Thị trường vàng đã “êm” sóng

18:40' - 10/03/2016
BNEWS Khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới được rút ngắn kỷ lục trong nhiều ngày qua, nhưng dường như không làm “dậy sóng” thị trường vàng vốn đang yên ả suốt một thời gian dài.
Thị trường vàng đã “êm” sóng. Ảnh minh họa: TTXVN

Lần đầu tiên trong 5 năm qua,giá vàng trong nước đứng “áp sát” giá vàng thế giới, thậm chí có thời điểm vàng nội còn rẻ hơn vàng ngoại tới 400.000 đồng mỗi lượng. Dù vậy, giới đầu cơ dường như không còn mặn mà với vàng, những cơn “nóng, lạnh” như thời điểm cách đây 3 - 4 năm đã không còn. Người dân cũng không còn quan tâm đến tích trữ vàng.

Khi nhận định về các kênh đầu tư cho năm 2016, Tiến sỹ Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế xếp vàng là kênh đầu tư kém hấp dẫn nhất sau một loạt các kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm, chứng khoán, bất động sản. Vị chuyên gia này phân tích, theo rất nhiều dự báo giá vàng vẫn có xu hướng giảm trong năm 2016, đồng hướng với dự báo giá dầu giảm.

Theo đó nguy cơ giảm phát đối với nền kinh tế toàn cầu vẫn tồn tại trong năm 2016 và do đó cơ hội để giá vàng tăng mạnh trọng năm 2016 là rất khó.

Giới kinh doanh vàng cho hay, khoảng 3 – 4 năm trở lại đây, thị trường vàng bắt đầu ảm đạm, người dân không còn mặn mà với vàng miếng. Chính sách của Ngân hàng Nhà nước không khuyến khích người dân đầu cơ cũng như mua bán vàng. Chính vì vậy sức hút của vàng với người dân không cao.

Nhìn lại 5 năm trước đây, có thời điểm giá vàng trong nước đắt hơn giá thế giới tới 5 triệu đồng mỗi lượng nhưng người dân vẫn lũ lượt đi xếp hàng mua vàng. Còn nay, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đã ở mức lý tưởng nhưng thị trường vàng vẫn “đìu hiu”, các tiệm vàng vẫn vắng bóng người mua. Diễn biến này cho thấy, chủ trương “chống vàng hóa” của nhà điều hành đã “gặt” được những thành công nhất định.

Nhiều chuyên gia nhận định, thành công nổi bật trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong 5 năm qua là đã gỡ được “kíp nổ” vàng ra khỏi hệ thống ngân hàng. Và Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) về quản lý thị trường vàng được xem là bước tiến quan trọng trong lộ trình chống vàng hóa nền kinh tế.

Theo PGS.TS Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Tài chính Ngân hàng (Đại học Kinh tế Quốc dân), Nghị định 24 đã tạo lập khuôn khổ pháp lý mới nhằm tổ chức, sắp xếp lại thị trường vàng. Những thay đổi về mặt pháp lý đã đáp ứng được sự thay đổi của thực tiễn, tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước, hạn chế tác động bất lợi của hoạt động kinh doanh vàng đến chính sách tiền tệ, tỷ giá, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và đó cũng chính là bước tiến quan trọng trong lộ trình chống vàng hóa nền kinh tế.

Khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới gần đây được rút ngắn kỷ lục.Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Trên cơ sở pháp lý mới ban hành, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đẩy nhanh việc chuyển quan hệ huy động – cho vay vàng sang quan hệ mua, bán vàng trên thị trường, đấu thầu vàng thông qua việc chỉ đạo đẩy nhanh tất toán số dư huy động vàng và giảm số dư cho vay vốn bằng vàng; giám sát chặt chẽ việc tổ chức tín dụng thực hiện lộ trình tất toán số dư cho vay.

Như vậy, với các biện pháp can thiệp thích hợp đã được triển khai, thị trường vàng ngày càng đi vào ổn định, tự điều tiết theo quy luật cung cầu, không còn các “cơn sốt” vàng gây bất ổn kinh tế ngay cả khi vàng thế giới có biến động, tình trạng vàng hóa từng bước được ngăn chặn, qua đó góp phần ổn định thị trường ngoại hối và kinh tế vĩ mô.

Mặc dù vậy, nhà điều hành vẫn khẳng định sẽ tiếp tục “quản” chặt lĩnh vực nhạy cảm này. Tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và bảo đảm hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2016, Thống đốc Nguyễn Văn Bình tiếp tục yêu cầu thực hiện quản lý chặt chẽ thị trường vàng trong thời gian tới.

Cụ thể, Thống đốc yêu cầu các đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục thực hiện quản lý thị trường vàng theo quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ - CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các đơn vị đảm bảo việc quản lý thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ thị trường vàng theo hướng ngày càng thu hẹp thị trường vàng miếng, tiếp tục ngăn chặn, đầy lùi tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế; tạo điều kiện phát triển thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ một cách lành mạnh phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng nhấn mạnh, nội dung của Chỉ thị 01 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp nối những nội dung điều hành mà Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện. Vì thế, ổn định thị trường vàng và đảm bảo quyền lợi người dân vẫn là mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước hướng tới.

Bà Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định, sau những đợt “sóng” gần 3 năm qua thị trường vàng trong nước đã “êm” trở lại. Kết quả này có được là nhờ những quyết tâm điều hành của cơ quan quản lý theo Nghị định 24 có hiệu lực từ tháng 4/2012. Tuy nhiên, dù thị trường vàng đã "êm" sóng trở lại nhưng vẫn nằm trong "tầm ngắm" quản lý của cơ quan điều hành./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục