Thị trường bánh kẹo Tết sôi động vào mùa

13:05' - 03/01/2017
BNEWS Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 đang tới gần và cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa hàng chục, hàng trăm doanh nghiệp trong “sân chơi” bánh kẹo Tết cũng đang “nóng” hơn bao giờ hết.

Cạnh tranh khốc liệt

Ngành hàng bánh kẹo thể hiện tính mùa vụ rất rõ. Tết Nguyên đán được xem là cao điểm tiêu thụ bánh kẹo trong năm, sức mua của người tiêu dùng tăng mạnh. Đây cũng là “miếng bánh ngọt” tạo ra cuộc cạnh tranh sôi động trên thị trường của các doanh nghiệp bánh kẹo dịp cuối năm.

Dạo quanh một vòng các siêu thị lớn, người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận thấy sự “lên ngôi” của bánh kẹo Tết thay thế cho mặt hàng bánh kẹo thường ngày với ngập tràn các chương trình khuyến mại.

Theo quan sát từ thị trường, sức mua trong những ngày này tăng mạnh, các siêu thị lớn đều đón hàng nghìn lượt khách vào những ngày cuối tuần. Vì vậy các doanh nghiệp đồng loạt giảm giá, khuyến mại để thúc đẩy sức mua của người tiêu dùng trong đợt này, đồng thời cũng là để “dọn đường” cho hàng Tết lên kệ.

Một kệ hàng khuyến mại tại siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội). Ảnh:  BNEWS

Tuy nhiên với tâm lý chuộng hàng ngoại, các sản phẩm bánh kẹo ở phân khúc biếu tặng chiếm khoảng 25-30% từ nhiều năm nay đã thuộc vào các nhà sản xuất nước ngoài. Đặc biệt, năm 2016 đánh dấu hàng loạt vụ chuyển nhượng thương hiệu lớn diễn ra trong ngành hàng thực phẩm, bánh kẹo.

Cùng với đó là việc đổi chủ của hệ thống siêu thị BigC và Metro là tiền đề cho hàng loạt sản phẩm Thái Lan xâm nhập thị trường.

Bên cạnh đó, cùng với việc gia nhập thị trường chung ASEAN, thuế nhập khẩu của ngành hàng bánh kẹo bằng 0, mùa Tết năm nay thị trường cũng đón nhận hàng loạt các thương hiệu, sản phẩm bánh kẹo đến từ các nước trong khu vực: Indonesia, Malaysia…

Theo Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 12/2016, Việt Nam nhập khẩu hơn 20,53 triệu USD bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc. Nếu cộng dồn đến hết kỳ báo cáo thì con số này đã lên tới hơn 260,75 triệu USD. Những con số này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp nổi tiếng trong nước như Hữu Nghị, Hải Hà… đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, dẫn đến cuộc cạnh tranh diễn ra ngày càng khốc liệt trong dịp Tết cổ truyền năm nay.

Đa dạng về mẫu mã sản phẩm

Trong bối cảnh hàng ngoại tràn lan trên thị trường, các doanh nghiệp trong nước buộc phải đổi mới và điểm đầu tiên chính là chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Có thể thấy, mẫu mã sản phẩm của bánh kẹo nổi bật có nhiều thay đổi trong vài năm gần đây. Nghiên cứu kỹ xu hướng và thị hiếu của thị trường, các doanh nghiệp trong nước đã tập trung vào cải tiến bao bì theo hướng hiện đại, sang trọng phù hợp với nhu cầu làm quà biếu tặng trong dịp lễ Tết.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã không ngừng nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm với hương vị mới để tránh nhàm chán và rơi vào tình trạng bão hòa cùng những dòng sản phẩm đang có mặt trên thị trường.

Người tiêu dùng khó khăn lựa chọn một sản phẩm. Ảnh: BNEWS

Ông Trần Ngọc Chung, Trưởng phòng Marketing - Công ty CPTP Hữu Nghị, cho biết mùa vụ Tết năm 2017, sản lượng bánh kẹo của Hữu Nghị đạt khoảng 6.500 tấn, tăng khoảng 15% so với năm 2015. Trong đó điểm nhấn là dòng sản phẩm cookies phục vụ nhu cầu biếu tặng và bộ sản phẩm Mứt Tết, Lộc Xuân mang thông điệp “Tết vẹn tình” truyền thống của Hữu Nghị.

Đại diện công ty cũng cho biết, Hữu Nghị đã tung hàng ra thị trường trước thời điểm Tết 2 tháng. Ngoài ra, nắm bắt xu hướng của thị trường, các sản phẩm đều được điều chỉnh giảm độ ngọt để phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng hiện nay.

Sản phẩm với nhiều mẫu mã đa dạng, trong đó có nhiều sản phẩm được nhập khẩu. Ảnh: BNEWS

Có thể thấy sự góp mặt của hàng loạt các thương hiệu ngoại trong thị trường nội địa ở góc độ nào đó đã buộc các doanh nghiệp trong nước phải chuyển mình theo chiều hướng tích cực để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Từ đó, người tiêu dùng Việt sẽ dễ dàng chọn lựa chọn được một sản phẩm chất lượng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục