Thử thách kinh tế đối với Venezuela sau cuộc bầu cử (Phần 2)

05:30' - 02/06/2018
BNEWS Cho đến nay Tổng thống Nicolas Maduro vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy ông có khả năng giải quyết những vấn đề trầm trọng mà đất nước đang phải đối mặt.
Những người ủng hộ Chính phủ Venezuela tuần hành sau khi chiến dịch tranh cử vào Quốc hội lập hiến khởi động. Ảnh: THX/TTXVN

Phản ứng chủ yếu của Tổng thống Maduro đối với cuộc khủng hoảng vẫn chỉ là đàn áp những người bất đồng ý kiến và phản kháng, trong khi nền kinh tế đất nước vẫn đang phải đối mặt với vô vàn thử thách. Dưới đây là những thử thách mà ông Maduro đang phải đối mặt.
Thử thách đầu tiên và cũng là cấp bách nhất là cải thiện tình trạng siêu lạm phát. Thời gian gần đây, những người ủng hộ Tổng thống Maduro đã kêu gọi chính phủ xử lý dứt điểm sự tồn tại của “chợ đen lương thực”, vốn tận dụng sự khan hiếm hàng hóa để bán lại các nhu yếu phẩm cần thiết với giá cao ngất ngưởng trong bối cảnh Venezuela đang chìm trong cuộc khủng hoảng lạm phát. 
Trong thời gian qua, các biện pháp đấu tranh đối với thị trường hối đoái "chợ đen" cũng không đem lại hiệu quả. Sự tồn tại của thị trường hối đoái "chợ đen" nhiều lần khiến cho nền tài chính của Venezuela gần như sụp đổ. 
Tổng thống Maduro đã cam kết thực hiện nhiều thay đổi về chính sách kinh tế, và một trong những biện pháp đó có thể là việc chấm dứt sự kiểm soát của nhà nước về tỷ giá hối đoán, hoặc chí ít là tạo ra một tỷ giá linh hoạt hơn. Điều này có thể giúp giảm bớt sức ép phải giữ đồng USD trước sự mất giá của đồng Bolivar.
Các chuyên gia cũng chỉ ra một trong những mục tiêu của Chính phủ Venezuela trong việc tổ chức bầu cử sớm là nhằm bảo đảm thắng lợi và có thời gian để áp dụng những biện pháp kinh tế mạnh mà không làm mất đi sự ủng hộ của nhân dân, trong đó có việc tăng giá xăng. Nhiều khả năng ngay trong tuần này sẽ có những biện pháp điều chỉnh được chỉnh phủ đưa ra.
Thử thách thứ hai đến từ thị trường dầu mỏ. Tổng thống Maduro có vẻ như đang có được chút lợi thế trước việc giá dầu thô đang đi lên và đạt mức cao nhất kể từ năm 2014. Chính việc giá dầu lao dốc trong những năm gần đây là nguyên nhân khiến Venezuela rơi vào cuộc khủng hoảng không lối thoát hiện nay. 
Mặc dù vậy, quốc gia Nam Mỹ này vẫn không thể tận dụng được cơ hội giá dầu tăng trong thời điểm hiện tại do khả năng khai thác của Tập đoàn Dầu khí Nhà nước PDVSA sụt giảm. Hiện sản lượng của Venezuela chỉ ở mức 1,5 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất trong vòng 30 năm qua.
Việc nguồn thu từ dầu mỏ sụt giảm khiến Venezuela không có ngoại tệ để tái đầu tư, trong khi các công ty dầu khí tư nhân và các công ty liên doanh cũng không dám mạo hiểm vì muốn chờ đợi cơ hội tốt hơn.
Các biện pháp trừng phạt của quốc tế, đặc biệt là của Mỹ, không chỉ nhằm vào Chính phủ Venezuela mà còn nhằm vào cả tập đoàn PDVSA, khiến cho nguy cơ doanh nghiệp này không thể thanh toán các khoản nợ là hiện hữu. Ví dụ, công ty Conoco Phillips đang yêu cầu các tòa án quốc tế thu giữ tài sản của PDVSA để buộc công ty này phải thanh toán khoản nợ 2 tỷ USD. 
Chính phủ Maduro cũng từng cam kết sẽ điều chỉnh các chính sách kinh tế để không phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ, song dường như đây vẫn là công cụ thu ngoại tệ chính của nước này trong một thời gian dài nữa.
Bên cạnh những vấn đề nội tại về kinh tế, các biện pháp trừng phạt cũng là nguyên nhân khiến Chính phủ Venezuela đau đầu. Chiến thắng của ông Maduro và sự vắng mặt của phần lớn các chính đảng đối lập cũng như số lượng cử tri không đi bỏ phiếu ở mức cao khiến cho các nước từng lên tiếng chỉ trích Venezuela trước thềm bầu cử sẽ vẫn không thay đổi lập trường. 
Cùng với đó, Mỹ cũng tuyên bố sẽ gia tăng các biện pháp trừng phạt tài chính nhằm vào Chính phủ của Tổng thống Maduro. Thậm chí, Washington có thể còn áp đặt thêm các lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực dầu khí để gia tăng sức ép với Chính phủ Venezuela. Như vậy, Venezuela sẽ bị ảnh hưởng lớn về tài chính và sự hỗ trợ mà họ có thể hy vọng chỉ có thể là từ Nga và Trung Quốc.                         

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục