Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Bắc Ninh cần trở thành thủ phủ sản xuất điện tử khu vực châu Á

18:43' - 12/02/2017
BNEWS Thủ tướng đề nghị Bắc Ninh mở rộng các mô hình phát triển cả trong nông nghiệp lẫn công nghiệp; nỗ lực đưa Bắc Ninh trở thành thủ phủ sản xuất điện tử khu vực châu Á.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Bắc Ninh - quê hương của Kinh Dương Vương, Lý Bát Đế nơi hội tụ kho tàng văn hoá dân gian và sản sinh ra những làn điệu Dân ca Quan họ - Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Mảnh đất Kinh Bắc địa linh nhân kiệt này cũng là tỉnh đầu tiên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác của Chính phủ làm việc ngay những ngày đầu xuân Đinh Dậu 2017.

Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bắc Ninh chiều 12/2, Thủ tướng tán thành và giao cho địa phương xây dựng Đề án phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022.

Thủ tướng cũng lưu ý tỉnh tiếp thu, sàng lọc thành tựu phát triển thành phố thông minh từ bài học của Bình Dương nhất là công nghệ thông minh áp dụng trong các lĩnh vực: Văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội…

Diện tích nhỏ, thành tựu lớn

Là địa phương có diện tích tự nhiên chỉ chiếm 0,2% diện tích tự nhiên cả nước, nhỏ nhất trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước, sau 20 năm tái lập, từ một tỉnh nông nghiệp thuần túy, đến nay Bắc Ninh đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại với nhiều chi tiêu kinh tế - xã hội đứng trong tốp cao nhất cả nước.

Có thể kể đến những thành tựu là lợi thế cạnh tranh tiêu biểu của Bắc Ninh năm 2016 vừa qua như: GRDP bình quân đầu người đứng thứ 2 cả nước đạt 4.847 USD; giá trị sản xuất công nghiệp xếp thứ 2 cả nước với 765.621 tỷ đồng; xuất khấu xếp thứ 2 cả nước với 22,8 tỷ USD.

Mặc dù là địa phương đứng cuối bảng về diện tích nhưng Bắc Ninh lại có mức thu ngân sách đứng thứ 10 toàn quốc với thành tích năm 2016 đạt 17.800 tỷ đồng. Đặc biệt, Bắc Ninh có mức thu hút vốn FDI đứng thứ 5 cả nước với 935 dự án trong 20 năm qua, tổng số vốn đầu tư đạt 12,3 tỷ USD ... Đây cũng là điểm đầu tư của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới như: Samsung, Microsoft, Canon, PepsiCo...

Trên cơ sở những thành tựu đạt được, Bắc Ninh mạnh dạn đặt chỉ tiêu phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022 (nhân dịp kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh).

Tiếp tục là một trong những địa phương giàu nhất cả nước

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, sự chuyển biến về kinh tế-xã hội 20 năm qua của Bắc Ninh mang tính toàn diện, bứt phá mạnh mẽ dựa trên nền tảng tinh thần đoàn kết, thống nhất ý chí của đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Những thành tựu này được thể hiện rõ nét qua các chỉ số ở tốp đầu cả nước mà Bắc Ninh đã đạt được trong thời gian qua.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng đã khởi xướng một tầm nhìn phát triển lâu dài, xứng tầm với địa phương giàu truyền thống văn hóa và tiềm năng phát triển - mảnh đất Kinh Bắc địa linh nhân kiệt.

“Bắc Ninh không những là một địa phương có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước mà còn phải phấn đấu trở thành biểu tượng của sự chuyển mình, vươn lên của Việt Nam trong các lĩnh vực điện tử, công nghệ cao nói riêng và nền kinh tế sáng tạo nói chung của ASEAN và châu Á trong vòng 10 năm tới”, Thủ tướng đề nghị.

Thủ tướng cũng mong muốn Bắc Ninh tiếp tục là một trong những địa phương giàu có nhất cả nước, hướng đến trở thành một trong 300 thành phố sáng tạo nhất thế giới, làm hình mẫu cho sự phát triển nhanh và bền vững, trong khi vẫn gìn giữ, bảo toàn và phát huy được bản sắc văn hóa độc đáo của một vùng đất đã được mệnh danh là Kinh Bắc.

Đề nghị Bắc Ninh không được chủ quan, tự mãn với kết quả đạt được, Thủ tướng yêu cầu tỉnh phải không ngừng đổi mới, tiếp tục nghiên cứu tìm tòi những giải pháp đột phá; phấn đấu trở thành công xưởng sản xuất các sản phẩm công nghệ cao. Không chỉ áp dụng công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất điện tử, tỉnh phải ứng dụng cả trong sản xuất nông nghiệp và quản lý xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Chỉ rõ một số tồn tại hạn chế của địa phương, Thủ tướng nhận xét: Kinh tế phát triển chậm. Khu vực kinh tế trong nước chưa tương xứng với khu vực FDI mặc dù có là tỉnh có lợi thế rất lớn với số lượng đông đảo các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề.

Công nghiệp hỗ trợ còn yếu, đơn giản; kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ làm giảm khả năng kết nối với các vùng kinh tế khác trong vùng. Các vấn đề như an toàn thực phẩm, khiếu nại tố cáo đông người còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ; đời sống văn hóa của công nhân, nhà ở xã hội chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Thủ tướng cũng điểm qua những thách thức mà Bắc Ninh cần vượt qua để hướng tới phát triển bền vững hơn đó là: Công tác bảo vệ môi trường, nhất là môi trường các làng nghề, khu công nghiệp; chất lượng nguồn nhân lực trước yêu cầu công nghiệp hóa; sự gắn kết giữa doanh nghiệp địa phương với doanh nghiệp FDI; chất lượng quá trình đô thị hóa…

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Bắc Ninh phải vươn lên tầm cao mới của một địa phương phát triển thuộc hàng cao nhất cả nước với một tầm nhìn rõ nét hơn.

Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc trung ương trong tương lai gần, Thủ tướng đề nghị tỉnh chú trọng hơn nữa công tác quy hoạch; mở rộng các mô hình phát triển cả trong nông nghiệp lẫn công nghiệp; nỗ lực đưa Bắc Ninh trở thành thủ phủ sản xuất điện tử khu vực châu Á.

Thủ tướng cũng dặn dò địa phương lưu ý đến việc xây dựng cấp ủy, chính quyền liêm chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp; song song với tăng trưởng, phải duy trì và đảm bảo tốt an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Cũng tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Chứng nhận của Thủ tướng Chính phủ công nhận thị xã Từ Sơn và huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh đạt chuẩn nông thôn mới. Như vậy đến hết 2016. Bắc Ninh đã có 2/8 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Thăm mô hình chế biến thực phẩm tại Tập đoàn Dabaco

Trong sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới tham quan mô hình chế biến thực phẩm tại Tập đoàn Dabaco tại huyện Tiên Du - một tổ hợp công nghiệp nông nghiệp quy mô lớn theo hình thức khép kín từ khâu giống, sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.

Theo ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Tập đoàn Dabaco, tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, thành lập năm 1996, cổ phần hóa năm 2005, sau hơn 10 năm cổ phần hóa, Dabaco đã trở thành Tập đoàn kinh tế đa ngành với trên 50 công ty, nhà máy và đơn vị thành viên, doanh thu trên 10.000 tỉ đồng/năm, tổng tài sản trên 5.500 tỉ đồng.

Tập đoàn hiện có trên 5.000 lao động với thu nhập bình quân trên 9 triệu đồng/người/tháng và là một trong số ít doanh nghiệp hoạt động theo mô hình chuỗi giá trị khép kín 3F (tức trang trại, thức ăn, thực phẩm) - sạch từ trang trại tới bàn ăn.

Đặc biệt, Dabaco hiện là cơ sở duy nhất có thương phẩm trứng gà vỏ xanh – một giống gà đặc biệt, mới được phát triển thành công. Tập đoàn này cũng là đơn vị duy nhất tại Việt Nam có trang bị Hệ thống phần mềm xử lý dữ liệu tự động (FAN’S), cho phép theo dõi, đánh giá tất cả các chỉ tiêu trong chăn nuôi lợn tự động, nhanh và chính xác.

Thăm cơ sở chế biến thực phẩm của Dabaco, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Tập đoàn tăng trưởng tốt thời gian qua với công nghệ ngày càng tiến bộ, đa dạng sản phẩm cả trồng trọt, chăn nuôi và tiêu thụ; giải quyết nhiều việc làm và không ngừng mở rộng sản xuất ở nhiều địa phương khác nhau trên cả nước.

Thủ tướng đề nghị Dabaco tăng cường khả năng tự động hóa trong sản xuất và chế biến, mở rộng hơn nữa thị trường xuất khẩu ra các quốc gia trên thế giới; cùng với đó, tăng cường liên kết với các hộ nông dân, hợp tác xã trong vùng để các bên cùng có lợi và phát triển.

Thăm dự án mở rộng của Tổ hợp Samsung

Cũng trong buổi sáng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm dự án mở rộng thuộc Tổ hợp Samsung tại Khu Công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh.

Tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới Samsung hiện có 6 nhà máy tại Việt Nam, trong đó Bắc Ninh có 3 nhà máy, Thái Nguyên có 2 nhà máy và Thành phố Hồ Chí Minh 1 nhà máy sản xuất các sản phẩm điện tử, thiết bị điện tử thông minh, điện gia dụng, nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ như phầm mềm di động với hơn 1.500 kỹ sư và sinh viên nghiên cứu, thực tập.

Tổng vốn đầu tư của 6 nhà máy là 15 tỷ USD và đã giải ngân được 10 tỉ USD. Hiện các nhà máy của Samsung đã thu hút 136,7 nghìn lao động; kim ngạch năm 2016 đạt khoảng 40 tỷ USD. Để đảm bảo đời sống cho lao động, Samsung đã xây 38 tòa nhà ở đảm bảo cho khoảng 30 nghìn nhân viên.

Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam, một đơn vị thành viên của Tổ hợp Samsung Việt Nam có trụ sở tại Khu Công nghiệp Yên Phong đang đề nghị tăng vốn thêm 2,5 tỷ USD cho nhà máy tại Bắc Ninh, nâng tổng vốn đầu tư của đơn vị này lên 6,5 tỷ USD.

Lãnh đạo Tập đoàn Samsung tại Việt Nam cho biết, dự kiến đến cuối năm nay, số lao động tại Việt Nam sẽ nâng lên 150.000 người; xuất khẩu đạt trên 50 tỷ USD. Tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm của Samsung tại Việt Nam hiện là khoảng 50%.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Samsung giải quyết được 140 nghìn lao động, trong đó hầu hết là kỹ sư, người lao động Việt Nam. Thủ tướng hoan nghênh việc Samsung đã thu hút được 198 doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm thông qua tỷ lệ nội địa hóa cao. Tập đoàn cũng đã thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, chăm lo đời sống cho người lao động.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ và tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục ủng hộ, tạo điều kiện cho Samsung mở rộng đầu tư tại Việt Nam và đề nghị Tập đoàn nâng cao hơn nữa tỷ lệ nội địa hóa, thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất, sớm đạt được mục tiêu xuất khẩu trên 50 tỷ USD trong năm 2017./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục