Thị trường chứng khoán Việt Nam: Liệu có duy trì được đà phục hồi?

18:04' - 04/07/2018
BNEWS Theo indexq.org, sau khi đạt đỉnh trong quý I với mức tăng trưởng 19,3% để đứng đầu các thị trường chứng khoán trên toàn cầu thì kết quả trong quý II lại hoàn toàn trái ngược.
Thị trường chứng khoán Việt Nam chịu áp lực của tình hình kinh tế, thương mại và thị trường chứng khoán thế giới. Ảnh: TTXVN

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã đi được nửa chặng đường trong năm 2018 với vị trí là một trong những thị trường có mức giảm mạnh nhất. Theo indexq.org, sau khi đạt đỉnh trong quý I với mức tăng trưởng 19,3% để đứng đầu các thị trường chứng khoán trên toàn cầu thì kết quả trong quý II lại hoàn toàn trái ngược.

Chỉ số VN - Index đã giảm mạnh hơn một số thị trường mới nổi, đứng thứ 2 trong khu vực châu Á (sau Philippines) trong các thị trường chứng khoán ở trạng thái "giảm mạnh nhất" kể từ đỉnh, với mức giảm 20.22%, sếp trên cả Trung Quốc (giảm 20%) và Indonesia (giảm 13.31%).

Kết quả như trên cũng phản ánh tình trạng chung của thị trường chứng khoán thế giới và các thị trường ở khu vực châu Á cũng vừa trải qua đợt giảm điểm kéo dài khiến các chỉ số chứng khoán về mức thấp nhất trong 9 tuần vừa qua.

Nhóm phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán MB- MBS cho rằng, nỗi lo về cuộc chiến thương mại ngày càng có dấu hiệu leo thang và lan tỏa không chỉ giữa Mỹ và Trung Quốc mà còn lan sang cả các đồng minh của Mỹ ở châu Âu.

Bên cạnh đó, hệ quả dòng vốn có động thái rút khỏi các thị trường mới nổi do việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến là những nhân tố tác động đến sự biến động của thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung và chứng khoán châu Á nói riêng trong quý 2 vừa qua.

Tổng lượng vốn rút ra khỏi các quỹ chứng khoán Mỹ và quỹ hoán đổi danh mục (ETF) trong tuần trước (từ 25 – 29/6) lên tới hơn 24,2 tỷ USD. Đây cũng là mức cao kỷ lục kể từ sự kiện khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán MB- MBS, chính những diễn biến này đã phần nào tác động đến xu hướng bán ròng liên tiếp trên thị trường chứng khoán Việt Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến mức suy giảm của chỉ số.

Thực tế, cơn bão giảm giá vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi thị trường tiếp tục ghi nhận một tuần giảm điểm với 2,28%. Tiếp đến là 2 phiên giao dịch từ 2 – 3/7, chỉ số VN - Index giảm tới 5,67%. Như vậy, VN - Index đã giảm điểm 3 tuần liên tiếp và nối dài sang 2 phiên đầu tuần tháng 7 với tổng mức giảm tới 14,97%.

Phiên giao dịch hôm nay (ngày 4/7), thị trường giao dịch giằng co suốt phiên sáng. Chỉ đến giữa phiên chiều, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn hồi phục, đặc biệt là vai trò dẫn dắt của các mã cổ phiếu vốn hóa lớn nhất, nhì thị trường như VHM và VIC đã kích hoạt đà tăng của thị trường.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/7, VN – Index tăng 8,14 điểm lên mức 914,15 điểm. Toàn sàn có 151 mã tăng, 47 mã đứng giá và 122 mã giảm giá. HNX – Index tăng 1,19 điểm lên 99,99 điểm. Toàn sàn có 78 mã tăng, 57 mã đứng giá và 71 mã giảm giá.

Nhóm cổ phiếu VN30 càng đến cuối phiên giao dịch càng hồi phục tích cực. Các mã cổ phiếu tăng giá mạnh nhất là VIC tăng 5.300 đồng/cổ phiếu, FPT tăng 1.000 đồng/cổ phiếu, DHG tăng 1.700 đồng/cổ phiếu. Hàng loạt mã cổ phiếu khác như HPG, HSG, ROS,... đều kết phiên trong sắc xanh.

Đặc biệt, cổ phiếu VHM còn tăng tới 7.200 đồng lên mức giá trần 110.800 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh trên 1,35 triệu đơn vị.

Ở chiều giảm giá có SAB giảm tới 2.100 đồng/cổ phiếu, VNM giảm 3.000 đồng/cổ phiếu, VJC giảm 2.000 đồng/cổ phiếu, BVH giảm 2.500 đồng/cổ phiếu.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng giao dịch khá cân bằng với 7 mã tăng giá và 8 mã giảm giá. Ở chiều tăng giá có VPB, SHB, MBB, KLB, EIB, CTG, ACB; trong đó, cổ phiếu ACB tăng mạnh nhất nhóm ngân hàng với mức tăng 1.000 đồng/cổ phiếu.

Ở chiều giảm giá có BID, HDB, LPB, STB, TCB, VCB, VIB; trong đó giảm mạnh nhất là TCB với 800 đồng/cổ phiếu, TPB giảm 650 đồng/cổ phiếu.

Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng gập trong sắc đỏ với GAS giảm tới 3.500 đồng/cổ phiếu. Các mã BSR, OIL, PVB, PVD, PVS, TDG... đều ở chiều giảm giá.

Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu chứng khoán phiên hôm nay khá tích cực với SSI tăng tới 1.450 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh trên 4,2 triệu đơn vị, VCI tăng 3.000 đồng/cổ phiếu, HCM và VIG tăng trần, VND, VDS, SHS, FTS,... cũng đều tăng giá rất tích cực.

Điều đặc biệt là thị trường tăng khá mạnh, nhưng thanh khoản thị trường rất yếu. Tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 160 triệu cổ phiếu, trị giá 3.900 tỷ đồng; trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 600 tỷ đồng. Như vậy, thanh khoản đã sụt giảm khá mạnh so với phiên giao dịch hôm qua.

Bên cạnh đó, khối ngoại cũng đang cho thấy xu thế bán ròng. Trên HNX, khối ngoại tiếp tục bán ròng tới 968.368 cổ phiếu với giá trị bán ròng đạt 15,73 tỷ đồng. Trong khi đó, trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng tới hơn 8,61 triệu đơn vị cổ phiếu, tương ứng với giá trị bán ròng đạt 462,4 tỷ đồng.

Xu thế bán ròng cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài đang diễn ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo số liệu thì tuần trước đó (từ 25 – 29/6), khối ngoại mua ròng giá trị cổ phiếu; trong đó, khối ngoại mua ròng trên HOSE với hơn 2,026 tỷ đồng và bán ròng trên HNX với hơn 12,5 tỷ đồng.

Nhưng nếu loại bỏ giao dịch thỏa thuận mua ròng đột biến từ YEG thì khối ngoại thực chất bán ròng hơn 329 tỷ đồng trên HOSE. Sang đến những phiên đầu tuần tháng 7, khối ngoại vẫn tiếp tục xu thế bán ròng trên 2 sàn niêm yết.

Lý giải 2 phiên giảm mạnh đầu tuần này, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam chịu áp lực của tình hình kinh tế, thương mại và thị trường chứng khoán thế giới nên đã giảm điểm rất mạnh trong hai phiên đầu tuần này. Đặc biệt là trong phiên 3/7, VN - Index đã giảm tới 41,14 điểm, về mức 906,01 điểm.

Bất chấp những thông tin tích cực ở trong nước như tăng tưởng GDP 6 tháng cao nhất từ năm 2011, dòng vốn FDI vào và vốn FDI giải ngân vẫn tăng, tỷ giá dù chịu sức ép, nhưng vẫn đủ lực để bình ổn,.... Tuy nhiên, tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường đang rất yếu bởi sự tác động mạnh mẽ của các thông tin tiêu cực trên thế giới.

Cũng vì tâm lý bất ổn nên trong phiên giao dịch chiều ngày 3/7, thị trường chịu áp lực bán rất mạnh khiến nhiều mã, đặc biệt là các mã vốn hóa lớn, các mã ngành ngân hàng giảm điểm rất mạnh, nhiều mã giảm sàn và kéo chung điểm số của thị trường rơi mạnh.

Trong 6 tháng đầu năm, các quỹ đã rút vốn khỏi 7 thị trường châu Á (Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan - Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Philippines) 22,8 tỷ USD. Trong bối cảnh đó, dù được đánh giá là nước có kinh tế vĩ mô ổn định, nhưng Việt Nam cũng không tránh khỏi ảnh hưởng bởi tác động của kinh tế toàn cầu và một số quỹ đã bán bớt cổ phiểu để chốt lời và chuyển bớt vốn về nước.

Điều đáng nói là động thái bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài đã tác động mạnh đến tâm lý của các nhà đầu tư trong nước. Nhiều đánh giá cho rằng, các nhà đầu tư đã phản ứng thái quá đối với những thông tin về tình hình kinh tế, thương mại thế giới; nhà đầu tư đã rút vốn khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam; biến động tỷ giá tiền đồng và những thông báo kỷ luật liên quan tới các tổ chức, cá nhân được công bố cuối tuần qua... nên đã cố bán cổ phiếu bằng mọi giá.

Trong khi khối ngoại bán khá nhiều và giảm giải ngân mới thì những phản ứng thái quá của các nhà đầu tư trong nước cũng gây ra sự bất cân đối cung - cầu khiến thị trường chứng khoán giảm mạnh trong 2 phiên vừa qua.

Người đứng đầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng chỉ ra những thuận lợi cho sự phát triển của thị trường chứng khoán trong thời gian tới. Theo đó, ông Dũng cho rằng, tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm tiếp tục phát triển theo hướng tích cực, có nhiều chuyển biến tốt, toàn diện trên các lĩnh vực, nổi bật là GDP tăng 7,08%. Ba khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều tăng cao so với cùng kỳ. Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng quý III đạt 6,53%, quý IV 6,36%.

Cùng với yếu tố “lõi” của thị trường chứng khoán là sức khỏe doanh nghiệp niêm yết vẫn tốt và có xu hướng tốt lên thì hiện tại giá của các cổ phiếu trong rổ VN30 (30 cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất trên thị trường chứng khoán) đã xuống thấp hơn nhiều so với thời điểm đầu năm 2018, nhiều cổ phiếu bluechips (cổ phiếu có tính dẫn dắt thị trường và là những cổ phiếu nhận được nhiều sự quan tâm nhất của giới đầu tư chứng khoán) giảm về mức đáy trong vòng hơn 1 năm qua. Chỉ số P/E (Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) chung của thị trường đã về mức thấp và đây là cơ hội hấp dẫn các nhà đầu tư.

Ngoài ra, dòng vốn của nhà đầu tư có rút trong những ngày gần đây, nhưng nếu nhìn từ đầu năm, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài vẫn đổ tiền vào Việt Nam để tìm kiếm cơ hội. Trong tháng 5/2018, vốn đầu tư gián tiếp (FII) đạt 700 triệu USD và trong tình hình phức tạp của tháng 6 vẫn có lượng vào ròng 34 triệu USD. Nếu tính từ đầu năm, dòng vốn vào ròng vẫn đạt 2,28 tỷ USD - con số rất đáng kể so với mức 2,92 tỷ USD của năm 2017./.

>>> Chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm điểm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục