Thỏa thuận Iran nới rộng bất đồng giữa hai bờ Đại Tây Dương

07:03' - 30/05/2018
BNEWS Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 24/5 có chuyến thăm và làm việc với các quan chức cấp cao Mỹ về thỏa thuận hạt nhân Iran. Tuy nhiên, kết quả đạt được rất hạn chế.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas. Ảnh: AFP/TTXVN

Trả lời phỏng vấn báo giới sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, Ngoại trưởng Maas đánh giá: “Trước mắt, hiện không có dấu hiệu thỏa hiệp về JCPOA. Châu Âu và Mỹ vẫn chia rẽ sâu sắc về cách thức tiến hành tiếp theo sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận. Chúng tôi đang theo đuổi hai con đường hoàn toàn khác nhau”. Tuy nhiên, ông Maas cũng hy vọng nhiều chi tiết cụ thể về các kế hoạch của Washington với Iran có thể được đưa ra nếu một cuộc họp 4 bên giữa Đức, Anh, Pháp và Mỹ có thể được sắp xếp.

Về quan điểm của châu Âu, Ngoại trưởng Maas cho biết ông đã nói chuyện với các quan chức Mỹ rằng châu Âu vẫn “rất đoàn kết” trong việc hỗ trợ JCPOA bởi khối này lo sợ sự gia tăng vũ khí hạt nhân ở khu vực ngoại vi của mình. Theo ông Maas, việc hủy bỏ thỏa thuận này sẽ cho phép Iran tiếp tục chương trình hạt nhân của họ và điều này sẽ “làm tổn hại nghiêm trọng” an ninh của châu Âu.

Về chương trình tên lửa của Iran, Ngoại trưởng Maas khẳng định: “Các nước châu Âu chia sẻ mối lo ngại của Mỹ về việc Iran tiếp tục phát triển tên lửa đạn đạo và những hành vi của nước này ở Trung Đông. Tuy nhiên, những vấn đề này cần được giải quyết mà không làm suy yếu JCPOA”.

Theo dư luận báo giới, ngày 25/5, quan chức cấp cao của các bên còn lại trong thỏa thuận - Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nga - gặp các đối tác Iran tại Vienna (Áo). Cuộc gặp này đánh giá những gì có thể được thực hiện để duy trì JCPOA tiếp tục tồn tại và phá vỡ các biện pháp trừng phạt ngoại giao của Mỹ đang ảnh hưởng đến nhu cầu đầu tư vào Iran của các doanh nghiệp nước ngoài.

Ngoại trưởng Maas đánh giá các cuộc thảo luận trong thời gian sắp tới là “khó khăn” nhưng không đưa ra thêm chi tiết. Ông cũng cho biết các nhà lãnh đạo châu Âu lo lắng về tương lai của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, nhưng hy vọng mối quan hệ này sẽ vượt qua được những bất đồng về vấn đề Iran và các vấn đề gai góc khác.

Trả lời phỏng vấn kênh DW, James Dobbins - cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho các vấn châu Âu và Á-Âu - cho rằng trên thực tế, cuộc gặp của Ngoại trưởng Maas tại Mỹ không tạo ra kết quả rõ ràng, nhưng cũng khẳng định rằng “điều này là không thể tránh khỏi”.

Ông Dobbins cũng lưu ý: “Châu Âu, ngoài việc đối phó với một nước Nga đang hồi sinh, không nên trông đợi nhiều từ sự giúp đỡ của Mỹ đối với vấn đề Iran, hay trong nhiều chủ đề quan trọng khác về chính sách đối ngoại”.

John Heffern - người từng là quan chức ngoại giao cao cấp về châu Âu của Tổng thống Trump - bình luận: “Việc Mỹ phối hợp với châu Âu về JCPOA, thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu và một số vấn đề khác là rất cần thiết do Mỹ có nhiều bất đồng cần phải tham vấn và tìm ra cách hợp tác. Đức là một đối tác quan trọng của Mỹ và các bên nên tiếp tục nhận thấy điều này đồng thời cố gắng tìm cách để làm việc cùng nhau”.

Theo ông Dobbins, từ thời chính quyền Tổng thống Kennedy, chưa có bất cứ thời điểm nào mà quan hệ xuyên Đại Tây Dương lại tồi tệ như hiện nay. Ông cho rằng châu Âu nên từ chối tham gia vào cuộc chơi mà không đưa ra ý kiến của mình.

Ông nói: “Châu Âu nên nêu rõ quan điểm của mình và thể hiện quyết tâm bảo vệ quan điểm đó. Châu Âu nên tránh những cuộc đối đầu không cần thiết và tránh thể hiện rằng châu Âu đang chống lại Mỹ. Tổng thống Trump tôn trọng sức mạnh và sẽ hợp tác với các nước sẵn sàng bảo vệ lợi ích quốc gia của họ”.

Jeffrey Anderson - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đức và châu Âu, Đại học Georgetown - nói: “Dù việc nảy sinh bất đồng sâu sắc giữa các quan chức ngoại giao của hai đồng minh thân cận về các vấn đề cơ bản vốn được xem là thất bại, nhưng trường hợp lần này hoàn toàn rất bất thường.

Chừng nào Tổng thống Trump còn tại vị, sự bất bình thường này sẽ chưa thể được giải quyết. Điều tốt đẹp nhất mà mọi người có thể hy vọng đó là kiềm chế căng thẳng và giảm thiểu nguy cơ với quan hệ Mỹ-Đức. Nếu xét theo tiêu chuẩn đó, chuyến thăm của ông Maas được coi là thành công. Rõ ràng, nó không làm mọi việc trở nên tồi tệ hơn”. 

Trang tin DPA bình luận rằng từ những động thái của chính quyền Trump gần đây như rút khỏi JCPOA, COP21 và lời đe dọa tiếp tục áp đặt thuế quan đối với các công ty châu Âu, rõ ràng Washington đang không chia sẻ niềm tin của châu Âu về tầm quan trọng của hợp tác xuyên Đại Tây Dương.

Thay vào đó, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, chính quyền Mỹ đã bắt đầu một cuộc đối đầu với Đức và châu Âu chỉ đơn giản bằng cách đặt ra các yêu cầu và hy vọng sẽ được đáp ứng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục