Thổ Nhĩ Kỳ “trấn an” tâm lý nhà đầu tư

17:48' - 19/07/2016
BNEWS Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ vừa thông báo không tính phí các giao dịch hàng ngày và sẽ cung cấp khả năng thanh khoản không giới hạn cho các ngân hàng duy trì sự ổn định của thị trường tài chính.
Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: favournews

Sau khi đẩy lùi âm mưu đảo chính quân sự, Ankara đã cố gắng làm tâm lý bất an trên thị trường khi Phó Thủ tướng Mehmet Simsek khẳng định Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã nắm quyền kiểm soát và quyết định thực hiện "tất cả các biện pháp cần thiết" sau khi thảo luận với Ngân hàng trung ương và Bộ Tài chính.

Tình hình bất ổn chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ leo thang chắc chắn sẽ gây áp lực không nhỏ đến tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài, vốn có lòng tin khá mong manh về tình hình kinh tế nước này. Diễn biến này làm trầm trọng thêm bức tranh kinh tế vốn luôn làm “đau đầu” Ankara.

Một mối lo dai dẳng là tình hình thâm hụt tài khoản vãng lai, đã vượt 32 tỷ USD trong năm 2015, tương đương khoảng 4,5% GDP của nước này.

Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc khá nhiều vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng đang gia tăng, và chủ yếu dựa vào du lịch cũng như dòng vốn đầu tư chảy vào thị trường chứng khoán và trái phiếu.

Giới quan sát đánh giá bất ổn chính trị sẽ tác động tiêu cực đến ngành du lịch, đồng thời châm ngòi cho dòng vốn chảy ra khỏi nước này.

Một số nhà kinh tế dự đoán doanh thu của "ngành công nghiệp không khói" Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sụt giảm 25% trong năm nay, với thiệt hại ước tương đương 8 tỷ USD.

Bộ Ngoại giao Canada và Mỹ mới đây khuyến cáo công dân nước họ không đi du lịch Thổ Nhĩ Kỳ trong thời điểm này.

Chính phủ Mỹ đã tạm ngừng tất cả các chuyến bay đến Thổ Nhĩ Kỳ cũng như cấm tất cả các hãng hàng không thực hiện các chuyến bay từ Thổ Nhĩ Kỳ vào Mỹ, do những bất ổn sau vụ đảo chính kể trên.

Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất gần 5% so với USD trong phiên giao dịch cuối ngày 15/7 – mức giảm mạnh nhất theo ngày kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Kể từ đầu năm đến nay, đồng lira đã giảm 3,4%, trong khi đồng nội tệ của các nền kinh tế mới nổi khác đều có kết quả tích cực, như đồng rand của Nam Phi (tăng hơn 6%) và đồng rouble của Nga (tăng gần 15%).

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục