Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt – Đức

08:13' - 07/07/2017
BNEWS Sự gắn kết giữa người dân và hai quốc gia Đức và Việt Nam chính là nền tảng vững chắc cho giao thương, đầu tư của doanh nghiệp hai nước trong tương lai.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt-Đức. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Theo đặc phái viên TTXVN, Diễn đàn doanh nghiệp Việt – Đức diễn ra chiều 6/7 theo giờ Thủ đô Berlin (tức đêm 6/7 theo giờ Việt Nam) là một trong những hoạt động xúc tiến hợp tác thương mại, đầu tư nổi bật trong chuyến thăm chính thức làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại CHLB Đức.

Diễn đàn có sự tham dự của khoảng 600 doanh nghiệp Đức và trên 100 doanh nghiệp Việt Nam và chứng kiến lễ trao 28 văn bản hợp tác giữa các cơ quan và doanh nghiệp hai nước với tổng trị giá trên 1,5 tỷ Euro.

Cùng dự diễn đàn có Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức Brigitte Zypries.

Phát biểu tại Diễn dàn doanh nghiệp song phương quy mô lớn này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn, CHLB Đức, với tư cách là nền kinh tế lớn nhất và là thành viên có tầm ảnh hưởng trong EU cũng như các tổ chức, các diễn đàn đa phương toàn cầu, sẽ hỗ trợ thu hút sự quan tâm và nguồn lực của quốc tế vào các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư Đức tại Diễn đàn bày tỏ quyết tâm phối hợp cùng các doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy nhiều hơn nữa các chương trình, dự án đầu tư, đóng góp vào tiến trình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trên cơ sở các tiềm năng, thế mạnh, các thành tựu của nền công nghiệp công nghệ cao CHLB Đức.

Hai bên cùng nỗ lực phấn đấu nâng cán cân thương mại lên 20 tỷ USD thay vì mức 14 tỷ USD như hiện nay.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư Đức mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thiện khung hành lang pháp lý; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Đức triển khai thuận lợi các dự án hợp tác sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Các doanh nghiệp Đức cũng kỳ vọng sau khi đi vào hoạt động, Dự án Ngôi nhà Đức tại thành phố Hồ Chí Minh, cùng Đại học Việt Đức – những dự án hải đăng trong quan hệ đối tác chiến lược Việt – Đức sẽ tạo xung lực mạnh mẽ cho quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức Brigitte Zypries nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia có uy tín rất cao đối với Chính phủ, doanh nghiệp và người dân Đức.

Việt Nam là hình ảnh của 1 quốc gia đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và ấn tượng, nhất là tốc độ tăng trưởng GDP. Đây còn là một quốc gia có dân số trẻ và đầy nhiệt huyết, là nguồn lao động dồi dào với hoài bão, ước mơ vươn lên.

Bộ trưởng Brigitte Zypries khẳng định Đức sẽ luôn là một đối tác tin cậy của Việt Nam trong khu vực và tương lai.

Phát biểu tại Diễn đàn, nhắc lại thời điểm năm 1975, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao và đến năm 2011, CHLB Đức và Việt Nam đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện của nhau, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, mối quan hệ này ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả.

Trong quan hệ với EU, Đức là đối tác hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch thương mại năm 2016 đạt 9 tỷ USD, chiếm 20% trao đổi thương mại giữa Việt Nam và EU.

Đặc biệt nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Đức như Siemens, Mercedes, Ngân hàng Đức… đang hoạt động kinh doanh hiệu quả với tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam đến nay lên đến 1,8 tỷ USD.

Các mối quan hệ văn hóa, giáo dục với Đức và Việt Nam cũng có một truyền thống lâu đời. Năm 1955, những người công dân đầu tiên của Việt Nam được cử đi học tại Cộng hòa Dân chủ Đức đã trở thành biểu tượng cho mối quan hệ gắn bó hữu nghị Việt Nam và Đức.

Tiếp nối truyền thống đó, ngày nay, sự ra đời của trường Đại học Việt Đức ở Bình Dương và một số trường trung học do doanh nghiệp Đức thành lập ở TP. Hồ Chí Minh không chỉ giúp Việt Nam cải thiện chất lượng nguồn nhân lực mà còn giúp Việt Nam giải quyết vấn đề lớn như năng lượng, giao thông vận tải, tài nguyên môi trường, quy hoạch đô thị và phát triển bền vững.

Văn hóa Đức đã thâm nhập vào xã hội Việt Nam một cách hết sức tự nhiên, gần gũi, thân thuộc như “Nỗi đau của chàng Werther”, tác phẩm văn học đã từng tạo nên cơn sốt trong giới trẻ châu Âu cũng như Việt Nam.

Sự ra đời của phân Viện Goethe tại Hà Nội năm 1997 đã thúc đẩy hiệu quả sự hợp tác giao lưu, tăng cường đối thoại về văn hóa giữa hai nước.

Sự gắn kết giữa người dân và hai quốc gia chính là nền tảng vững chắc cho giao thương, đầu tư của doanh nghiệp hai nước trong tương lai. Và đến nay, ở Việt Nam, đã có trên 100.000 người nói thạo tiếng Đức và từng tốt nghiệp các trường ở Đức, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thông tin đến các nhà đầu tư Đức về tình hình kinh tế, xã hội của Việt Nam, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng GDP cao trên 6% trong 30 năm liên tục và từ năm 2010 trở thành quốc gia đang phát triển.

Việt Nam có lợi thế của một môi trường đầu tư chính trị, xã hội và kinh tế vĩ mô ổn định. Năm 2016, GDP đã đạt trên 220 tỷ USD, tăng 6,21%.

Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 2.300 USD. Sức mua của gần 100 triệu dân ngày càng tăng nhanh với tầng lớp trung lưu chiếm trên 10% dân số.

Việt Nam là nền kinh tế mở, có kim ngạch thương mại đạt gần 400 tỷ USD, gấp gần 1,6 lần GDP. Việt Nam có 23.160 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ 120 quốc gia đang hoạt động với tổng số vốn đầu tư trên 320 tỷ USD, trong đó có nhiều công ty, tập đoàn hàng đầu của Đức.

Thủ tướng khẳng định, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam được cải thiện cơ bản, và ngày càng phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Xếp hạng 2016 – 2017 của Ngân hàng Thế giới (WB) về môi trường kinh doanh Việt Nam đã tăng 9 bậc, từ 91 lên 82 trên 190 quốc gia.

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), xếp hạng về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam đứng thứ 60/138 nước. Việt Nam cũng đang mở cửa thị trường theo cam kết hội nhập quốc tế, đặc biệt là 12 FTA đã ký.

Việt Nam từng bước gỡ bỏ hạn chế trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ, viễn thông, tài chính, ngân hàng, cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia không hạn chế hoặc nâng trần giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, kể cả bán cổ phần chiến lược của doanh nghiệp Nhà nước cho nhà đầu tư nước ngoài.

Việt Nam đang gỡ bỏ thủ tục cấp phép mở tài khoản và giao dịch chứng khoán cho nhà đầu tư nước ngoài, tạo thuận lợi cho giao dịch tài khoản vốn, xóa bỏ các biện pháp kiểm soát vốn không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang tăng trưởng nhanh với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp Nhà nước mới được cổ phần hóa.

Hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện đang được tái cơ cấu theo hướng lành mạnh và hiệu quả hơn, đáp ứng chuẩn mực quản trị ngân hàng hiện đại và các tiêu chuẩn bảo đảm an toàn ngân hàng theo thông lệ Basel cũng như quốc tế.

Trong tiến trình đó, nhiều cơ hội đang mở ra cho các nhà đầu tư nước ngoài cùng tham gia tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam, đáp ứng năng lực cạnh tranh và hội nhập tài chính toàn cầu.

Việt Nam cũng đang thúc đẩy hoạt động mua bán và sáp nhập trong các lĩnh vực như hạ tầng, vận tải, sân bay, đường cao tốc, cảng biển, điện lực, viễn thông, lương thực, thực phẩm, nông nghiệp và dịch vụ.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam thuộc tốp 1.000 thương hiệu hàng đầu châu Á như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Viettel, Petrolimex, Vinamil, Masan, TH Truemilk, Cà phê Trung Nguyên, Mobiphone, Vietcombank…

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn Đức, với tư cách là nền kinh tế lớn nhất và là thành viên có tầm ảnh hưởng trong EU cũng như các tổ chức, các diễn đàn đa phương toàn cầu, sẽ là người bạn tin cậy của Việt Nam, hỗ trợ thu hút sự quan tâm và nguồn lực của quốc tế vào các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, đặc biệt, trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, tự động hóa, đào tạo nghề và giáo dục đại học.

Công nghệ và kinh nghiệm quản trị của Đức có thể giúp Việt Nam vượt lên nhanh chóng trong xu hướng của cách mạng công nghiệp 4.0. Nhu cầu và sức phát triển của ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng.

Việt Nam mong Đức sẽ hỗ trợ nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thông qua khuyến khích các doanh nghiệp Đức đầu tư vào công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam, khuyến khích các liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp địa phương, kể cả ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, năng lượng gió.

Thủ tướng tin tưởng, sau diễn đàn này, một không khí đầu tư, một làn sóng đầu tư mới với sự hợp tác của Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam, của chính quyền Việt Nam, nhất định làn sóng đầu tư mới của Đức vào Việt Nam sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn, mang lại lợi ích thiết thực cho hai nước Việt - Đức.

*Ngay sau khi tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt – Đức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp với lãnh đạo một số tập đoàn, ngân hàng lớn của Đức gồm: Tập đoàn ô tô BMW; Sân bay Munich và Ngân hàng quốc tế BPCE.

Tại các cuộc tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ hoanh ngênh chủ trương của các tập đoàn, ngân hàng Đức muốn triển khai thực hiện dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh ở Việt Nam như Dự án hợp tác sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô của BMW; dự án xây dựng ngân hàng số ở Việt Nam của BPCE; dự án hợp tác đào tạo nhân viên hàng không của Sân bay Munich.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ việc hợp tác này và mong các tập đoàn, ngân hàng sớm triển khai các hoạt động đầu tư tại Việt Nam; góp phần đưa quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và CHLB Đức ngày càng đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực hơn.

Tối cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn Cấp cao Việt Nam đã rời Thủ đô Berlin, đến Hamburg, tiếp tục thăm làm việc CHLB Đức và bắt đầu chuỗi các hoạt động tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

>>>Thủ tướng phẫn nộ khi được tin 2 công dân Việt Nam bị khủng bố bắt cóc và sát hại

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục