Thu phí tiền gửi bằng USD chỉ là giải pháp tình thế

17:36' - 31/12/2015
BNEWS Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế-Tài chính, khẳng định việc thu phí tiền gửi tiết kiệm bằng USD (nếu có) cũng chỉ là giải pháp mang tính tình thế.

Những ngày qua, câu chuyện điều hành chính sách tiền tệ lại nóng lên khi thị trường rộ lên thông tin nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá mới trong năm 2016 và sẽ thu phí tiền gửi bằng USD. Dưới góc nhìn chuyên gia, Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính – Bộ Tài chính) đã chia sẻ với phóng viên TTXVN về vấn đề này. 
PV: Thưa ông, gần đây có thông tin từ phía nhà điều hành rằng nhiều khả năng người gửi tiết kiệm bằng USD sẽ phải trả thêm phí, hay nói cách khác, lãi suất tiền gửi bằng USD sẽ xuống âm. Vậy ông có bình luận gì về vấn đề này? 
Ông Nguyễn Đức Độ: Theo tôi, việc thu phí tiền gửi tiết kiệm bằng USD nếu có cũng chỉ là giải pháp mang tính tình thế, trong trường hợp bất đắc dĩ mới phải làm. Hiện tại, tín dụng bằng ngoại tệ vẫn đang tồn tại song song với tín dụng nội tệ. Về tâm lý, khi gửi tiền mà phải trả thêm phí sẽ có nhiều người đi rút, cho nên nếu giảm ngay lãi suất tiền gửi USD tiếp nữa xuống âm thì người dân có thể sẽ rút tiền bằng ngoại tệ mạnh. Nếu quá nhiều người rút sẽ gây hiệu ứng không tốt cho hệ thống. 

TS Nguyễn Đức Độ. Ảnh: BNEWS


Bên cạnh đó, có nhiều đối tượng gửi ngoại tệ trong ngân hàng không phải nhằm mục đích nắm giữ mà để phục vụ nhu cầu thanh toán, nếu lãi suất gửi USD xuống âm thì cũng là câu chuyện đáng bàn đối với nhóm người này, vấn đề này tương đối phức tạp và ngân hàng Nhà nước cũng phải cân nhắc. 
Tuy nhiên, nếu quá trình chống đô la hóa diễn ra tốt, niềm tin của thị trường vào tiền Việt cao lên thì có lẽ lãi suất gửi USD âm cũng không ảnh hưởng gì, khi ấy thì cũng chả cần đưa lãi suất về âm. Về cơ bản thì vẫn cần phải làm sao để VND mất giá ít, lạm phát thấp thì lúc đấy người dân sẽ nắm giữ tiền đồng nhiều hơn và không cần thiết phải giảm lãi suất USD xuống âm. 
PV: Theo ông việc người dân nắm giữ USD thời điểm này có lợi gì? 
Ông: Nguyễn Đức Độ: Nói chung nếu xét về dài hạn thì việc nắm giữ tiền đồng hiện nay có thể được lời khoảng 6,5%/năm. Với tình hình hiện nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải giữ ổn định tỷ giá và không điều chỉnh tỷ giá quá lớn để có dư địa hạ lãi suất. cho nên về lâu dài thì nắm giữ USD không thể lời cao hơn nắm giữ VND. Tất nhiên, có thể có những người chờ đợi đồng bạc xanh lên giá trong vài tuần hay vài tháng tới để kiếm lời, nhưng đấy là mang tính đầu cơ trong ngắn hạn. Tuy nhiên, việc trong thời gian ngắn nữa Ngân hàng Nhà nước có điều chỉnh không lại là điều khó nói. 

Thu phí tiền gửi tiết kiệm bằng USD chỉ là giải pháp mang tính tình thế. Ảnh: TTXVN


Nếu Ngân hàng Nhà nước áp dụng cơ chế điều chỉnh tỷ giá hàng ngày và mức độ điều chỉnh rất nhỏ thì lúc đấy nắm giữ USD không có lợi bằng nắm giữ tiền đồng. Về lâu dài, cầm USD không phải là thượng sách. 
PV: Năm 2016 được dự báo tiếp tục là một năm có nhiều thay đổi đối với chính sách điều hành tỷ giá. Vậy quan điểm của ông về chính sách điều hành tỷ giá trong thời gian tới như thế nào? 
Ông Nguyễn Đức Độ: Theo tôi, với diễn biến hiện nay, trong năm 2016, Ngân hàng Nhà nước nếu điều chỉnh tỷ giá nên điều chỉnh “nhỏ giọt”, nghĩa là điều chỉnh mỗi ngày một ít, không nên điều chỉnh 1 lần mà tăng tới 1%, có thể tăng trong nhiều ngày, mỗi ngày vài đồng. Cái đấy gọi là “bò trườn”, trước đây cũng đã thực hiện phương pháp này. 
Về lâu dài, với cách điều chỉnh như vậy, sau 1 năm vẫn có sự linh hoạt nhưng trong ngắn hạn sẽ tạo được sư ổn định. Nó sẽ giúp người ta nhìn rõ hơn con đường đi của tỷ giá và xây dựng kỳ vọng của mình theo con đường đấy và Ngân hàng Nhà nước sẽ điều khiển kỳ vọng của thị trường thông qua những bước đi đấy. Nếu cứ giữ nguyên tỷ giá trong một thời gian dài rồi lại điểu chỉnh thêm 1% thì sẽ dẫn đến tâm lý găm giữ, người dân sẽ kỳ vọng có được 1% tăng lên trong một thời gian ngắn. Như thế lợi nhuận sẽ cao hơn so với gửi tiền đồng vào ngân hàng. Còn với cơ chế tỷ giá “bò trườn” như tôi nói, sẽ giảm bớt kỳ vọng đó đi. Sẽ đạt được mục tiêu ổn định trong ngắn hạn, linh hoạt trong dài hạn. 
Ngoài ra, điều chỉnh tỷ giá không tác động ngay lập tức đến doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Nếu điều chỉnh tỷ giá để hỗ trợ cho sản xuất thì chỉ nên điều chỉnh dần dần, không nhất thiết phải điều chỉnh lớn trong 1 vài lần, như thế chỉ có lợi cho đầu cơ. 
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông và chúc ông năm mới nhiều thành công!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục