Thúc đẩy hợp tác ngoại thương giữa Việt Nam – Cuba

14:45' - 29/06/2016
BNEWS Ngày 29/6, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam (VCCI) phối hợp với Đại sứ quán Cuba tại Hà Nội tổ chức buổi Gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam - Cuba.
Gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam - Cuba. Ảnh: Thạch Huê/BNEWS/TTXVN

Sự kiện nhằm tạo cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam được cập nhật thông tin về kinh tế, tổng quan ngoại thương Cuba trong thời kỳ đổi mới.

Đồng thời là dịp để các doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ trực tiếp và trao đổi thông tin với Tập đoàn Gecomex - tập đoàn xuất nhập khẩu hàng đầu, với hơn 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của Cuba để kết nối kinh doanh và mở rộng thị trường. 

Ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI nhận định, quan hệ ngoại giao, kinh tế và trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Cuba đã có truyền thống từ lâu đời và đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận.

Hai bên cũng đã ký hàng loạt điều ước kinh tế - thương mại như Hiệp định về trao đổi thương mại và các hình thức hợp tác kinh tế khác (ký năm 1996); Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (1995); Hiệp định về hợp tác du lịch (1999); Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực kiểm dịch và bảo vệ thực vật; Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế thu nhập (2002)…

Tuy nhiên, xét về tiềm năng và thế mạnh kinh tế giữa hai quốc gia, thì những kết quả đạt được còn chưa thực tương xứng, ông Khương nhấn mạnh.

Năm 2015, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Cuba đạt 235 triệu đô la Mỹ; trong đó, Việt Nam xuất siêu hơn 90% các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là lương thực, gạo, ngũ cốc, bánh kẹo, giày dép các loại, gốm sứ, sản phẩm vệ sinh, vật liệu xây dựng, than, dệt may, hóa chất… và nhập khẩu từ Cuba một số loại thuốc tân dược và thực phẩm chức năng…

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch Đầu tư, tính đến tháng 12/2015, Cuba có 1 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 66 triệu USD, đứng thứ 75/100 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.

Về phía Việt Nam, cũng đang có những doanh nghiệp hàng đầu đang triển khai dự án lớn tại Cuba như Tổng Công ty thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP) thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam; Tổng Công ty Viglacera; Công ty Hanel; Công ty thương mại và đầu tư Thái Bình; Công ty TNHH Điện hơi Tín Thành…

Đại sứ Cuba tại Hà Nội, ông Herminio Lopez Diaz cho biết, nhằm mở rộng quan hệ đối tác, tìm kiếm các nhà cung cấp mới trong lĩnh vực thực phẩm, hàng tiêu dùng, hóa chất, phân bón, sắt, giấy, nhựa, sơn, máy móc nông/công nghiệp, phương tiện vận tải, lốp ô tô, máy công nghiệp… cũng như giới thiệu các sản phẩm có thế mạnh xuất khẩu của Cuba, tập đoàn xuất nhập khẩu hàng đầu của Cuba như Tập đoàn Gecomex cùng đại diện 21 công ty thành viên đã tham gia sự kiện Gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam – Cuba.

Tháng 12/2014, Cuba và Hoa Kỳ đã bình thường hóa quan hệ song phương sau 50 năm gián đoạn và tháng 3/2016 Cuba cũng vừa ký kết thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Liên minh châu Âu (EU). Đây chính là điều kiện tốt để doanh nghiệp Cuba phát triển kinh tế khi cánh cửa hội nhập sâu rộng với thế giới đã mở ra cho mọi người dân.

Ông Herminio Lopez Diaz nhấn mạnh, Chính phủ Cuba luôn mong muốn đồng hành với các doanh nghiệp Việt Nam vì sự phát triển, thịnh vượng của Cuba, cũng như sự phát triển lâu dài, bền vững trong quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa 2 nước.

Giới thiệu về Tập đoàn Gecomex, ông Aurelio Mollineda, Tổng giám đốc Tập đoàn Gecomex cho biết, doanh nghiệp có quy mô lớn hàng đầu và duy nhất tại Cuba với các hoạt động ngoại thương chuyên ngành.

Doanh thu hàng năm của Gecomex đạt hơn 4 tỷ đô la Mỹ/năm với nhiều lĩnh vực chủ yếu như xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ; tuyển dụng lao động cho các công ty nước ngoài hoạt động tại Cuba; tuyển dụng lao động kỹ thuật làm việc tại nước ngoài; dịch vụ tư vấn và kiểm toán; dịch vụ kiểm tra hàng hóa; dịch vụ giao nhận vận tải; nhập và xuất hàng viện trợ liên quan đến hợp tác quốc tế cùng các dịch vụ khác theo yêu cầu của khách hàng và nhà cung cấp…

Hiện tại Gecomex đang xuất khẩu chủ yếu là nông sản như đường, cà phê, mật ong, than củi, cacao…. nhập khẩu phần lớn các mặt hàng, sản phẩm lương thực, nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng, hàng bán thành phẩm, phân bón, thuốc trừ sâu, các phương tiện, vận tải phụ tùng, kim loại, giấy và bìa, nhựa dẻo, máy móc và công cụ nông nghiệp, sản phẩm hóa học, thiết bị công nghiệp, sơn….

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục