt tay vào nghiên cứu xác định bộ khung chính sách dẫn đường cho hoạt động tích tụ.

Từ tháng 2/2016, UBND tỉnh Thái Bình đã phê duyệt đề cương Đề án tích tụ ruộng đất nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020 và những năm tiếp theo.
Tại cuộc họp diễn ra mới đây của Ban Chỉ đạo xây dựng, triển khai thực hiện Đề án tích tụ ruộng đất nông nghiệp tỉnh Thái Bình giai đoạn 2016 - 2020, nhiều đại biểu đã có những ý kiến đóng góp về dự thảo Đề án tập trung, tích tụ đất đai phục vụ thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2017 đến năm 2020 như thời gian thuê đất, đơn giá, cách thức thanh toán, thủ tục thuê đất và trách nhiệm của doanh nghiệp sau thời hạn thuê đất.
Ông Bùi Đức Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy cho rằng, trong quá trình sản xuất, doanh nghiệp có nhu cầu về đầu tư diện tích kho bãi, vì vậy cần phải có thủ tục chuyển nhượng, chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp như thế nào cho hợp lý.

Đồng thời về các thủ tục liên quan đến tích tụ, nên chia làm 3 loại theo từng lĩnh vực như thủ tục tích tụ trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.
Theo dự thảo đề án, cách thức tập trung, tích tụ ruộng đất trên địa bàn tỉnh Thái Bình sẽ thực hiện dựa trên sự ủy quyền của người dân đối với chính quyền xã, chính quyền xã ký hợp đồng với các tổ chức, cá nhân thuê đất để phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung.

Vì vậy, vai trò của cấp cơ sở rất quan trọng.
Ông Hoàng Đức Kiếm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng cho rằng, cần phải có một bộ thủ tục hành chính với tính pháp lý đầy đủ nhất để giúp chính quyền cấp xã có khung chuẩn chung thực hiện.
Ông Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho biết, hiện tại Đề án tập trung, tích tụ đất đai phục vụ thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp tập trung trên địa bàn giai đoạn 2017 - 2020 đang vào giai đoạn hoàn thiện, sớm trình UBND tỉnh phê duyệt trong tháng 10/2017.
Trong đó định hướng giai đoạn 2017 - 2020 tỉnh Thái Bình khuyến khích tất cả các hình thức tích tụ. Tuy vậy, để thu hút các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thì Thái Bình tập trung hơn vào hình thức thuê quyền sử dụng đất.

Về thời gian thanh toán, dự kiến thực hiện theo phương thức mỗi năm bên thuê đất sẽ thanh toán một lần cho bên cho thuê đất.
Theo Đề án này, tỉnh Thái Bình phấn đấu đến năm 2020, diện tích ruộng đất tập trung thêm theo hình thức thuê đất khoảng 8.000 ha, nâng tổng diện tích ruộng đất tập trung, tích tụ theo hình thức thuê đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất lên khoảng 12.000 ha; hình thức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản khoảng 15.000 ha phục vụ cho các dự án đầu tư vào sản xuất nông nghiệp tập trung./.
Xem thêm:

>>>Tích tụ ruộng đất: Đi tìm phương thức ưu việt - Bài cuối: Tư duy thay đổi

>>>Tích tụ ruộng đất:- Đi tìm phương thức ưu việt - Bài 4: Đảm bảo quyền lợi nông dân

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục