Thị trường chứng khoán phái sinh: Thêm công cụ phòng ngừa rủi ro

12:47' - 11/07/2017
BNEWS Thị trường chứng khoán phái sinh được kỳ vọng sẽ giúp nhà đầu tư có thêm công cụ phòng ngừa rủi ro và yên tâm đầu tư vào thị trường chứng khoán

Là thị trường phát hành trên cơ sở những công cụ đã có như: cổ phiếu, trái phiếu và mua đi bán lại các chứng từ tài chính như: quyền mua cổ phiếu, chứng quyền, hợp đồng quyền chọn mua hoặc bán..., thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam được kỳ vọng sẽ giúp nhà đầu tư có thêm công cụ phòng ngừa rủi ro và yên tâm đầu tư vào thị trường chứng khoán.

Để làm rõ hơn về công tác chuẩn bị cũng như những kỳ vọng cho thị trường này tại Việt Nam, BNEWS đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Phóng viên: Xin ông cho biết xây dựng thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) ở Việt Nam có những thuận lợi và khó khăn gì?

Ông Nguyễn Thành Long: Về thuận lợi, do đi sau nên chúng ta kế thừa được nhiều kinh nghiệm phát triển TTCKPS từ các quốc gia khác. Điều này thể hiện trong Đề án phát triển TTCKPS mà Thủ tướng đã phê duyệt theo Quyết định số 366/2014/QĐ-TTg ngày 11/3/2014.

Theo đó, chúng ta sẽ xây dựng một TTCKPS tập trung, có sự quản lý của Nhà nước ngay từ khi thiết lập thị trường, hạn chế thị trường phái sinh tự do, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Cùng với đó, việc phát triển được thực hiện theo một lộ trình chủ động, có bước đi phù hợp, từ các sản phẩm đơn giản tới phức tạp, tiến tới có một TTCKPS thống nhất dựa trên các loại hình tài sản cơ sở theo thông lệ quốc tế, bao gồm chứng khoán và cả các tài sản khác.

Nền tảng thị trường chứng khoán cơ sở đã có sự cải thiện rõ rệt nhờ các mục tiêu đã đạt được sau khi quá trình tái cấu trúc TTCK. TTCKPS với tài sản cơ sở là chứng khoán sẽ được hỗ trợ rất nhiều từ tính thanh khoản ngày một cao của thị trường cơ sở, đi kèm với đó là năng lực tài chính và quản trị rủi ro của hệ thống các tổ chức trung gian thị trường.

Cụ thể là các công ty chứng khoán và các ngân hàng thương mại với vai trò là thành viên giao dịch và thành viên bù trừ của TTCKPS.

Đến thời điểm này, quy mô thị trường cổ phiếu đã đạt 53% GDP, mức cao nhất kể từ khi thị trường hình thành đến nay. Giá trị giao dịch cũng tăng mạnh và đạt gần 5.800 tỷ đồng, tăng 4 lần so với năm 2011. Quy mô thị trường trái phiếu cũng đạt tới 36,9% GDP, với mức giao dịch bình quân đạt gần 8.633 tỷ đồng/ngày, tăng gần 9 lần so với năm 2011. Mặc dù số lượng các công ty chứng khoán giảm tới 30%, nhưng năng lực tài chính của các công ty còn lại, đặc biệt các công ty đã đăng ký là thành viên giao dịch, thành viên bù trừ được cải thiện rõ rệt.

TTCKPS ra đời trên nền tảng sức cầu ổn định. Với cơ chế nhà đầu tư có thể đăng ký giao dịch phái sinh ngay trên hệ thống tài khoản giao dịch chứng khoán cơ sở. So với năm 2000 khi khai trương thị trường cổ phiếu với số lượng tài khoản giao dịch là con số 0 thì số lượng tài khoản giao dịch hiện nay đã đạt hơn 1,7 triệu tài khoản.

Quan trọng hơn là sự hiểu biết về chứng khoán và giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư khác hẳn so với thời điểm năm 2000 khi mới khai trương thị trường cơ sở.

Về nguyên tắc thì sản phẩm phái sinh phức tạp hơn, nhà đầu tư chắc chắn còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng với cơ chế giao dịch đơn giản dựa trên hệ thống giao dịch thân thiện thì thời gian làm quen với thị trường chắc chắn sẽ ngắn hơn nhiều. Vì vậy, đây sẽ là sức cầu tiềm năng cho thị trường phái sinh trong thời gian tới.

Tuy nhiên, việc xây dựng TTCKPS cũng có thể gặp phải những khó khăn nhất định bởi đây là thị trường mới và có sản phẩm phức tạp. Do vậy, cần phải thống nhất được nhận thức để hiểu rõ về sản phẩm cũng như triết lý quản lý thị trường này thông qua các bài học và kinh nghiệm quốc tế.

Trong giai đoạn đầu, việc tham gia giao dịch, thậm chí cả việc cung cấp dịch vụ trên thị trường này của một số tổ chức kinh doanh có điều kiện có thể sẽ chậm hơn so với các nhà đầu tư cá nhân. Điều này phần nào cản trở sự phát triển của thị trường, nhất là đối với thị trường hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị HNX. ẢNh: BNEWS

Phóng viên: Xin ông cho biết có điểm khác biệt nào giữa TTCKPS ở Việt Nam so với các nước trên thế giới?

Ông Nguyễn Thành Long: TTCKPS của Việt Nam và của nước ngoài không có sự khác biệt. Chúng ta đã xây dựng một hệ thống khung pháp lý chặt chẽ, thống nhất và từ những kinh nghiệm đúc rút từ các cuộc khủng hoảng tài chính.

Hệ thống giao dịch, hệ thống giám sát và hệ thống thanh toán bù trừ hiện đại cũng được triển khai đồng bộ với sự tham gia của các tổ chức cung cấp dịch vụ phần mềm quốc tế có uy tín trong lĩnh vực này.

Các sản phẩm cũng được thiết kế theo đúng thông lệ quốc tế với quy mô từng sản phẩm phù hợp với nhà đầu tư Việt Nam; đồng thời không có việc hạn chế sở hữu nước ngoài trên thị trường này.

Phóng viên: Ông kỳ vọng gì ở TTCKPS?

Ông Nguyễn Thành Long: TTCKPS sẽ tạo cơ sở hình thành một phân mảng mới của TTCK, giúp hoàn thiện cấu trúc, bổ sung chức năng cho thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng (ngoài chức năng huy động, phân phối nguồn vốn, nay có thêm chức năng phân tán rủi ro), đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế.

TTCKPS ra đời cũng giúp nhà đầu tư có thêm công cụ phòng ngừa rủi ro, yên tâm trong việc đầu tư vào TTCK, thời gian đầu tư kéo dài hơn, mức độ biến động của TTCK sẽ ít hơn, hoạt động phát hành trên TTCK để huy động vốn phục vụ cho nhu cầu đầu tư của nền kinh tế sẽ ổn định hơn.

Việc có thêm các công cụ giúp nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro khi giá chứng khoán biến động sẽ củng cố lòng tin và thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường, từ đó doanh nghiệp sẽ dễ dàng phát hành chứng khoán.

Cùng với đó, việc đa dạng hóa sản phẩm trên TTCK, đặc biệt các sản phẩm giúp phòng ngừa rủi ro còn thu hút thêm vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trung và dài hạn, giúp TTCK thanh khoản hơn, cải thiện bức tranh của TTCK, hệ thống tài chính và của cả nền kinh tế, cải thiện định mức tín nhiệm quốc gia.

Đồng thời, TTCKPS cũng là giải pháp thúc đẩy toàn diện quá trình tái cấu trúc TTCK. Cụ thể như thúc đẩy quá trình tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư theo hướng gia tăng sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức, các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có trình độ hiểu biết về chứng khoán phái sinh.

Qua đó giúp TTCK vận hành ổn định, an toàn và bền vững hơn, tránh được các biến động phi thị trường do hoạt động của các nhà đầu tư nhỏ lẻ thực hiện theo phong trào hoặc tâm lý đám đông.

Sự ra đời của TTCKPS còn tác động tích cực đến tiến trình tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán. Các tổ chức kinh doanh chứng khoán đủ điều kiện tham gia TTCKPS sẽ tiếp tục phải nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng các tiêu chí cao hơn về vốn, quản trị công ty, quản trị rủi ro, nhân sự, hệ thống công nghệ, tạo hiệu ứng lan tỏa nâng cao chất lượng dịch vụ cho nhà đầu tư trên TTCK.

Ngoài ra, mở cửa TTCKPS sẽ tạo tiền đề cho sự ra đời và vận hành của Trung tâm thanh toán bù trừ chứng khoán phái sinh theo mô hình Đối tác bù trừ trung tâm (CCP- Central CounterParty), góp phần đảm bảo an toàn và ổn định cho hệ thống tài chính trước các rủi ro khủng hoảng cũng như đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước.

Thực tế cho thấy, đã có tổ chức, cá nhân tự ý triển khai một số các sản phẩm phái sinh được giao kết dưới hình thức thỏa thuận dân sự, đặc biệt là các giao dịch trạng thái tài khoản vàng, mang tính chất “lách luật”. Điều này cũng phản ánh nhu cầu của thị trường, các nhà đầu tư trong việc đa dạng hóa các loại sản phẩm đầu tư.

Trong bối cảnh hội nhập đòi hỏi chúng ta phải xây dựng hệ thống quy phạm pháp luật và cho ra đời thị trường CKPS để quản lý theo các thông lệ quốc tế, đảm bảo trật tự thị trường, tính công bằng, minh bạch và hướng tới lợi ích của nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Phóng viên: Cho đến nay thì công tác chuẩn bị cho sự ra đời của TTCKPS đã được thực hiện đến đâu?

Ông Nguyễn Thành Long: Có thể nói, công tác chuẩn bị cho TTCKPS về cơ bản đã hoàn tất. Tất cả các bước về chính sách và khung pháp lý, hạ tầng công nghệ, sản phẩm, công tác đào tạo công chúng đầu tư, thành viên thị trường đã được ngành chứng năng đẩy mạnh trong thời gian qua nhằm chuẩn chị tốt nhất cho sự ra đời của thị trường CKPS. Số lượng công ty chứng khoán được cấp phép là thành viên giao dịch, thành viên bù trừ từ 6 đến 8 công ty. Về cơ bản đáp ứng việc cung cấp dịch vụ cho thị trường này khi triển khai./.

Phóng viên: Xin cám ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục