Thừa Thiên - Huế chăm sóc bưởi thanh trà bị ngập úng sau lũ lụt

09:24' - 22/01/2018
BNEWS Bưởi thanh trà là cây đặc sản có giá trị kinh tế cao của tỉnh Thừa Thiên - Huế được trồng trên đất phù sa bồi hàng năm ven các dòng sông như sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu, sông Truồi...
Thừa Thiên - Huế chăm sóc bưởi thanh trà bị ngập úng sau lũ lụt. Ảnh: Quốc Việt/BNEWS/TTXVN

Thanh trà thường ra hoa vào tháng 1, 2 và thu hoạch vào tháng 9, 10 cùng năm, nên thời điểm chăm sóc từ sau thu hoạch đến thời điểm ra hoa là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, khoảng thời gian này ở Thừa Thiên - Huế là mùa mưa kéo dài và thường ngập lụt kèm theo gió bão làm cho rễ cây bị hư do thiếu oxy, ngộ độc, bệnh dịch bùng phát,… nếu không chủ động và chăm sóc để cho tình trạng này kéo dài sẽ làm cho sức khỏe của cây suy giảm nghiêm trọng và có thể chết hàng loạt.
Theo Trung tâm khuyến nông tỉnh Thừa Thiên - Huế, để cây bưởi thanh trà phát triển tốt, cho năng suất, người trồng bưởi cần chủ động thiết kế, xây dựng hệ thống mương tiêu nước; đồng thời cần nạo vét, duy tu, sửa chữa hệ thống tưới tiêu để khi cần thiết sẽ dễ dàng tiêu thoát nước, chăm sóc vườn bưởi cây. Đồng thời, cắt tỉa các cành già, chồi vô hiệu để hạn chế tiêu hao chất dinh dưỡng kết hợp chống, giữ cố định cây trong mùa mưa bão.
Trường hợp nếu gặp mưa lũ kéo dài, vườn cây bị ngập úng, bằng mọi biện pháp nhanh chóng tiêu nước để tránh không cho vườn cây bị ngập kéo dài trên 3 ngày; tiến hành kiểm tra mực nước ngầm và tạo mương phụ đối với các vườn cây thanh trà để đảm bảo mực nước ngầm thấp nhất, giúp cho bộ rễ cây hoạt động tốt.
Giai đoạn này, người làm vườn hạn chế làm cỏ hoặc phun thuốc diệt cỏ trong mùa mưa vì cỏ là những bơm sinh học làm tầng đất sâu mau khô ráo, hạn chế đi lại làm cho đất bị đóng váng. Tăng cường bón vôi vào đầu hay cuối mùa mùa mưa là điều rất cần thiết, bởi vôi có tác dụng giải phóng các dinh dưỡng bị keo đất giữ chặt, hoá giải các độc tố trong đất, cung cấp canxi trực tiếp cho cây, làm cho chất lượng trái ngon hơn.
Kinh nghiệm của người làm vườn các vùng trồng thanh trà nổi tiếng như phường Thuỷ Biều (thành phố Huế), xã Lộc Hoà (huyện Phú Lộc), phường Hương Vân thị xã Hương Trà) là không nên bón nhiều phân đạm trong mùa mưa vì sẽ dễ kích thích cây ra chồi non, và khi vườn cây bị ngập úng sẽ tiêu hao nhiều dinh dưỡng, làm cho cây dễ bị suy yếu; kể cả phân hữu cơ, vì phân hữu cơ sẽ làm cho các vi sinh vật trong đất hoạt động mạnh, tiêu hao nhiều oxy và khi đất bị ngập úng thì rễ cây sẽ không có đủ oxy để hô hấp; nếu cần thiết cỏ thể phun phân bón lá và ap dụng các biện pháp tổng hợp để phòng trừ sâu bệnh hại, trong đó chú ý phòng trừ bệnh do nấm phytophthora gây ra, sâu bệnh hại trên chồi non, hoa.
Ngoài ra, chủ vườn cần phải thực hiện quản lý, chăm sóc bưởi thanh trà đúng quy trình kỹ thuật thâm canh bền vững; tiến hành chăm sóc sớm ngay sau khi thu hoạch nhằm giúp cho cây bưởi phát triển khỏe.

Điều quan trọng nhất của việc chăm sóc cây bưởi thanh trà trong mùa mưa đó là bảo vệ cho được bộ rễ ít bị tổn thương nhất để giúp cây có khả năng chống chịu với những bất lợi trong mùa mưa lũ thì sẽ phục hồi nhanh sau khi nước rút và cây đủ sức ra hoa tốt.
Hiện nay, Thừa Thiên - Huế phát triển diện tích trồng cây thanh trà lên 1.100 ha, chủ yếu trên đất phù sa bồi dọc theo sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu. Các huyện, thị xã có diện tích trồng cây thanh trà lớn như: Hương Trà 481ha; Phong Điền 258ha; Quảng Điền 50ha, Phú Lộc 60ha và thị xã Hương Thủy 105ha... Phường Thủy Biều, thành phố Huế, có 140/147 ha thanh trà vào vụ thu hoạch năm 2017 cho sản lượng 900 tấn; doanh thu đạt 27 tỷ đồng; bình quân mỗi ha cho thu hoạch 200 triệu đồng.
Trong những năm qua, thanh trà đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo của hàng nghìn hộ nông dân ở Thừa Thiên - Huế. Sắp tới, ngoài việc mở rộng diện tích, cần có sự liên kết giữa các hộ gia đình có vườn cây, giữa các địa phương có trồng cây thanh trà để học hỏi kinh nghiệm, tổ chức liên kết sản xuất thành vùng có sản phẩm hàng hóa, có đầu mối liên kết thị trường tiêu thụ.
Để xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang đôn đốc các địa phương, các hộ trồng thanh trà cần bổ sung dinh dưỡng cho đất, bón thêm phân chuồng, phân xanh, phân vi sinh để tăng hàm lượng mùn trong đất, bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho cây thanh trà để cây phát triển tốt, cho quả to, quả đồng đều, có chất lượng.

Mặt khác, cần áp dụng các biện pháp bón phân vô cơ cân đối, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây theo yêu cầu dinh dưỡng cho từng lứa tuổi, từng thời kỳ để đạt năng suất cao, chất lượng tốt. Sử dụng phân bón và áp dụng nguyên tắc 4 đúng: đúng lượng, đúng phân, đúng lúc, đúng cách.
Tùy điều kiện, tập quán canh tác của mỗi địa phương để bón phân và chăm sóc, tỉa cành, tạo tán, tỉa trái, bao trái... phù hợp. Đặc biệt là đầu tư xây dựng các vườn thanh trà sản xuất theo VietGAP ( thực hành nông nghiệp tốt) để trong tương lai thanh trà Huế có thể thâm nhập thị trường rộng rái và phong phú hơn.../.

>>> Trồng bưởi da xanh cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục