Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt cán bộ lão thành tỉnh Quảng Nam qua các thời kỳ

18:55' - 24/03/2018
BNEWS Ngày 24/3, tại thành phố Tam Kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt cán bộ lãnh đạo lão thành từng công tác tại Quảng Nam qua các thời kỳ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Nhân kỉ niệm 43 năm giải phóng tỉnh Quảng Nam (24/3/1975 – 24/3/2018), ngày 24/3, tại thành phố Tam Kỳ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã về dự buổi gặp mặt cán bộ lãnh đạo lão thành từng công tác tại Quảng Nam qua các thời kỳ.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng về thăm, gặp gỡ các cán bộ lão thành tỉnh Quảng Nam qua các thời kỳ; trong đó nhiều người từng có thời gian dài cùng công tác với Thủ tướng tại địa phương. Thủ tướng khẳng định và bày tỏ lòng biết ơn những đóng góp quan trọng, trí tuệ và trách nhiệm của các vị cán bộ lãnh đạo lão thành trong thời kì kháng chiến và sự nghiệp tái thiết, phát triển tỉnh Quảng Nam.
Thủ tướng cho rằng, chính môi trường công tác tại địa bàn Quảng Nam, mảnh đất miền Trung đi lên từ khói lửa chiến tranh với bao khó khăn, trở ngại đã đào tạo, rèn luyện nên nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo các cấp cho Đảng, Nhà nước.
Bồi hồi nhắc lại câu thơ: “Dù cho sông cạn đá mòn, con tằm đến thác vẫn còn vương tơ”, Thủ tướng bày tỏ lòng biết ơn và nhấn mạnh tình cảm quê hương thiêng liêng luôn khắc sâu trong mỗi người con đất Quảng dù công tác, sinh sống, làm việc ở bất cứ nơi đâu nhưng vẫn luôn ghi nhớ về miền quê với những năm tháng rèn luyện, trưởng thành.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Nhân dịp này, thông tin đến các đại biểu về tình hình kinh tế, xã hội của đất nước, Thủ tướng nêu rõ, trên đà phát triển mạnh mẽ với nhiều kỷ lục chưa từng có của năm 2017, bước vào quý I năm 2018, kinh tế đất nước đang có những bước đi ổn định, chắc chắn và phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 6,7% trở lên trong năm 2018. Thủ tướng cũng nhắc đến những điều kiện thuận lợi như việc Việt Nam gia nhập Hiệp định CPTPP; năng lực sản xuất nông, lâm ngư nghiệp lớn sẽ là dư địa cho phát triển. Cùng với đó, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Chính phủ cũng luôn đảm bảo tốt công tác an sinh xã hội, phát triển văn hóa, cải cách giáo dục, nhất là giáo dục đại học.
Nhắc lại chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề cập đến những hạn chế của nền kinh tế cần được khắc phục trong thời gian tới như: Quy mô nền kinh tế còn hạn hẹp, chất lượng tăng trưởng chưa đạt yêu cầu đề ra trong bối cảnh xu hướng bảo hộ mậu dịch và diễn biến khó lường của kinh tế thế giới.
Trong số những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2018 và những năm tiếp theo, Thủ tướng khẳng định nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt đó là công tác phòng, chống tham nhũng; cùng với đó là những giải pháp, chủ trương phát triển kinh tế linh hoạt, phù hợp, ứng phó kịp thời diễn biến bất thường của kinh tế thế giới, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô trong nước, kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng.
Trên tinh thần đó, đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của Quảng Nam, Thủ tướng vui mừng trước việc Quảng Nam đã trở thành địa phương có đóng góp cho ngân sách của Trung ương từ năm 2017. Kinh tế của tỉnh phát triển dựa trên các trụ cột: Du lịch, công nghiệp, công nghiệp và nông nghiệp thông minh, là những lợi thế so sánh của tỉnh nhà; an sinh xã hội, công tác chăm sóc người có công được thực hiện tốt.
Chia sẻ với địa phương, Thủ tướng đề nghị cán bộ lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cần rút kinh nghiệm sâu sắc về những khuyết điểm, hạn chế đã mắc phải trong quá trình quản lý, điều hành; từ đó, tiếp tục đoàn kết nhất trí, đặt ra tầm nhìn phấn đấu tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế vào năm 2025, trở thành tỉnh khá giả về thu nhập. Bên cạnh đó, Quảng Nam cần phối kết hợp tốt với thành phố Đà Nẵng, Quảng Ngãi tạo nên cực tăng trưởng có sức lan tỏa về công nghiệp hiện đại và nông nghiệp thông minh, du lịch; coi ba lĩnh vực này có vai trò vững chắc trong xu hướng phát triển có tính chất bao trùm và bền vững của địa phương.
Thủ tướng mong muốn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Quảng Nam kế thừa truyền thống lịch sử hào hùng năm xưa; tiếp tục giữ vững đường lối cách mạng, lập trường giai cấp; phòng tránh các nguy cơ: Tụt hậu, diễn biến hòa bình và nhất là nguy cơ mất niềm tin.
Chỉ ra những hạn chế của địa phương như: Vẫn còn tụt hậu, nguy cơ đói nghèo khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, Thủ tướng đề nghị Quảng Nam đẩy mạnh cải cách hành chính; tạo mọi điều kiện để người dân giải phóng sức sản xuất. Đi liền với đó là tiếp tục thực hiện tốt các khâu đột phá mà địa phương cần quan tâm như hạ tầng, nguồn nhân lực và chính sách, phương thức quản lý.
Theo báo cáo của địa phương, năm 2017, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 19.800 tỷ đồng. Quảng Nam đã trở thành địa phương có mức nộp ngân sách đứng thứ 13 trong các tỉnh, thành điều tiết số thu cho ngân sách Trung ương. Chỉ số CPI của năm 2017 tăng 3 bậc: Từ thứ 10 (năm 2016) lên thứ 7 (năm 2017). Nhiều công trình, dự án quan trọng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Khu lưu niệm Cố Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công; Trung tâm Hành chính công và Xúc tiến đầu tư tỉnh; Cầu Giao Thủy; đường ĐT 610 từ Mỹ Sơn đi Nông Sơn; đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (đoạn Quảng Nam); Nhà máy ô tô Buýt Thaco.
Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã tập trung triển khai thực hiện Thông báo số 358 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, theo đó, Quảng Nam đã tập trung tổ chức kiểm điểm, tự phê bình và phê bình nghiêm túc, với tinh thần cầu thị, thẳng thắn để sửa sai, từ đó rút ra những kinh nghiệm sâu sắc trong lãnh đạo, điều hành và đã báo cáo Trung ương đúng quy định, được Trung ương đánh giá nghiêm túc. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy đã tổ chức nghiên cứu, triển khai các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 và 6 bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể. Đặc biệt, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch tổng thể để thực hiện các Nghị quyết của Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục