Thủ tướng Chính phủ: Cần đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế

15:00' - 03/10/2016
BNEWS “Nếu chỉ đạo không quyết liệt, không cụ thể, thì chắc chắn thời gian tới việc cung cấp điện, một cân đối lớn của nền kinh tế, sẽ bị hẫng hụt. Chúng ta không nhìn thấy điều này thì sẽ là nguy cơ.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2016. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Phiên họp diễn ra trong 2 ngày, từ 3-4/10, với 22 nội dung khác nhau, trong đó, ngày đầu tiên Chính phủ họp về xây dựng thể chế và ngày thứ hai, tập trung vào nội dung phát triển kinh tế-xã hội.
“Phiên họp này rất quan trọng vì chúng ta đã có kết quả 3 quý. Chúng ta thấy kết quả, thấy thách thức, thấy đúng tình hình để có giải pháp quyết liệt, để quý 4 này, phấn đấu đạt mức cao nhất của kế hoạch 2016, một năm đầy cam go, trở ngại, khó khăn mà chúng ta gặp phải và đang vượt qua”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh: Việc đạt mức cao nhất thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ, thành viên Chính phủ, các cấp, các ngành đối với các nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội giao.
Đây cũng là phiên họp để hoàn thiện báo cáo đánh giá tình hình kinh tế-xã hội cả năm 2016 để trình Ban chấp hành Trung ương, Quốc hội trong tháng 10 này.
Vì vậy, Thủ tướng định hướng chủ đề chính của phiên họp này là “phấn đấu thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững, nỗ lực đạt mục tiêu cao nhất kế hoạch năm 2016 từ 6,3-6,5%”.
Niềm tin thị trường tăng
Nhận định tình hình tháng 9 và 9 tháng qua, Thủ tướng cho rằng, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững. Tăng trưởng tiếp tục đà phục hồi, quý sau cao hơn quý trước, nhất là quý 3 đạt 6,4%. Lạm phát ở mức thấp.
Trong tháng 9, đầu tư gián tiếp tăng. Chứng khoán tăng kỷ lục, cao nhất trong 9 năm qua. Thu hút vốn FDI đạt khá. Xuất siêu tăng. Kiều hối rót mạnh vào lĩnh vực sản xuất. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh cả lượng và vốn. Nông nghiệp có bước chuyển biến mạnh mẽ, nếu 6 tháng tăng trưởng âm, giảm 0,18% thì đến quý III này, dương 0,65%.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2016. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Tuy vậy, 9 tháng, tăng trưởng mới đạt 5,92%, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Để đạt tăng trưởng GDP từ 6,3-6,5% thì tăng trưởng kinh tế quý IV phải đạt 7,1-7,3%. “Tuy đây là mục tiêu cao, khó, nhưng không phải không thực hiện được. Những năm trước quý IV bao giờ cũng tăng cao hơn các quý.

Quý IV có nhiều điều kiện tốt có thể phấn đấu tăng GDP”, Thủ tướng nói. Đây cũng là nỗ lực rất lớn khi một số tổ chức quốc tế như ADB đánh giá Việt Nam chỉ đạt tăng trưởng 6%, do các yếu tố khách quan như tình trạng cá chết ở miền Trung, hạn hãn, bão lũ…
Không chỉ có quyết tâm mà cần cả giải pháp cụ thể
Quốc hội giao Chính phủ 13 chỉ tiêu, nay 11 chỉ tiêu đã được hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Chỉ còn 2 chỉ tiêu gần hoàn thành, trong đó có GDP. Vì vậy, Thủ tướng nhấn mạnh, phải quyết tâm cao, có giải pháp cụ thể, những nỗ lực và giải pháp cụ thể của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, mà trước hết là Chính phủ, từng thành viên Chính phủ.
“Cả bộ máy phải chuyển động, tạo mọi điều kiện, tháo gỡ mọi rào cản cho sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Tôi xin nhấn mạnh, không phải chỉ có quyết tâm mà phải có giải pháp cụ thể để đạt mục tiêu 6,3-6,5%”, Thủ tướng nói.
“Nếu chỉ đạo không quyết liệt, không cụ thể, thì chắc chắn thời gian tới việc cung cấp điện của Việt Nam, một cân đối lớn của nền kinh tế, sẽ bị hẫng hụt. Chúng ta không nhìn thấy điều này thì sẽ là nguy cơ. Năm nay nguồn điện bảo đảm vì GDP chưa đạt mục tiêu.

Nếu tăng trưởng cao hơn nữa, liên tục hơn nữa, và đặc biệt là chúng ta đang phấn đấu mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp trong 5 năm và riêng năm nay trên 100.000 doanh nghiệp thì lượng điện tăng như thế nào? Do đó tầm nhìn về các cân đối lớn của nền kinh tế phải được đặt ra ngay tại kỳ họp này”, Thủ tướng nêu vấn đề để các thành viên Chính phủ thảo luận.
Thủ tướng yêu cầu tại phiên họp này phải kiểm điểm các bất cập tồn tại, nhất là phản ứng chính sách cần thiết trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam, những tác động của chính sách đã ban hành, để tháo gỡ kịp thời cho sản xuất kinh doanh. Không chỉ tăng trưởng mà phải chú ý cả các chỉ tiêu xã hội, môi trường; không chỉ quan tâm chỉ tiêu 2016 mà cả chỉ tiêu 2017 và kế hoạch trung hạn 2016-2021.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục