Thủ tướng Đức muốn sớm dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga

21:55' - 17/02/2016
BNEWS Theo nhà lãnh đạo Đức, Moskva cần thực thi hoặc tác động để lực lượng đòi ly khai ở Ukraine tuân thủ mọi điểm trong thoả thuận hòa bình Minsk về giải quyết cuộc khủng hoảng ở nước này.

New Zealand-Australia

Thủ tướng New Zealand John. Ảnh: Reuters

Thủ tướng New Zealand John Key sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull tại Sydney, Australia vào ngày 19/2 tới. Thủ tướng Turnbull cho biết ông và nhà lãnh đạo New Zealand sẽ thảo luận về các biện pháp thúc đẩy thương mại giữa hai nước tại Diễn đàn thương mại xuyên Tasman.

Năm 2015, trao đổi thương mại dịch vụ và hàng hóa xuyên Tasman đạt 23,4 tỷ AUD (1 USD = 1,41 AUD). Australia là nhà đầu tư lớn nhất vào New Zealand với khoảng 100 tỷ AUD. Ngoài ra, hai Thủ tướng cũng sẽ thảo luận về các biện pháp nhằm làm sâu sắc hơn cải cách kinh tế và đẩy mạnh hợp tác về khoa học, sáng tạo và an ninh mạng, cũng như tiếp tục bàn thảo về sự di dân giữa hai nước.

Đức-Nga

Các nghị sĩ đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Đức cho biết, Thủ tướng Angela Merkel muốn sớm dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt được áp đặt nhằm vào Nga (liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine), song chưa có cơ sở cho hành động như vậy.

Theo nhà lãnh đạo Đức, Moskva cần thực thi hoặc tác động để lực lượng đòi ly khai ở Ukraine tuân thủ mọi điểm trong thoả thuận hòa bình Minsk về giải quyết cuộc khủng hoảng ở nước này. Hồi tháng 12/2015, EU đã gia hạn trừng phạt kinh tế Nga thêm sáu tháng, theo đó sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 7/2016.

EU-Zimbabwe

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Liên minh châu Âu diễn ra ở Brussels vừa nhất trí kéo dài thêm một năm các biện pháp hạn chế đối với Zimbabwe cho đến ngày 20/2/2017. Quyết định này được đưa ra sau đánh giá hàng năm về các biện pháp hạn chế của EU đối với quốc gia này.

Các biện pháp hạn chế sẽ tiếp tục áp dụng cho Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe, vợ ông Grace Mugabe, và ngành công nghiệp quốc phòng.

Trong khi đó, EU vẫn treo các biện pháp chống 5 thành viên cao cấp của bộ máy an ninh và rút khỏi danh sách trừng phạt 78 cá nhân và 8 đơn vị. Tuy nhiên, lệnh cấm vận vũ khí sẽ vẫn được giữ nguyên. Quyết định này được công bố trong Công báo của EU vào ngày 17/2.

Thái Lan

Bộ trưởng Thương mại Tháii Lan Boonsong Teriyapirom. Ảnh: Bangkok Post

Văn phòng Tổng chưởng lý Thái Lan thông báo cựu Bộ trưởng Thương mại của nước này, ông Boonsong Teriyapirom và 21 cá nhân khác bao gồm các quan chức và doanh nhân đang phải đối mặt với một vụ kiện đòi khoản bồi thường khổng lồ do cáo buộc tham gia vào các giao dịch mua bán gạo liên chính phủ giả, với con số thiệt hại ước tính khoảng 20 tỷ baht (1 USD = 35,65 baht).

Cơ quan này cho biết các báo cáo sẽ được trình lên Bộ Tài chính Thái Lan để quyết định mức bồi thường đối với 22 người nói trên. Vụ việc này liên quan đến chương trình trợ giá gạo gây tranh cãi, khiến cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra phải đối mặt với cáo buộc gây thiệt hại 520 tỷ baht.

Ấn Độ

Tờ “The Statesman” dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar cho biết, bộ này vừa ký 40-50 biên bản ghi nhớ (MoU) với nhiều nhà sản xuất toàn cầu, trong đó có nhiều hãng sản xuất máy bay tiêm kích và trực thăng trong “Tuần sản xuất tại Ấn Độ (Make in India)” đang diễn ra tại đây.

Bộ trưởng Parrikar cho hay việc sản xuất máy bay trực thăng và tiêm kích ở nước này sẽ tạo cơ hội việc làm cho khoảng 100.000 công nhân lành nghề. Chính phủ Ấn Độ cam kết sẽ biến quốc phòng trở thành một thị trường sinh lời.

Thổ Nhĩ Kỳ-Italy

Theo hãng tin ANSA, Bilal Erdogan, con trai của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đang bị nhà chức trách Italy điều tra về tội rửa tiền.

Theo nguồn tin này, Bilal có tên trong danh sách điều tra của Viện công tố Bologna (Italy), sau khi Murat Hakan Uzan, một doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ sống lưu vong vì chống lại quyền lực của Tổng thống Erdogan, thỉnh cầu nhà chức trách Italy làm rõ việc bằng cách nào mà Bilal có thể mang một khoản tiền lớn vào Italy. Hiện phía Thổ Nhĩ Kỳ chưa có bình luận gì về sự kiện này.

Ukraine

Kênh truyền hình 112 Ukraine dẫn lời Chủ tịch Đảng Tổ quốc (Batkivshina), bà Yulia Tymoshenko nói rằng mỗi nghị sĩ trong Verkhovna Rada (Quốc hội) nước này đã nhận tới một triệu USD để bỏ phiếu không miễn nhiệm Nội các của Thủ tướng Arseny Yatsenyuk. Trước đó, Verkhovna Rada đã không thông qua nghị quyết bất tín nhiệm chính phủ do Thủ tướng Yatsenyuk đứng đầu.

Nhật Bản-Palestine

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Reuters

Truyền thông khu vực cho biết, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cam kết cung cấp khoản viện trợ nhân đạo trị giá 780 triệu USD cho Palestine trong cuộc gặp với Tổng thống Chính quyền Palestine (PA) Mahmoud Abbas, hiện đang ở thăm Tokyo.

Hoan nghênh sự hỗ trợ của Nhật Bản, ông Abbas nói: "Khoản viện trợ này sẽ góp phần hỗ trợ việc xây dựng thể chế của Palestine cũng như phát triển kinh tế của Palestine".

Ông Abbas cũng lên tiếng kêu gọi tổ chức một hội nghị hòa bình quốc tế cũng như thiết lập một cơ chế quốc tế để chấp dứt sự chiếm đóng của Israel trên các vùng lãnh thổ của Palestine.

Ấn Độ-Bhutan

Mạng tin IANS cho biết tại cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj ở New Delhi, Thủ tướng Bhutan Tshering Tobgay đã ca ngợi mối quan hệ giữa Ấn Độ và Bhutan là quan hệ kiểu mẫu giữa các nước láng giềng. Tại cuộc gặp hai bên cũng đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan quan hệ hợp tác song phương.

Thủ tướng Tobgay đã trao đổi với Ngoại trưởng Swaraj về kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm lần thứ năm của Vương quốc Himalaya này và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Ấn Độ.

Ông Tobgay cho biết hiện có hơn 3.000 dự án đang triển khai tại Bhutan bằng nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ Ấn Độ, trong đó có các dự án nhà máy thủy điện trọng điểm như Mangdechhu (720 MW), Punatsangchhu I (1.200 MW) và Punatsangchhu II (1.020 MW).

Mexico

Tổng Cục vệ sinh dịch tễ thuộc Bộ Y tế Mexico (SSP) thông báo tính đến ngày hôm nay, tại quốc gia Bắc Trung Mỹ có 80 ca nhiễm vi rút zika.

Theo thông báo của SSP, bang Chiapas ở miền Nam Mexico dẫn đầu toàn quốc về số người nhiễm zika với 45 ca, tiếp theo là bang Oaxaca, Tây Nam Mexico với 25 ca và tám trong tổng 32 bang đã có bệnh nhân nhiễm căn bệnh trên.

Để ngăn chặn vi rút lây lan, bên cạnh công tác thông tin tuyên truyền về loại muỗi gây bệnh và đào tạo cán bộ chuyên trách, chính phủ liên bang và chính quyền các bang đã chỉ đạo các lực lượng y tế tiến hành phun thuốc tại các khu vực có nguy cơ cao, những khu vực tập trung đông người và thông báo kịp thời các ca nhiễm mới tới người dân.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục