Thịt lợn không đeo vòng truy xuất nguồn gốc không được vào chợ đầu mối

16:16' - 13/10/2017
BNEWS Từ ngày 16/10, thịt lợn không đeo vòng truy xuất nguồn gốc sẽ không được phép nhập vào hai chợ đầu mối tại Tp. Hồ Chí Minh.

Ngày 13/10, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh đã thông tin về việc triển khai chỉ đạo của UBND thành phố về thực hiện Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn.

Theo đó, từ ngày 16/10/2017, thịt lợn không đeo vòng nhận diện và không có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc theo quy định của Đề án sẽ không được phép nhập vào hai chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, Bình Điền.

Gỡ nút thắt khâu thương lái

Thịt lợn không đeo vòng truy xuất nguồn gốc không được vào chợ đầu mối. Ảnh minh họa: Lâm Khánh - TTXVN

Các sở ngành gồm: Sở Tư pháp, Sở Công Thương, Ban Quản lý an toàn thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh đã rà soát cơ sở pháp lý và có tờ trình chuẩn bị cho thời điểm kiểm tra dự kiến vào đêm ngày 15/10/2017 và rạng sáng ngày 16/10/2017, để hỗ trợ hai Công ty quản lý chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền, khẩn trương xây dựng kế hoạch kiểm soát.

Bên cạnh đó, đảm bảo khi lợn được xuất ra khỏi cơ sở giết mổ, hai chợ đầu mối đã có thông tin, nhằm chỉ tập trung kiểm tra hàng hóa thiếu thông tin, nên sẽ không gây ùn ắc trong quá trình triển khai Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn tại các chợ.

Báo cáo của Sở Công Thương nêu rõ, các sở ngành Tp. Hồ Chí Minh sẽ bố trí lực lượng chuẩn bị thao tác kỹ thuật và thí điểm trước thời điểm chính thức triển khai kiên quyết không cho phép thịt lợn không đeo vòng nhận diện và không có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc theo quy định của đề án được nhập chợ.

Lực lượng Quản lý thị trường, Ban Quản lý an toàn thực phẩm và lực lượng địa phương sẽ hỗ trợ Ban quản lý hai chợ đầu mối kiểm tra, giám sát và bảo đảm an ninh trật tự. Còn Hội Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh và Tổ công tác Đề án sẽ bố trí nhân sự hướng dẫn thương nhân, thướng lái khai báo tại lò giết mổ.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, nhận định, nguyên nhân dẫn đến việc triển khai Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn thành công ở kênh phân phối hiện đại, nhưng lại tắc nghẽn ở kênh phân phối, bán lẻ truyền thống là do thương nhân, thương lái chưa tham gia tích cực.

Do đó, để giải quyết dứt điểm tình trạng này, Tp. Hồ Chí Minh sẽ tập trung và dùng biện pháp mạnh trong kiểm soát nguồn cung thịt lợn vào hai chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền. Từ đó, tạo động lực tác động ngược lại đối với thương nhân, thương lái, bởi nếu không đáp ứng đầy đủ các quy định của đề án thì hàng hóa không được nhập vào chợ.

Mặt khác, trong bối cảnh cơ sở Xuyên Á bị ngưng hoạt động, nhiều thương nhân, thương lái phải dịch chuyển, tìm kiếm đơn vị giết mổ mới, do đó chủ động liên kết vào những cơ sở giết mổ tham gia Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn. Đồng thời, xem đây là cơ hội để đưa hàng hóa đảm bảo chất lượng cung ứng vào thị trường Tp. Hồ Chí Minh.

Thống kê của Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, hiện tại Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn, đã cấp mã code cho 54 cơ sở giết mổ tại Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai... Ngoài ra, Tổ công tác Đề án đang tiếp tục nhận đăng ký bổ sung của các đơn vị mong muốn tham gia, riêng những đơn vị đã phát hiện vi phạm thì sẽ không nhận đăng ký.

Đảm bảo ổn định thị trường

Liên quan đến vấn đề nếu thịt lợn của thương nhân, thương lái, không được nhập hai chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền, thì có thể sẽ đưa về các chợ bán lẻ, chợ tạm; hay cơ sở chế biến thực phẩm, quán ăn đường phố... để tiêu thụ, ông Nguyễn Ngọc Hòa, cho biết, tính đến thời điểm này, Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn đã triển khai được khoảng 8 tháng, thị trường đã chấp nhận và người tiêu dùng thành phố hưởng ứng.

Bên cạnh đó, Tp. Hồ Chí Minh cũng thực hiện tuyên truyền thông tin về chủ trương quyết liệt triển khai Đề án đến các chủ thể thuộc chuỗi cung - cầu, nên người dân sẽ có ý thức hơn trong mua sắm và tiêu dùng thịt lợn.

Về việc bảo đảm cung - cầu mặt hàng thịt lợn cho thị trường Tp. Hồ Chí Minh, qua làm việc với các cơ sở, trang trại chăn nuôi lợn có quy mô lớn trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh, đều báo cáo nguồn cung lợn hơi hiện nay đang dư thừa và cam kết trong trường hợp Tp. Hồ Chí Minh yêu cầu sẽ đảm bảo cung ứng nguồn cung.

Đồng thời, sẵn sàng cung cấp, vận chuyển, giao hàng đến tận cơ sở giết mổ theo yêu cầu người mua, chung tay ngăn chặn tình trạng khan hiếm, thiếu hàng xảy ra.

Mặt khác, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cũng đã làm việc với các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị... để xây dựng kế hoạch, tăng sản lượng cung ứng, cam kết không để thiếu hụt hàng hóa và bán đúng giá bình ổn thị trường. Hệ thống siêu thị cam kết đảm bảo nguồn cung thông qua yêu cầu các nhà cung cấp tăng lượng hàng cung ứng, giữ ổn định giá cả.

Riêng tại hệ thống phân phối truyền thống, đã yêu cầu Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản - Vissan chỉ đạo các Trung tâm kinh doanh, phân phối sỉ thịt lợn của công ty có kế hoạch bổ sung, đảm bảo nguồn cung cho tất cả 147 quầy sạp, điểm bán của đơn vị tại 23 chợ truyền thống trên toàn địa bàn Tp. Hồ Chí Minh.

Ghi nhận tại thị trường Tp. Hồ Chí Minh từ đầu tháng 9/2017 đến nay, người tiêu dùng có xu hướng dịch chuyển sang mua sắm sản phẩm thịt lợn ở những địa điểm sản xuất, kinh doanh uy tín trước những vụ việc sản phẩm thịt lợn không đảm bảo an toàn thực phẩm xảy ra trên địa bàn thành phố trong thời gian qua.

Cụ thể, mặt hàng thịt lợn kinh doanh ở kênh bán lẻ hiện đại đã tăng lên và chiếm 20% thị phần, thay vì 18% như thời điểm chưa xảy ra các vụ việc mất an toàn thực phẩm từ sản phẩm thịt lợn.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích người tiêu dùng nâng cao nhận thức trong mua sắm cũng như tiêu dùng sản phẩm thịt lợn đảm bảo an toàn thực phẩm, nhiều đơn vị kinh doanh trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh như Vissan, Co.opmart, Co.opfood... đã thực hiện một số chương trình khuyến mãi, ưu đãi.

Về nguồn cung, các đơn vị đều cam kết là lợn VietGAP được thu mua từ các trang trại đã được chứng nhận, kiểm tra, kiểm soát bởi các đơn vị chức năng. Còn quy trình giết mổ trên dây chuyền công nghiệp có sự kiểm soát chặt chẽ bởi cơ quan thú y độc lập, đồng thời truy xuất được nguồn gốc theo chương trình TE-FOOD của Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục