Thủ tướng Pháp công bố các biện pháp hỗ trợ giới trẻ tìm việc làm

06:35' - 12/04/2016
BNEWS Thủ tướng Pháp đã đưa ra những đề xuất hỗ trợ người lao động trong cuộc gặp với 8 tổ chức phản đối dự luật lao động mới, trong đó có hiệp hội sinh viên lớn nhất nước UNEF.
Thủ tướng Pháp công bố các biện pháp hỗ trợ giới trẻ tìm việc làm. Ảnh: Reuters

Trước các cuộc biểu tình quy mô lớn diễn ra tại Pháp nhằm phản đối dự luật sửa đổi Luật Lao động được chính phủ nước này đưa ra tại phiên họp tháng 2 vừa qua của Hội đồng Nhà nước, ngày 11/4, Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã công bố một loạt biện pháp nhằm hỗ trợ giới trẻ tìm được việc làm.

Thủ tướng Valls đã đưa ra những đề xuất hỗ trợ người lao động trong cuộc gặp với 8 tổ chức phản đối dự luật lao động mới, trong đó có hiệp hội sinh viên lớn nhất nước UNEF.

Những biện pháp trên, ước tính có chi phí lên đến 500 triệu euro/năm (tương đương 570 triệu USD), bao gồm một sáng kiến nhằm khuyến khích giới chủ doanh nghiệp thuê những người lao động trẻ tuổi theo hợp đồng toàn thời gian thay vì bán thời gian.

Những người sử dụng lao động bắt buộc phải trả các khoản thuế bổ sung đánh vào các hợp đồng ngắn hạn nhằm khuyến khích họ thuê người lao động theo hợp đồng dài hạn.

Một đề xuất khác là các sinh viên mới tốt nghiệp sẽ được gia hạn các trợ cấp học tập thêm 4 tháng nhằm giúp họ vượt qua khó khăn cho đến khi tìm được việc làm. Chính phủ Pháp tin tưởng sẽ có khoảng hơn 120.000 sinh viên có thể hưởng lợi từ biện pháp này.

Những biện pháp được Thủ tướng Valls công bố đã nhận được sự hoan nghênh của UNEF, cho rằng đây là "một phản ứng đúng đắn đối với nhu cầu của người dân", song tổ chức này không loại trừ khả năng sẽ tham gia cuộc biểu tình lớn tiếp theo trên phạm vi toàn quốc vào ngày 28/4 tới.

Trước đó, hôm 9/4 vừa qua, hơn 200 cuộc biểu tình phản đối việc sửa đổi Luật Lao động tập hợp khoảng 120.000 người đã diễn ra tại nhiều thành phố trên toàn nước Pháp như Paris, Marseille, Rennes, Strasbourg, Toulouse...

Đây là cuộc biểu tình quy mô lần thứ sáu diễn ra tại Pháp kể từ khi dự luật lao động mới được chính phủ đưa ra. Cuộc biểu tình được 4 tổ chức công đoàn gồm CGT, FO, Solidaires, FSU và 3 hiệp hội học sinh, sinh viên gồm UNEF, UNL, FIDL khởi xướng.

Tình trạng căng thẳng liên quan tới dự luật này diễn ra hơn một tháng qua tại Pháp. Mặc dù Chính phủ Pháp đã công bố nhiều điểm sửa đổi trong dự luật sau các cuộc trao đổi trực tiếp với đại diện các tổ chức công đoàn và hiệp hội học sinh, sinh viên, và các phiên thảo luận tại Quốc hội, nhưng các cuộc biểu tình phản đối vẫn tiếp diễn. Dự luật bị chỉ trích vì đã có những điều chỉnh có lợi cho giới chủ.

Thủ tướng Valls và Bộ trưởng Bộ Lao động Myriam El Khomri cũng khẳng định nhiều lần rằng với việc sửa đổi Luật Lao động, chính phủ muốn giới chủ linh hoạt hơn, khuyến khích các doanh nghiệp tăng tuyển dụng người lao động khi họ ít bị rằng buộc hơn bởi các khoản đóng góp và bồi thường cho người lao động.

Tuy nhiên, các tổ chức công đoàn đã phản ứng lại và cho rằng các quy định cho phép doanh nghiệp dễ dàng sa thải nhân công là làm phương hại đến lợi ích của người lao động./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục