Thị trường Bảo hiểm: Thách thức đến từ cơ hội

07:30' - 17/09/2015
BNEWS Theo dự báo của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cũng như kế hoạch phát triển thị trường bảo hiểm năm 2015, cuối năm nay doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ là trên 34.000 tỉ đồng, tăng trưởng khoảng 20% .

Prudential và Viện Lão hóa toàn cầu hỗ trợ cải thiện kế hoạch hưu trí Việt Nam. Ảnh: Prudential Việt Nam

Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam lại đạt tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian qua. Mặc dù vậy, hiện mới chỉ có chưa đến 6 triệu người đang được bảo vệ an toàn tài chính thông qua các hợp đồng bảo hiểm trong khi dân số Việt Nam hiện là 90 triệu người.

Con số này cho thấy dư địa của thị trường bảo hiểm tại Việt Nam hiện còn rất lớn và đầy tiềm năng phát triển. Vậy thì sau gần 20 năm hình thành và phát triển, hiện trạng của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam như thế nào? Và thị trường này sẽ có triển vọng ra sao trong giai đoạn tới?

Để giải đáp về vấn đề này, phóng viên Ban Kinh tế - TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam.

PV: Thưa ông, xin ông cho biết những đánh giá tổng quan của ông về thị trường Bảo hiểm nhân thọ Việt Nam hiện nay?

Ông Phùng Đắc Lộc: Thị trường bảo hiểm nhân thọ năm 2014 đã có mặt 17 doanh nghiệp bảo hiểm nhận thọ với trên 1000 văn phòng đại diện và tổng đại lý.

Số lượng đại lý là trên 290.000 người, phủ khắp các tỉnh các khu đô thị, khu kinh tế, đến cả vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Kết quả doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ năm 2014 đạt được 28.535 tỉ đồng, tăng trưởng với tốc độ 21,7%. Trong đó, số lượng hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực đến cuối kì là hơn 5 triệu hợp đồng.

Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và Cục quản lý giám sát bảo hiểm thì số tiền bảo hiểm thu được trong 6 tháng đầu năm 2015 là trên 16.000 tỉ đồng, tăng trưởng 30%.

PV: Thưa ông, nhiều chuyên gia nhận định, sau một thời gian dài hình thành và phát triển, bảo hiểm nhân thọ đã có những sự tăng trưởng đáng ghi nhận nhưng sự quan tâm của người dân đến lĩnh vực này chưa cao, nguyên nhân năm ở đâu ?

Ông Phùng Đắc Lộc: Có thể thấy, phần lớn mức thu nhập của người dân Việt Nam vẫn ở mức dưới trung bình hoặc còn gọi là chưa ở mức trung lưu. Theo thống kê của Hiệp Hội bán lẻ quốc tế thì số lượng dân trung lưu của Việt Nam chiếm 15% tổng dân số.

Việc đào tạo, tư vấn cho người dân xây dựng kế hoạch tài chính trong tương lai để làm những công việc không thể không làm như cho con ăn học, dựng vợ gả chồng cho con hay mua một cái xe….

Bên cạnh đó, chất lượng của các đại lý bảo hiểm về tuyên truyền, tư vấn chưa đạt yêu cầu. Chủ yếu các đại lý chỉ mong muốn cho người dân tham gia bảo hiểm để họ có hoa hồng.

PV: Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam hiện được xem là sân chơi riêng của khối ngoại, doanh nghiệp nội có tham gia nhưng bị chìm lấp trong các liên doanh với các tên tuổi ngoại qua những thương vụ bán cổ phần khá đình đám. Ông có thể lý giải rõ nguyên nhân của vấn đề này thưa ông ?

Ông Phùng Đắc Lộc: Các khối ngoại lấn át thị trường bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam vì Việt Nam là thị trường mới phát triển trong 15 năm. Mặt khác, các tổ chức cá nhân muốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm thì còn phải nghe ngóng, để đúc kết những thành công cũng như thất bại của các doanh nghiệp đi trước.

Thêm vào đó, việc phát triển sản phẩm mới, cải tiến sản phẩm sao cho phù hợp với nhu cầu của người dân, phát triển mạng lưới phân phối qua đại lý hoặc qua các đại lý khác, phát triển nguồn nhân lực, các cán bộ trong ngành bảo hiểm nhân thọ là cả một quá trình dài.

Đặc biệt ở các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thiết kế có hiệu lực trong 10 năm, 20 năm hay suốt đời cho nên phải tính được giá trị dòng tiền trong tương lai.

Các lãnh đạo của OBI, Digiworld, Generali và Qualcomm trong sự kiện ra mắt Obi Worldphone. Ảnh: Generali Việt Nam

PV: Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam là cầu nối giữa doanh nghiệp và Nhà nước. Vậy cụ thể Hiệp hội Bảo hiểm đã làm những gì trong thời gian qua, thưa ông?

Ông Phùng Đắc Lộc: Hiệp hội mang tiếng nói chung của các doanh nghiệp vào trong văn bản dự thảo, văn bản pháp quy liên quan đến hoạt đông kinh doanh bảo hiểm như là: hướng dẫn luật kinh doanh bảo hiểm , chế độ tài chính, chế độ kế toán, chế độ thuế…

Đồng thời Hiệp hội cũng phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, vế cơ chế chính sách thủ tục, kiến nghị các biện pháp cho cơ quan chức năng tháo gỡ về thuế, về thu nhập, về hoạt động đại lý…

PV: Thưa ông, nhiều chuyên gia cho rằng, bảo hiểm nhân thọ đang có sức hút rất lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài, đánh giá của ông về vấn đề này thế nào?

Ông Phùng Đắc Lộc: Theo cam kết WTO, cũng như theo các Hiệp định thương mại tự do đã ký với EU, với kinh tế châu á thái bình dương hoặc là với những hiệp định thương mại song phương với Nhật Bản, Hàn Quốc, chúng ta đều phải cam kết mở cửa thị trường bảo hiểm trong đó có bảo hiểm nhân thọ.

Mặt khác, dư địa của bảo hiểm nhân thọ còn rất nhiều, là mảnh đất màu mỡ, phân khúc thị trường bảo hiểm còn chưa ai khai phá đến cho nên còn đầy hứa hẹn. Bên cạnh đó, lãi suất đầu tư tại Việt Nam tương đối hấp dẫn .

Lãi suất các ngân hàng tại Việt Nam hay các lãi suất khác sinh lời cao hơn số tiền nhàn rỗi họ gửi tại ngân hàng của họ. Cuối cùng, họ có thế mạnh về kinh nghiệm, lịch sử , công nghệ thông tin, khoa học quản lý cũng như về phát triển sản phẩm. Và đặc biệt đó là kinh nghiệm phân phối sản phẩm.

PV: Với việc dự địa thị trường bảo hiểm nhân thọ còn rất lớn điều này đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, theo ông cơ hội đó là gì và nó nằm ở đâu?

Ông Phùng Đắc Lộc: Nhu cầu của bảo hiểm nhân thọ là đa dạng và phong phú. Trước hết là nhu cầu để thực hiện những công việc không thể không làm trong tương lai của một đời người. Đó là đẻ con, nuôi nấng, tìm việc, mua nhà ở riêng cho con.

Những cái đó đều cần đến tài chính. Thu nhập càng lớn thì vấn đế chăm sóc, lo lắng cho sức khỏe của bản thân càng được quan tâm rõ rệt.

Hiện nay, khi bị ốm đau bệnh tật mọi người đều mong muốn được điều trị tại những phòng chất lượng cao, áp dụng những công nghệ tiên tiến. Điều này càng làm tăng sự cạnh tranh và tăng quyền lợi so với bảo hiểm y tế hiện hành. Cuối cùng là nhu cầu của chủ sử dụng lao động muốn giữ chân người lao động bằng chính những sản phẩm bảo hiểm mà họ mua cho người lao động.

PV: Thưa ông, ông có thể đưa ra những đánh giá về triển vọng của thị trường bảo hiểm nhân thọ trong thời gian tới?

Ông Phùng Đắc Lộc: Theo dự báo của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cũng như kế hoạch phát triển thị trường bảo hiểm năm 2015 thì cuối năm nay chúng ta sẽ đạt được doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ là trên 34.000 tỉ đồng, tăng trưởng khoảng 20% .

Trong thời gian tới, dự báo thị trường từ năm 2016 mức tăng trưởng chỉ trên 15%, tùy theo mức độ cạnh tranh với tiền gửi ngân hàng, chứng khoán, bất động sản./.

PV: Xin cảm ơn ông.

Đức Duy (Thực hiện)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục