Thủ tục kiểm tra hàm lượng Formaldehyt: Nóng với dệt may

09:56' - 23/09/2015
BNEWS Quy định hiện hành về giới hạn cho phép về hàm lượng Formaldehyt, các amin thơm giải phóng ra từ thuốc nhuộm azo trên sản phẩm dệt may đã cho thấy những bất cập, trong quy trình kiểm tra.

Tại hội thảo "Đơn giản hóa thủ tục kiểm tra hàm lượng Formaldehyt trên sản phẩm dệt may" tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh, mới diễn ra, nhiều doanh nghiệp cũng như Hiệp hội đều phản ánh còn những phức tạp trong giải quyết thủ tục kiếm tra hàm lượng Formaldehyt trong dệt may.

Ảnh minh họa: Ảnh: Quốc Việt/TTXVN

Cụ thể, quy định hiện hành về giới hạn cho phép đối với hàm lượng Formaldehyt, các amin thơm có thể giải phóng ra từ thuốc nhuộm azo trong điều kiện khử mùi trên sản phẩm dệt may đã cho thấy những bất cập, vướng mắc trong quy trình kiểm tra, đồng thời cần có những giải pháp hiệu quả hơn.

* Kiểm tra là cần thiết

Theo các chuyên gia, kiểm tra chuyên ngành yêu cầu các thủ tục giấy phép kỹ thuật trước khi thông quan hàng hoá xuất nhập khẩu như kiểm dịch, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn đo lường chất lượng... là giải pháp để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch.

Tuy nhiên, thực trạng kiểm tra chuyên ngành đối với sản phẩm dệt may của doanh nghiệp theo Thông tư 32/2009/TT-BCT (gọi tắt là Thông tư 32) do Bộ Công Thương ban hành ngày 5/11/2009, đã cho thấy những bất cập, vướng mắc qua hơn 6 năm triển khai.

Liên quan đến vấn đề kiểm tra hàm lượng Formaldehyt trên các sản phẩm dệt may, ông Phạm Thanh Bình, Chuyên gia Tư vấn USAID GIG, cho rằng: Thông tư 32 quy định ba nhóm sản phẩm phải kiểm tra gồm sản phẩm dệt, may dùng cho trẻ em (nhóm 1); sản phẩm dệt, may tiếp xúc trực tiếp với da (nhóm 2); sản phẩm dệt may không tiếp xúc trực tiếp với da (nhóm 3).

Mặc dù, Thông tư 32 chỉ quy định có 3 nhóm trên, nhưng diện bao phủ rất rộng, hầu hết các loại vải, sản phẩm dệt may, hàng nhập khẩu đều thuộc diện phải kiểm tra, gây tốn kém thời gian, chi phí của doanh nghiệp.

Tương tự, ông Nguyễn Công Nghiêm, Tổng công ty cổ phần Mai Son cho biết, các quy định trong Thông tư 32 về hàm lượng Formaldehyt và các amin thơm chuyển hoá từ thuốc nhuộm azo trên sản phẩm dệt may áp dụng cho hầu như tất cả các mặt hàng sản phẩm dệt may thuộc mọi loại hình nhập khẩu, ngoại trừ loại hình gia công xuất khẩu.

Cụ thể, doanh nghiệp ngành dệt may không chỉ mất thời gian mà còn tốn chi phí phân tích mẫu kiểm tra từ mức khoảng 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/doanh nghiệp/năm. Riêng đối với doanh nghiệp thuộc lĩnh vực da giày khoảng 400 - 500 triệu đồng/doanh nghiệp/năm (chưa bao gồm chi phí lưu kho, lưu bãi tại hải quan...).

Ảnh minh họa: Ảnh: Quốc Việt/TTXVN

Ghi nhận thực tế hiện nay, diện sản phẩm kiểm tra rất rộng nhưng tỷ lệ các trường hợp không đạt hàm lượng Formaldehyt vô cùng nhỏ.

Cụ thể, lực lượng Hải quan sân bay Tân Sơn nhất cho biết, từ khi thực hiện Thông tư 32 đến nay, mỗi năm có khoảng 8.000 lô hàng các sản phẩm dệt may làm thủ tục nhập khẩu tại đơn vị này phải kiểm tra hàm lượng Formaldehyt, nhưng chỉ có 6 trường hợp không đáp ứng hàm lượng theo quy định.

Tương tự, khảo sát tại Công ty may Nhà Bè và nhiều doanh nghiệp khác cũng cho kết quả tỷ lệ không đạt mức quy định của mỗi doanh nghiệp nói riêng chưa bao giờ đạt tới 1%.

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp trong nhiều năm liền bị kiểm tra nhưng chưa từng có lô hàng nào không đạt mức hàm lượng Formaldehyt quy định của Thông tư 32.

Một số doanh nghiệp ngành dệt may nhận định: quy định hàm lượng Formaldehyt của Thông tư 32 là một loại "giấy phép con" và việc kiểm tra này chỉ mang tính hình thức, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, trong một số trường hợp để hợp thức hoá việc thực hiện quy định hàm lượng Formaldehyt, không ít đơn vị chọn cách thức đối phó dẫn đến phát sinh tiêu cực.

* Cần quy trình hợp lý

Đồng thuận việc kiểm soát về giới hạn cho phép đối với hàm lượng Formaldehyt trên các sản phẩm dệt may là rất cần thiết, nhưng các doanh nghiệp nhấn mạnh: quy định hàm lượng Formaldehyt của Thông tư 32 là quá mức cần thiết với phạm vi quá rộng, cách thức quản lý chưa phù hợp.

Do đó, với các sản phẩm nhập khẩu từ khu vực có tiêu chuẩn cao hơn Việt Nam hoặc sản phẩm có chứng nhận của những tổ chức có uy tín trong và ngoài nước thì nên miễn trừ kiểm tra chuyên ngành. Đồng thời nên bỏ quy định kiểm tra hàm lượng Formaldehyt với doanh nghiệp nhập khẩu, nhà sản xuất, nhà cung ứng thường xuyên đạt yêu cầu.

Đại diện Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai cho rằng: từ khi triển khai Thông tư 32 đến nay, đơn vị này chưa phát hiện bất kỳ trường hợp nào vi phạm, vậy có cần thiết tiếp tục áp dụng quy định kiểm tra hàm lượng Formaldehyt và các amin thơm chuyển hoá từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may hay không.

Mặt khác, để kiểm tra hàm lượng Formaldehyt và các amin thơm chuyển hoá từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may, Bộ, ngành có thể sử dụng các biện pháp quản lý rủi ro tại nguồn thông qua dán nhãn. Ngoài ra có thể kiếm tra chứng nhận nguồn gốc từ doanh nghiệp nước ngoài; công khai thông tin doanh nghiệp vi phạm trong nước và nước ngoài.

Ảnh minh họa: Ảnh: Quốc Việt/TTXVN

Chia sẻ kinh nghiệm về kiểm tra hàm lượng Formaldehyt trên sản phẩm dệt may, ông Peter Bennett, Cố vấn thuận lợi hóa Thương mại, USAID GIG, cho biết, quy định hàm lượng EU với Việt Nam không khác nhau, tuy nhiên phương thức quản lý có sự khác biệt nhất định.

Điển hình, tại nước Đức, hàng hóa phải được ghi rõ trên nhãn mác là có chỉ số hàm lượng Formaldehyt; hoặc tại nước Anh, việc kiểm soát hàm lượng Formaldehyt được thực hiện ngay tại nơi sản xuất và quy trình sản xuất được giám sát nghiêm ngặt.

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành quản lý chuyên ngành; cơ quan kiểm tra, đo lường chất lượng; chính quyền địa phương và doanh nghiệp luôn phối hợp chặt chẽ trong việc thực thi các quy định về hàm lượng Formaldehyt và các amin thơm chuyển hoá từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may.

Bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho rằng, dự thảo Thông tư  thay thế Thông tư 32, phải giải quyết được những khó khăn cho doanh nghiệp khi làm thủ tục xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó phải tháo gỡ những vướng mắc tồn tại trong thời gian qua và các quy định cần tương đồng với cơ chế Hải quan một cửa để tránh chồng chéo thủ tục hành chính.

Ngoài một số quy định tích cực như miễn kiểm tra đối với hàng mẫu, hàng phục vụ nghiên cứu khoa học, hàng triển lãm hội chợ... thì cần tập trung các biện pháp quản lý giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp trong việc chờ đợi giám định, kiểm định, lưu kho bãi, thông quan hàng hoá.

Thông tư 32 khi ban hành được xem là quy định "tạm thời" nhưng đã tồn tại hơn 6 năm, chưa được thay thế bằng một quy định chính thức để tháo gỡ khó khăn cho một ngành sản xuất thế mạnh của Việt Nam, có giá trị xuất khẩu lớn và liên quan đến hàng triệu người lao động.

Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp ngành dệt may rất kỳ vọng Dự thảo hàm lượng Formaldehyt và các amin thơm chuyển hoá từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may, nhằm thay thế Thông tư 32, sẽ có những thay đổi thiết thực thông qua việc ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp để hướng đến tạo thuận lợi hóa trong hội nhập kinh tế quốc tế./.

Mỹ Phương

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục