Thị trường bán lẻ: Đến lúc chấm dứt “mạnh ai nấy làm”

09:37' - 17/12/2015
BNEWS Ông Võ Văn Quyền: Trước nguy cơ khối ngoại có khả năng chiếm lĩnh thị trường bán lẻ trong nước, khối doanh nghiệp nội cần phải có những động thái tích cực, tránh “mạnh ai nấy làm”.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của hệ thống phân phối bán lẻ hàng hóa cho các doanh nghiệp Việt Nam đang là một trong những yêu cầu cấp bách trước sức ép cạnh tranh gay gắt về mở cửa thị trường khi Việt Nam kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và chuẩn bị gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Để là rõ hơn về vấn đề này, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã chia sẻ với phóng viên BNEWS về những giải pháp để nâng cao vai trò hệ thống phân phối trong bối cảnh hiện nay.

BNEWS: Ông đánh giá thế nào về hoạt động của hệ thống phân phối bán lẻ Việt Nam, hiện nay?

Ông Võ Văn Quyền: Thực tế, sau khi Việt Nam tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, nhiều thương hiệu Việt đã có những bước tiến để vươn mình ra thế giới nhưng ngược lại cũng có sức ép trở lại buộc các doanh nghiệp phải đổi mới để cạnh tranh tốt hơn.

Cũng từ đó, các doanh nghiệp nước ngoài có quyền đầu tư mở cơ sở bán lẻ tại Việt Nam nhưng vốn chiếm không quá 49%. Điều này cho thấy, sức ép cạnh tranh đối với ngành bán lẻ Việt Nam đã có từ rất sớm.

Sau năm 2010, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài được mở cơ sở bán lẻ 100% vốn nước ngoài, nhưng có những điều kiện kiểm soát nhất định. Chẳng hạn, các nhà phân phối, bán lẻ nước ngoài có quyền mở cơ sở đầu tiên nhưng đến cửa hàng thứ hai trở đi, các cơ quan nhà nước sẽ đi kiểm tra địa điểm họ định mở để xem có các siêu thị khác hay chưa, dung lượng thị trường như thế nào trước khi cấp phép.

Các cửa hàng tiện lợi cũng phải tuân thủ theo quy hoạch và đúng lộ trình mở cửa của Việt Nam. Trong thời gian tới, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi... của nhà đầu tư nước ngoài vẫn được quản lý theo lộ trình cam kết với WTO. Đây là giải pháp quản lý nhằm đảm bảo thị trường phát triển hài hòa.

Khách hàng lựa chọn hàng hoá tại Siêu thị Big C. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Tôi cho rằng, việc mở cửa thị trường là cần thiết và nguyên tắc là có lợi cho người tiêu dùng khi được sử dụng hàng giá rẻ hơn. Tuy nhiên, không vì thế mà  để thị trường vận động hoàn toàn tự do mà cần phải theo cơ chế "bàn tay hữu hình", có sự điều tiết của Nhà nước.

Theo đó, Nhà nước vẫn cần giám sát, điều chỉnh, không để tình trạng  các nhà phân phối lớn triệt tiêu các nhà phân phối nhỏ để thống lĩnh thị trường, như vậy mới đảm bảo bình đẳng trong kinh doanh và bảo vệ quyền lợi lâu dài của người tiêu dùng cũng như đảm bảo thực hiện các cam kết mở cửa của WTO.

Thực tế cho thấy, hiện các cửa hàng mọc lên khá nhiều, khiến cả thành phố như một đại trung tâm mua sắm, nhưng chuỗi sản xuất, phân phối đến người tiêu dùng vẫn đứt khúc. Doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài lại có được những vị trí đắc địa còn doanh nghiệp bán lẻ trong nước chật vật vài năm không thuê được mặt bằng.

Cho dù hiện nay đã xuất hiện nhiều hơn những siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, thế nhưng dường như còn manh mún, thiếu liên kết và tự tạo áp lực cạnh tranh lẫn nhau. Đó là những bất cập của hệ thống bán buôn, bán lẻ nội địa.

Trước sự hội nhập sâu rộng, tổng mức bán lẻ thành phần của kinh tế nhà nước cũng có xu hướng giảm, còn kinh tế ngoài nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng tăng lên. Đặc biệt, các thương hiệu của các nhà phân phối đến từ châu Âu, châu Á đã đầu tư xây dựng cơ sở và thương hiệu ở Việt Nam.

Nhờ kinh nghiệm, tiềm lực tài chính mạnh có được từ tập đoàn mẹ, các doanh nghiệp phân phối đầu tư nước ngoài đủ khả năng chịu lỗ tới vài năm để tiếp tục đầu tư lập cơ sở bán lẻ mới để mở rộng mạng lưới kinh doanh với tốc độ nhanh hơn doanh nghiệp phân phối trong nước.

Trong khi các doanh nghiệp sản xuất trong nước khó có thể đưa sản phẩm chen chân vào mạng lưới phân phối này do những yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm.  

Người tiêu dùng lựa chọn hàng tại một siêu thị của HaproMart. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

BNEWS: Vậy là cơ quan quản lý, Bộ Công Thương đã có những giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp phân phối trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh này, thưa ông?

Ông Võ Văn Quyền: Trước hết, phải khẳng định rằng hội nhập là xu thế tất yếu. Bên cạnh thuận lợi khi hàng hóa có cơ hội đi khắp thế giới thì hàng Việt cũng phải đối diện với hàng nhập khẩu của nước ngoài với thuế suất thấp. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam bắt buộc phải cải tiến chất lượng hàng hóa để tăng sức cạnh tranh.

Với vai trò chủ trì trong đàm phán mở cửa thị trường, Bộ Công Thương đã xây dựng kịch bản, mở cửa từng phần và có lộ trình, vừa tạo áp lực cạnh tranh, vừa giúp doanh nghiệp có đủ thời gian để đầu tư, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa. Mặt hàng nào có sức cạnh tranh tốt thì mở cửa trước, mặt hàng nào có sức cạnh tranh kém hơn thì mở cửa sau.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tham mưu, kiến nghị Chính phủ xây dựng nhiều bộ luật như Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ người tiêu dùng… để bảo vệ hàng hóa và người tiêu dùng trong nước.

Các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia cũng tổ chức đoàn đi các hội chợ quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp bằng nhiều cách như truyền thông, chính sách, kết nối cung cầu, triển lãm, bán hàng về nông thôn, chính sách kết nối với doanh nghiệp nước ngoài tạo chuỗi giá trị gia tăng... Tất cả các yếu tố hỗ trợ đó tạo ra khả năng cạnh tranh để doanh nghiệp sẵn sàng đối đầu khi hội nhập quốc tế

Các doanh nghiệp ngoại đang dần chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Nhưng để giúp các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam vượt qua các khó khăn, thách thức hiện tại, cần thiết phải ban hành một chiến lược phát triển tổng thể thị trường bán lẻ Việt Nam với sự vào cuộc của các ban, ngành chức năng và những kế hoạch hành động thiết thực cho từng doanh nghiệp.

Đồng thời, bản thân các doanh nghiệp cũng cần chủ động nâng cao năng lực quản trị, đào tạo nhân lực theo hướng hoàn thiện kỹ năng, phục vụ chuyên nghiệp, chuyên môn hóa, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ (giao hàng, thanh toán, hậu mãi…).

Bên cạnh chính sách, luật pháp tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, cũng cần có chính sách nhằm thực hiện lộ trình mở cửa theo cam kết WTO, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước.

Đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, như hỗ trợ đầu tư, tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia hạ tầng thương mại, chương trình bình ổn giá, kết nối cung cầu… để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tạo chuỗi liên kết từ sản xuất đến lưu thông, phân phối.

CDoanh nghiệp bán lẻ trong nước cần tránh "mạnh ai nấy là" mà cần tập trung lại với nhau tạo vị thế cạnh tranh. Ảnh: VinGroup

Trong bối cảnh thị trường bán lẻ Việt Nam đón nhận sự đầu tư ồ ạt của khối doanh nghiệp ngoại, nguy cơ khối ngoại chiếm lĩnh thị trường bán lẻ trong nước đang đặt ra thách thức cho khối doanh nghiệp nội cần phải có những động thái tích cực, tránh “mạnh ai nấy làm”.

Bản thân các doanh nghiệp cần đoàn kết với nhau để giữ vững và thể hiện quyền làm “chủ sân nhà”, lành mạnh hóa tài chính doanh nghiệp, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, áp lực cạnh tranh trong lĩnh vực thị trường bán lẻ buộc các doanh nghiệp nhỏ phải bắt tay hợp tác với các doanh nghiệp lớn.

Để các doanh nghiệp ngoại không lấn át và chiếm lĩnh thị phần, doanh nghiệp bán lẻ nội địa phải chủ động hợp tác và liên kết với nhau. Các doanh nghiệp trong nước cần xác định rõ, phải dùng chính hàng hóa nội địa để phát triển bán lẻ nội địa và thúc đẩy sản xuất trong nước.

Đồng thời, sự hợp tác giữa các doanh nghiệp bán lẻ với các doanh nghiệp sản xuất cũng giúp doanh nghiệp bán lẻ tiết kiệm được chi phí trung gian, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa, giảm giá bán, tăng sức cạnh tranh so với doanh nghiệp ngoại vốn có các thế mạnh như thương hiệu nổi tiếng lâu đời, năng lực tài chính, bề dày kinh nghiệm và chất lượng nguồn nhân lực.

BNEWS: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục