Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Thủ lĩnh thanh niên phải dấn thân đi đầu

14:44' - 13/12/2017
BNEWS Ngày 13/12, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI bước vào phiên làm việc thứ 6, ra mắt Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Ban Bí thư Trung ương Đoàn khoá XI, nhiệm kỳ 2017 - 2022.
Lễ Bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ 2017-2022. Ảnh: TTXVN
Đây cũng là phiên làm việc cuối cùng của Đại hội. Đại hội vinh dự đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và phát biểu chỉ đạo. 

Trước đó, Đại hội đã bầu ra 151 đại biểu tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khoá XI. Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khoá XI đã tổ chức hội nghị lần thứ nhất bầu ra Ban Thường vụ với 31 ủy viên, bầu Ban Bí thư với 4 thành viên. Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn khoá X Lê Quốc Phong tái đắc cử Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn khoá XI. Ba Bí thư Trung ương Đoàn khóa X gồm: Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Ngọc Lương và Bùi Quang Huy cũng tái đắc cử Bí thư Trung ương Đoàn khóa XI. 

Trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự Đại hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn khoá XI Lê Quốc Phong đã cùng ký Nghị quyết liên tịch về Quy chế phối hợp công tác của Chính phủ và Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giai đoạn 2017 – 2022. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ bế mạc. Ảnh: TTXVN
Theo đó, Nghị quyết liên tịch sẽ có 9 điều với 43 nhiệm vụ phối hợp công tác giữa Trung ương Đoàn và các bộ, ngành. Nghị quyết có mục tiêu phát huy tính xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, tập trung trong các lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, lao động sáng tạo. Các hoạt động xung kích, tình nguyện sẽ hướng tới các địa bàn khó khăn miền núi, biên giới, hải đảo. 

Phát biểu trước các đoàn viên thanh niên ưu tú về dự Đại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng khi đến dự phiên bế mạc Đại hội và chứng kiến việc ký Nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ và Đoàn Thanh niên. 

Đánh giá về Đại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đại hội đã được tổ chức tốt cả về nội dung và hình thức, có sức thu hút cao, đưa phong trào công tác Đoàn, phong trào thanh niên đi vào chiều sâu, đặc biệt là tổ chức 8 diễn đàn thảo luận chất lượng tốt. Đáng chú ý, Đại hội ứng dụng công nghệ và có nhiều nội dung đổi mới, thể hiện cả truyền thống và hiện đại, được người dân và các tầng lớp thanh niên cả nước đặc biệt quan tâm. Thủ tướng hoan nghênh Đại hội đã bầu được Ban Chấp hành khóa mới đủ số lượng, mạnh về chất lượng, có cơ cấu tốt. Đây chính là tiền đề và ấn tượng tốt để tổ chức thực hiện thành công nhiệm vụ trong 5 năm tới. 

Nhận xét về kết quả công tác phối hợp giữa Đoàn Thanh niên với Chính phủ và các cấp chính quyền, Thủ tướng đặt yêu cầu cần có một chế độ làm việc định kỳ giữa Chính phủ và Trung ương Đoàn, chính quyền các cấp để tạo cơ chế lắng nghe kiến nghị của thanh niên một cách thường xuyên, liên tục hơn. 

“Bản thân Thủ tướng và các Phó Thủ tướng trong các nhiệm kỳ và nhiệm kỳ này thường xuyên gặp gỡ, thẳng thắn trao đổi với thanh niên, dù sự kiện diễn ra ở miền núi xa xôi ở phía Bắc hay miền Trung,... nhằm tạo điều kiện, thu hút mạnh mẽ hơn giới trẻ tham gia xây dựng Tổ quốc", Thủ tướng bày tỏ. 

Thủ tướng cũng thẳng thắn nhận xét, công tác phối hợp với tổ chức Đoàn nhiều địa phương làm tốt nhưng cũng còn một số địa phương làm chưa tốt, còn nhiều vấn đề tồn tại phải khắc phục như: Công tác giáo dục lý tưởng cho thanh niên; việc gương mẫu, nêu gương của cán bộ; việc giải quyết việc làm cho thanh niên; vấn đề xâm hại, bảo vệ trẻ em; việc triển khai xây dựng các thiết chế văn hoá, sân chơi cho thanh thiếu nhi… phải tập trung khắc phục trong 5 năm tới. 

Thông tin đến Đại hội về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước năm 2017, Thủ tướng nêu rõ mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhất là hậu quả nặng nề của mưa lũ nhưng tiềm lực quốc gia vẫn được tăng cường, cân đối kinh tế được giữ vững, vấn đề xã hội, cải cách giáo dục, an sinh xã hội được quan tâm tốt hơn. 

Theo Thủ tướng, đất nước phát triển, tỷ lệ nghèo đói giảm nhanh là điều rất đáng mừng, nhưng nguy cơ tụt hậu vẫn rất lớn, đất nước vẫn phải đối mặt với đe dọa từ diễn biến hoà bình, nạn tham nhũng, tiêu cực. 

Mong muốn “các bạn trẻ phải nhận ra vấn đề này tốt hơn”, Thủ tướng đặt câu hỏi về lý tưởng sống của giới trẻ và khẳng định, đất nước đặt trọn niềm tin vào thế hệ trẻ. Do đó, tuổi trẻ cả nước phải cống hiến cho học tập, lao động, “quên mình để chống tụt hậu”. 

Kỳ vọng thanh niên phải là người đi tiên phong, dấn thân trong mọi lĩnh vực. Thủ tướng tin tưởng nhiều bạn trẻ sẽ là “chiến binh khởi nghiệp, chiến binh công nghệ, chiến binh thương mại toàn cầu và chiến binh kiên cường giữ gìn bờ cõi quốc gia”. Hàng nghìn năm lịch sử giữ nước đã chứng minh hoàn toàn có thể đặt niềm tin giới trẻ có thể lập chiến công trong thể kỷ 21, Thủ tướng bày tỏ. 

Từ niềm tin vững chắc đó, Thủ tướng đề nghị đoàn viên, thanh niên cần bám sát nhiệm vụ chính trị, thu hút, động viên thanh niên tham gia ngày càng tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; phát huy vai trò xung kích "việc cần thanh niên có, việc khó có thanh niên”. 

Thủ tướng đặt ra yêu cầu triển khai nhiều cơ chế chính sách, đặc biệt ở cấp Chính phủ, nhất là chính sách lớn cho khởi nghiệp, lập nghiệp cho lớp trẻ. 

Nói về sự sôi động của phong trào khởi nghiệp cả nước với ước tính có đến trên 120.000 doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2017 mà phần lớn là người trẻ, Thủ tướng mong đợi thanh niên đóng góp quan trọng hơn nữa vào hoạt động này, hiện thực hóa mục tiêu thành lập thêm nửa triệu doanh nghiệp đến năm 2020 để Việt Nam có trên 1 triệu doanh nghiệp. 

Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ tập trung rà soát, không ngừng hoàn thiện chính sách thanh niên; ban hành mới cơ chế chính sách khuyến khích thanh niên khởi nghiệp, giải quyết việc làm và những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội. 

Khẳng định, Chính phủ xác định phát triển nền kinh tế số, thông minh là vấn đề chiến lược để nâng cao năng suất, chất lượng lao động của quốc gia và thu nhập của người dân, Thủ tướng đề nghị tổ chức Đoàn hỗ trợ mạnh mẽ để thanh niên, học sinh, sinh viên học tập, nghiên cứu khoa học, chuẩn bị hành trang bước vào thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. 

Kể lại câu chuyện với Chủ tịch Tập đoàn Alibaba Jackma và chuyến đi công tác ở Hà Giang, chứng kiến thanh niên vùng cao sử dụng điện thoại để thanh toán online, Thủ tướng đề nghị thanh niên phải chủ động áp dụng công nghệ hiện đại “phải đi đầu trong việc ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0”. 

Thủ tướng cũng mong muốn Đoàn Thanh niên tích cực hơn nữa trong công tác giáo dục, bảo vệ trẻ em “không thể để trẻ em bị đối xử bạo hành, xâm hại tiếp tục xảy ra như trong thời gian qua”, Thủ tướng nêu rõ. 

Thủ tướng cũng lưu ý đến tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục đối với thanh niên và cho rằng đây tuy là phương pháp “cổ điển nhưng rất có ý nghĩa, vì nếu tuyên truyền không đúng, chệnh hướng sẽ rất nguy hiểm”. 

Thủ tướng giao các bộ, ngành địa phương có trách nhiệm phối hợp thực hiện tốt Nghị quyết liên tịch về Quy chế phối hợp công tác của Chính phủ và Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giai đoạn 2017 – 2022. 

Gửi gắm niềm tin sâu sắc vào một thế hệ cán bộ Đoàn sau Đại hội lần thứ XI sẽ luôn nhiệt huyết, sáng tạo, dám đột phá, Thủ tướng nêu rõ: “Thanh niên nói chung và thủ lĩnh thanh niên nói riêng không thể là những người cơ hội, năng lực yếu, đề cao lợi ích cá nhân, mà phải là người dám dấn thân đi đầu”. 

Nhắc lại những câu nói của cha ông: “1 cây làm chẳng lên non, 3 cây chụm lại nên hòn núi cao”, Thủ tướng đề nghị các cấp bộ Đoàn trong quá trình chỉ đạo hoạt động hãy hướng thanh niên tới giá trị cốt lõi trung thành, sáng tạo, khát vọng, dấn thân, trách nhiệm; “không để Đoàn đi sau và chậm hơn thanh niên”, Thủ tướng lưu ý. 

Thủ tướng bày tỏ tin tưởng sau Đại hội lần này, công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhiều đột phá. “Đoàn thanh niên sẽ hoàn thành sứ mệnh to lớn được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó”, Thủ tướng kỳ vọng./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục