Thời trang Việt trước áp lực từ thương hiệu ngoại

17:28' - 27/10/2017
BNEWS Trong một cuộc khảo sát gần đây của Công ty Nghiên cứu thị trường Niesel, có tới 56% người Việt Nam được hỏi cho biết sẵn sàng chi tiền để sử dụng hàng hiệu.
Canifa - Thương hiệu thời trang Việt được người tiêu dùng biết đến với ưu điểm chất lượng tốt, nhiều mẫu mã đẹp và giá cả hợp lý. Ảnh: Canifa

Hiện nay, nhiều thương hiệu thời trang của Việt Nam như Việt Tiến, May 10, Canifa, Việt Thy, Foci, May Sài Gòn 2… đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí có doanh nghiệp buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất.

Nguyên nhân là do nhiều thương hiệu thời trang quốc tế xuất hiện ngày càng nhiều tại thị trường Việt Nam đã và đang tạo áp lực không nhỏ đối với các nhà sản xuất trong nước.

Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không có giải pháp đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh, nhất là đáp ứng mọi phân khúc từ bình dân đến cao cấp thì e rằng sẽ bị mất thị phần nội địa.

Áp lực từ thương hiệu “ngoại”

Theo thống kê chưa đầy đủ của các doanh nghiệp kinh doanh thời trang, đến thời điểm hiện tại, có gần 200 thương hiệu thời trang ngoại đã có mặt tại Việt Nam. Điều này cho thấy, các hãng thời trang lớn trên thế giới đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam.

Trong một cuộc khảo sát gần đây của Công ty Nghiên cứu thị trường Niesel, có tới 56% người Việt Nam được hỏi cho biết sẵn sàng chi tiền để sử dụng hàng hiệu.

Đó cũng là một trong những lý do khiến sau một thời gian xây dựng, tạo dấu ấn hàng Việt, những thương hiệu thời trang như Việt Thy, Foci, May Sài Gòn 2… buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất.

Nếu trước đây, trung bình mỗi tháng Công ty cổ phần May Sài Gòn 2 cho ra đời 70 - 80 mẫu sản phẩm mới thì nay chỉ còn gần một nửa. Sản xuất cho thị trường nội địa của công ty cũng giảm 20% - 25% so với năm 2016 và đến thời điểm này, May Sài Gòn 2 chấp nhận “buông” thị trường nội địa.

Trong khi để tồn tại, Foci buộc phải cắt giảm tất cả các khoản đầu tư mới, thu hẹp dần hệ thống cửa hàng và hiện doanh nghiệp đã không còn đầu tư vào hệ thống bán lẻ thời trang mà chuyển sang may gia công đồng phục, xây dựng website để bán hàng qua mạng.

Việt Nam đã gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, hàng hóa của các nước vào Việt Nam ngày càng ồ ạt. Điều này đồng nghĩa với việc khó khăn của doanh nghiệp Việt sẽ tăng gấp nhiều lần, nỗi lo mất “sân nhà” cũng sẽ dần trở thành hiện thực.

Bên cạnh đó, sự xâm lấn mạnh mẽ của hàng nhập lậu với giá thành rẻ, mẫu mã phong phú, thậm chí làm nhái cả những sản phẩm có thương hiệu trong nước nhưng giá bán chỉ bằng một nửa... cũng khiến nhiều doanh nghiệp nội "mất ăn, mất ngủ".

Tạo liên kết trong phân phối

Mặc dù, đang phải chịu áp lực rất lớn từ các nhãn hàng thời trang ngoại nhập, nhưng nhiều doanh nghiệp dệt may vẫn kiên trì với chiến lược thị trường nội địa, tìm chỗ đứng sản phẩm trong nước thông qua nhiều hình thức tạo liên kết trong phân phối sản phẩm, bảo hộ theo bản sắc riêng...

Đặc biệt, đẩy mạnh và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người tiêu dùng.

Với những thương hiệu thời trang An Phước mang nhãn hàng Pierre Cardin, một trong những sản phẩm nổi tiếng được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn, hay Việt Tiến với thương hiệu thời trang nam cao cấp mang đẳng cấp quốc tế như San Sciaro có phong cách Italia, thương hiệu Manhattan mang phong cách Mỹ; Tổng công ty May 10 với dòng sản phẩm cao cấp Eternity GrusZ…

Thương hiệu Canifa, tuy tuổi đời mới chỉ hơn chục năm nhưng cũng được người tiêu dùng biết đến trên thị trường thời trang len, sợi với ưu điểm chất lượng tốt, nhiều mẫu mã đẹp và giá cả hợp lý cùng hệ thống phân phối rộng khắp các tỉnh, thành.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc, Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, thị trường dệt may nội địa với quy mô 4 tỷ đến 5 tỷ đô la Mỹ (USD) chỉ có thể chọn một số doanh nghiệp mạnh, có thị phần tốt ở đô thị làm mũi nhọn phát triển. Đặc biệt, Tập đoàn cũng khuyến khích các doanh nghiệp thành viên sử dụng chung hệ thống phân phối.

Ví dụ, Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến có 3.000 cửa hàng bán quần áo, có thể kết hợp phân phối thêm đồ lót từ Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân, chăn, ga, gối trải giường của Tổng công ty cổ phần Phong Phú…

Hình thức kết hợp này không tạo sự cạnh tranh với hàng hóa của Việt Tiến, mà chỉ tạo ra sản phẩm bổ sung, giúp giảm chi phí phát triển hệ thống và khai thác tối đa tài sản cố định.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần liên kết chuỗi để cung cấp đồng phục, bảo hộ theo hướng thiết kế mang bản sắc riêng. Mở rộng thêm hệ thống phân phối bằng cách hợp tác với các nhà bán lẻ lớn như Big C, Saigon Co.opmart, Aeon Việt Nam...

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trước sức ép hàng ngoại nhập, doanh nghiệp Việt Nam dường như có những lợi thế riêng như nắm bắt được xu hướng thời trang và hiểu rõ về văn hóa Việt Nam để thiết kế được sản phẩm phù hợp nhất với thị hiếu người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng có lợi thế hơn khi các khâu thiết kế - sản xuất - tiêu thụ đều diễn ra trong nước và sẽ bắt kịp được xu hướng thời trang hơn so với doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, muốn thay đổi vị thế của hàng Việt Nam, các doanh nghiệp dệt may phải có chiến lược và chiến thuật phù hợp từng thời điểm.

Cần đầu tư mạnh vào hệ thống bán lẻ và các siêu thị chuyên ngành. Doanh nghiệp phải nâng cao năng lực, cải tiến mẫu mã, chất lượng phù hợp với nhu cầu tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần lựa chọn hướng đi để chuyên môn hóa sản phẩm may mặc, không sản xuất nhỏ lẻ, trùng lặp để tiết giảm chi phí sản xuất./.

>>> Sắp diễn ra Tuần lễ thời trang quốc tế Thu Đông 2017

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục