Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải tạo chuyển biến rõ nét hơn trong cơ cấu lại nông nghiệp

15:41' - 04/01/2018
BNEWS Năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành nông nghiệp phải đạt tăng trưởng 3%, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 40 tỷ USD...

Tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 4/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phải tạo được chuyển biến rõ nét hơn, thực chất hơn trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo ngành nông nghiệp phải tạo chuyển biến rõ nét hơn trong cơ cấu lại ngành. Ảnh: Khương Lực

"Ngành nông nghiệp phải tập trung phát triển hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, tận dụng tốt cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Cùng với đó, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với nâng cao năng lực sản xuất, đời sống vật chất, tinh thần của người dân và đưa năng suất lao động nông nghiệp lên cao hơn. Đây không chỉ là yêu cầu trong năm 2018 mà cả trong những năm tiếp theo của ngành", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả ngành nông nghiệp đạt được trong năm 2017 trong điều kiện thiên tai lũ lụt kỷ lục và nghiêm trọng, nhưng ngành đã vượt chỉ tiêu đề ra. Tăng trưởng ngành đã đạt gấp 2 lần năm 2016, đặc biệt là một số ngành hàng như, rau củ quả, thủy sản, chế biến gạo… tăng cao.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng tái cơ cấu ngành vẫn chưa mạnh mẽ, trồng trọt theo thói quen vẫn phổ biến ở nông thôn. Vi phạm trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản vẫn còn rất lớn. Tình trạng sản xuất nông nghiệp bị động vẫn xảy ra, được mùa mất giá vẫn là nỗi lo của đất nước. Điều này đặt ra vấn đề quy hoạch, dự báo thị trường… Bên cạnh đó, năng suất lao động trong nông nghiệp còn thấp, kéo theo năng suất lao động của đất nước xuống thấp. Còn một bộ phận không nhỏ ở nông dân, diêm dân, ngư dân, vùng núi, vùng cao, dân tộc còn khó khăn…
Là một trong những địa phương được xem là có những bước đi trong tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng, có hai điểm nghẽn vẫn tồn tại với ngành đó là chi phí sản xuất cao và chất lượng nông sản còn kém. Do đó, phải tạo kinh tế hợp tác đủ mạnh mới giải quyết được chi phí sản xuất. Khi hợp tác xã hoạt động đúng bản chất, mang lại lợi ích của thành viên thì mới nâng cao chất lượng nông sản, mới tiếp cận được nông nghiệp 4.0.
Năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành nông nghiệp phải đạt tăng trưởng 3%, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 40 tỷ USD, có 52 huyện và 37% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đây là mục tiêu nặng nề đối với toàn ngành. Do đó, để thực hiện thành công kế hoạch 2018, yêu cầu ngành nông nghiệp ngay từ đầu năm triển khai đồng bộ các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.
"Toàn ngành và địa phương phải quán triệt thực hiện nghiêm 10 chữ là: “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. Các địa phương và ngành nông nghiệp phải xây dựng hệ thống chỉ tiêu cụ thể để phục vụ cho chỉ đạo, điều hành", Thủ tướng nói.
Bài học lớn rút ra từ kết quả năm 2017 là sự vào cuộc quyết liệt các ngành, địa phương rất quan trọng, nếu không chủ trương sẽ nằm trên giấy. Toàn ngành phải quán triệt chủ trương để hành động, đừng nghiên cứu lý thuyết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, năm 2018 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 – 2020 của cả nước và của ngành. Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, ngành nông nghiệp xác định tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển đất nước.
Triển khai ngay từ đầu năm Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, ngành tiếp tục đẩy mạnh việc cơ cấu lại, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với quy mô lớn hơn phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường kết nối chặt chẽ hơn với mạng lưới tiêu thụ toàn cầu; coi trọng ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, khuyến khích sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.
Cùng với đó là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi hơn nữa cho phát triển doanh nghiệp, kinh tế hợp tác; tiếp tục nâng cao năng lực phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả hơn và thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.
Về cơ cấu lại ngành, các đơn vị thuộc bộ, các địa phương tiếp tục rà soát quy hoạch, đánh giá lợi thế, tiềm năng để xây dựng cơ cấu sản phẩm theo 3 trục sản phẩm: nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm cấp tỉnh/thành phố và nhóm đặc sản làng/xã để có giải pháp chỉ đạo cụ thể; đồng thời, chú trọng phát triển thị trường tiêu thụ kịp thời, hiệu quả nông sản.
Năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm để tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho xuất khẩu và tiêu thụ hàng nông sản; giải quyết tốt hơn những bức xúc của xã hội về vấn đề an toàn thực phẩm, bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2017 tăng 2,9% (nếu không bị thiệt hại nặng bởi các cơn bão 10, 12 thì khả năng sẽ tăng trên 3%), giá trị sản xuất tăng 3,16% so với năm 2016.
Trong năm qua, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 36,37 tỷ USD, đạt mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 13% so với năm 2016; thặng dư thương mại đạt 8,55 tỷ USD, tăng khoảng 1,1 tỷ USD so với năm 2016.
Nhiều mặt hàng có kim ngạch tăng cao như: rau quả, cao su, gạo, điều, tôm, đồ gỗ và lâm sản…. Vẫn duy trì 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên; trong đó, có 5 mặt hàng (tôm, trái cây, hạt điều, cà phê và đồ gỗ) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.
Đến hết năm, cả nước có 2.884 xã và 43 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn, tăng 524 xã và 13 huyện so với năm 2016; bình quân đạt 13,7 tiêu chí/xã./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục