Thị trường dầu mỏ Iran hút vốn đầu tư châu Âu

16:23' - 24/08/2015
BNEWS Ngoài Thụy Sỹ, Hy Lạp ngỏ ý muốn mua khí đốt của Iran. Đức, Ba Lan, Nhật Bản, Áo, Oman, Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq đã trực tiếp tham gia các thương thuyết mua bán khí đốt với Tehran.

Các công ty năng lượng châu Âu cho biết họ đang chờ đợi thỏa thuận hạt nhân mà Iran đạt được với sáu cường quốc thế giới (gồm năm nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Anh và Nga cùng với Đức) hôm 14/7 được thực thi để họ có cơ hội tham gia vào các dự án dầu mỏ và khí đốt của quốc gia Trung Đông này.

Ngay sau khi các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran được hoàn tất, một loạt công ty và doanh nghiệp năng lượng lớn như DNO ASA (Na Uy), Royal Dutch Shell (Hà Lan/Anh), Total (Pháp), BP (Anh) và Eni (Italy) đã thể hiện sự quan tâm lớn đến các dự án dầu khí mới của Iran, coi đây là những cơ hội kinh doanh hấp dẫn.

Các quan chức Bộ Dầu mỏ Iran cho hay nước này có thể phát triển gần 50 dự án dầu mỏ và khí đốt trị giá 185 tỷ USD. Theo Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Namdar Zanganeh, Tehran sẽ tăng công suất xuất khẩu dầu thô thêm nửa triệu thùng mỗi ngày trong vòng 2 tháng sau khi các lệnh trừng phạt được bãi bỏ và thêm 1 triệu thùng/ngày sau 6 tháng.

Iran cũng có kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí đốt xuyên quốc gia thứ chín của mình để xuất khẩu khí đốt sang Thổ Nhĩ Kỳ và từ đó sang thị trường châu Âu.

Tháng 6/2010, các đại diện đặc biệt của Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã phê chuẩn dự án xây dựng đường ống dài 1.850 km với số vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ euro để xuất khẩu trực tiếp khí đốt của Iran.

Với công suất vận chuyển khí đốt tự nhiên khoảng 110 triệu m3/năm, đường ống thứ chín này dự kiến được xây dựng trong thời gian 3 năm.

Các nguồn không chính thức cho biết, ngoài Thụy Sỹ, Hy Lạp ngỏ ý muốn mua khí đốt của Iran. Các quốc gia khác gồm Đức, Ba Lan, Nhật Bản, Áo, Oman, Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq đã trực tiếp tham gia các thương thuyết mua bán khí đốt với Tehran.

Hãng thông tấn FNA chính thức của Iran mới đây dẫn lời Thứ trưởng Bộ Dầu mỏ Iran Ali Majedi cho hay, bộ này có các chương trình xuất khẩu khí đốt tự nhiên quy mô lớn sang thị trường châu Âu. Ông Majedi nói thêm châu Âu rất quan tâm đến việc nhập khẩu khí đốt của Iran để giảm bớt sự độc quyền của Nga.

Iran sở hữu trữ lượng khí đốt thuộc hàng lớn nhất thế giới, song nước này hiện chỉ sản xuất hơn 700 triệu m3 khí/ngày, chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước. Theo đánh giá của các quan chức châu Âu và giới phân tích, Iran là một trong những nhà cung cấp năng lượng an toàn nhất.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục