Thị trường khách sạn và resort Việt Nam có nhiều tín hiệu lạc quan

19:07' - 13/01/2017
BNEWS Theo Công ty Alternaty, thị trường khách sạn và resort trong năm 2017 vẫn nhiều tín hiệu lạc quan khi mức tăng trưởng sẽ tiếp tục được duy trì, thậm chí có thể tăng tốc.
Khách sạn InterContinental Asiana Saigon. Ảnh: Marry

Đó là nhận định của Công ty Alternaty, một công ty tư vấn bất động sản hàng đầu chuyên về lĩnh vực khách sạn và resort tại Việt Nam, về thị trường du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam 2017.

Theo Alternaty, Nha Trang, Cam Ranh và Phú Quốc sẽ đón nhận một làn sóng nguồn cung lớn trong vòng 2-3 năm tới. Với tốc độ tăng trưởng lượt khách du lịch đáng kể, các thị trường này có khả năng thoát khỏi tình trạng cung vượt cầu như Đà Nẵng đã làm được trong vài năm trước đó. Tuy nhiên, các chủ đầu tư không nên quá kỳ vọng đồng thời chuẩn bị ngân sách để vượt qua giai đoạn khó khăn sắp tới.

Trong lĩnh vực khách sạn, Alternaty cho rằng, hoạt động M&A (mua bán và sáp nhập) trên thị trường hiện nay vẫn còn rất hạn chế. Một vài giao dịch đáng chú ý gần đây có thể kể đến InterContinental Asiana Saigon, Duxton Tp.Hồ Chí Minh.... Nhiều nhà đầu tư tích cực tìm kiếm các dự án khách sạn & resort nhưng số lượng dự án chất lượng, thích hợp để đầu tư trên thị trường lại không đủ đáp ứng nhu cầu.

Ông Rudolf Hever, Giám đốc điều hành của Alternaty, chia sẻ, chún g ta có quyền hy vọng sẽ chứng kiến nhiều hoạt động M&A diễn ra trong vài năm tới khi có khá nhiều dự án mới sẽ gia nhập thị trường và một vài chủ đầu tư trong số đó có thể phải thoái vốn khi kết quả hoạt động kinh doanh ban đầu không đáp ứng được kỳ vọng của họ.

Theo Alternaty, một điểm nhấn trên thị trường gần đây là sự xuất hiện ngày càng nhiều các dự án condotel (căn hộ khách sạn) trên thị trường. Nhiều chủ đầu tư cố gắng gắn cái tên “căn hộ khách sạn” cho dự án của họ chỉ vì dự án tọa lạc tại địa điểm du lịch mà chưa dành đủ sự quan tâm cần thiết cho việc vận hành và quản lý “căn hộ” như một “khách sạn”.

Các chuyên gia của Alternaty cho rằng, tuy hoạt động kinh doanh của các khách sạn và resort tại nhiều thị trường đã được cải thiện nhưng vẫn chưa ấn tượng như đà tăng trưởng của lượng du khách. Bên cạnh đó, việc phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong vài năm trở lại đây đã bắt đầu cho thấy một số tác động.

Trong vài năm tới, Việt Nam sẽ trở thành một địa điểm được yêu thích bởi các du khách muốn khám phá hoặc quay trở lại Việt Nam khi càng có nhiều thương hiệu, nhiều dự án mới gia nhập thị trường với mức giá phòng hấp dẫn.

Theo quan điểm của Alternaty, thị trường có tiềm năng để phát triển nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các chủ đầu tư cần cẩn trọng, không quá chạy theo xu hướng thị trường vì các xu hướng này có thể chỉ thành công trong một số trường hợp tại một số thời điểm nhất định. Hãy cùng nhau tiếp tục đóng góp cho sự phát triển lành mạnh của thị trường khách sạn và resort Việt Nam, luôn nhìn nhận thực tế và chú ý đến từng yếu tố cơ bản của thị trường.

Alternaty cho rằng: Sau giai đoạn tăng trưởng chậm trong năm 2014 và 2015, thị trường khởi sắc trở lại với sự gia tăng mạnh mẽ của lượt du khách quốc tế. Cụ thể trong năm 2016, lượt khách quốc tế đã tăng 26% so với năm ngoái, nhờ vào sự tăng trưởng của một số thị trường trọng điểm như Trung Quốc (tăng 51%), Hàn Quốc (tăng 39%), Nga (tăng 28%) và Thái Lan (tăng 26%). Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc) và Malaysia cũng đang tăng hơn 10%.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang phụ thuộc khá nhiều vào 4 nguồn thị trường chính khi các nguồn thị trường này đang chiếm hơn một nửa tổng lượng khách. Trung Quốc chiếm 27% tổng lượt du khách quốc tế, theo sau là Hàn Quốc (15%), Nhật Bản (7%) và Mỹ (6%)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục