Thống đốc Lê Minh Hưng: Cơ cấu lại ngân hàng và xử lý nợ xấu chưa như mong muốn

12:54' - 17/11/2017
BNEWS Trong Đề án tái cơ cấu ngân hàng tới đây sẽ đưa ra 6 nhóm giải pháp; trong đó tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý; tăng cường thanh tra giám sát, cảnh báo sớm....

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN
Nhìn nhận trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV vào sáng 17/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, cơ cấu lại ngân hàng và xử lý nợ xấu chưa như mong muốn.
Theo Thống đốc, trong điều kiện đặc thù Việt Nam, phát triển thị trường vốn chưa có bước tiến mạnh, vì thế vốn nền kinh tế dựa nhiều vào ngân hàng nên quá trình cơ cấu lại các ngân hàng chưa đạt yêu cầu. Nguyên nhân nữa là do năng lực quản trị điều hành các tổ chức tín dụng còn hạn chế.
Trong Đề án tái cơ cấu ngân hàng tới đây sẽ đưa ra 6 nhóm giải pháp; trong đó tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý; tăng cường thanh tra giám sát, cảnh báo sớm.... Thống đốc hy vọng những giải pháp này sẽ giúp quá trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng nhanh hơn và xử lý nợ xấu tốt hơn.
Về xử lý ngân hàng yếu kém, Thống đốc cho biết, đã có nhiều biện pháp xử lý ngân hàng bắt buộc và các biện pháp này không sử dụng trực tiếp ngân sách Nhà nước, đồng thời được quy định cụ thể tại Luật sửa đổi Các tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước đã và sẽ thực hiện nhiều giải pháp, một trong số đó được ông Hưng nhấn mạnh vẫn là hoàn thiện khung khổ pháp lý.
"Việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi Các tổ chức tín dụng sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước có cơ sở xử lý vấn đề này tốt hơn", Thống đốc cho biết.
Về điều hành tỷ giá, Thống đốc thừa nhận, rất khó bởi phải đánh giá mục tiêu điều hành và tác động của nền kinh tế. "Điều hành tỷ giá vừa phải kiểm soát được lạm phát, vừa phải tính toán nghĩa vụ trả nợ nước ngoài Chính phủ và tác động với giá hàng nhập khẩu", Thống đốc nói.
Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng tỷ giá trung tâm, điều hành linh hoạt và trong diễn biến tỷ giá được dựa vào cung cầu thị trường, điều hành vĩ mô từng thời kỳ. Việc áp dụng tỷ giá trung tâm từ đầu năm 2016 đã khiến diễn biến thị trường tích cực. Đồng thời, giải pháp này cũng giúp Ngân hàng Nhà nước thành công trong neo giữ tâm lý kỳ vọng tỷ giá. "Dù vậy chúng tôi không được chủ quan", ông Hưng cho biết.
Năm 2016 Ngân hàng Nhà nước đã mua vào hơn 9 tỷ USD và từ đầu năm đến nay mua thêm được 7 tỷ USD, nâng dự trữ ngoại hối lên hơn 46 tỷ USD. Nhờ tỷ giá ổn định nên xuất khẩu đã tăng mạnh, xuất siêu 2,8 tỷ USD.
"Chúng tôi nhận thức trong điều hành phải chủ động, linh hoạt để ứng phó trước những diễn biến khó lường của thị trường quốc tế. Với quy mô dự trữ ngoại hối và với chính sách điều hành hiện nay hoàn toàn có thể giữ ổn định tỷ giá", Thống đốc Lê Minh Hưng bày tỏ tin tưởng.
Trả lời về vấn đề nợ xấu cho ngư dân vay đóng tàu đang gia tăng, Thống đốc cho biết các ngân hàng thương mại đã ký cho vay đóng mới hơn 1.000 tàu, dư nợ đạt 9.300 tỷ đồng. 93% hồ sơ vay vốn của các chủ tàu đã được giải quyết. UBND các tỉnh, thành phố đã phê duyệt đóng mới 1.000 tàu.
"Tuy nhiên, hiện nợ xấu đang có xu hướng gia tăng do nhiều chủ tàu không có nguồn thu trả nợ", Thống đốc cho hay. Cụ thể, hiện 50 khoản vay dư nợ trên 600 tỷ đồng đã quá hạn. 16 khoản vay đã thành nợ xấu.
Theo Thống đốc, có một số nguyên nhân là do: Tàu đóng mới không đảm bảo chất lượng, chủ tàu không đủ khả năng tiếp tục đóng mới, khai thác... Ngoài ra, một số nguyên nhân khách quan khác như: kết quả khai thác hải sản cũng ảnh hưởng đến thu nhập và khả năng trả nợ của chủ tàu, thời gian hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm còn tương đối ngắn, gây khó khăn cho ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước đã tổng hợp đầy đủ vướng mắc kiến nghị trong quá trình làm việc với ngân hàng, địa phương để có các biện pháp xử lý.
Đối với hỗ trợ cho vay với nông nghiệp công nghệ cao, Thống đốc cho rằng, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 33 chứng nhận công trình trên đất nông nghiệp. Với thông tư này, các doanh nghiệp, nông dân có thể dùng tài sản này để thế chấp. Thống đốc mong các đơn vị cùng thực hiện nhằm tháo gỡ cho nông dân.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, cũng sẽ tập trung sửa Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tập trung vào nông nghiệp công nghệ cao nhằm mở rộng đối tượng có thể vay, các cá nhân, chủ trang trại hợp tác xã trong khi hiện nay chỉ có doanh nghiệp và hợp tác xã…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục