Thực hiện khung trình độ quốc gia Việt Nam: Xây dựng chuẩn đầu ra còn khó khăn

19:28' - 24/02/2017
BNEWS Ngày 24/2, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng Anh phối hợp cùng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ, TB và XH) tổ chức tọa đàm chính sách “Xây dựng và thực hiện khung trình độ quốc gia Việt Nam”.

Tại buổi tọa đàm, chuyên gia đến từ Vương quốc Anh đã chia sẻ kinh nghiệm thực hiện khung trình độ quốc gia tại Anh; kinh nghiệm xây dựng chuẩn đầu ra và áp dụng chuẩn đầu ra một cách hệ thống, bám sát khung trình độ, gắn kết với thị trường lao động và việc làm, liên kết giữa giáo dục nghề và đại học...

Về phía Việt Nam, các nhà quản lý và chuyên gia đã trao đổi các khó khăn và thách thức của Việt Nam trong quá trình xây dựng chuẩn đầu ra, từ đó khuyến nghị các bước tiếp theo cần triển khai trong khi thực hiện khung trình độ quốc gia tại Việt Nam.

Khung trình độ quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 10/2016, với cấu trúc 8 bậc trình độ: Sơ cấp (ba bậc), trung cấp, cao đẳng, đại học, Thạc sĩ và Tiến sĩ.

Mỗi bậc học có yêu cầu riêng về khối lượng kiến thức và kỹ năng cần đạt được.

 Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Việc phê duyệt khung trình độ quốc gia là một dấu mốc quan trọng để tham chiếu bằng cấp của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Đồng thời, đây cũng là cơ sở để phát triển các tiêu chuẩn đào tạo, chương trình và là thước đo đánh giá năng lực của người học sau khi tốt nghiệp, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hội nhập quốc tế.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong quá trình xây dựng khung trình độ thì chuẩn đầu ra là yếu tố then chốt mà Việt Nam cần chú ý.

Tuy nhiên, việc xây dựng chuẩn đầu ra còn nhiều khó khăn như: Đảm bảo tính liên thông về trình độ giữa các cấp học; tính cập nhật để phù hợp với sự thay đổi liên tục của ngành nghề; việc kiểm định chuẩn đầu ra...

Theo ông Stirling Wood, chuyên gia đến từ Vương quốc Anh, để đảm bảo hiệu quả, chuẩn đầu ra nên được chia nhỏ theo từng tiêu chuẩn kỹ năng cụ thể.

Điều này giúp tất cả các bên liên quan nắm rõ chuẩn đầu ra cũng như tiêu chí đánh giá, tránh những mơ hồ khi thực hiện.

Khi quy định chuẩn đầu ra được sử dụng thống nhất trong tất cả các tổ chức đào tạo và được kiểm định liên tục thì giá trị quy chuẩn trong việc chuẩn hóa đầu ra là rõ ràng.

Với hệ thống chuẩn đầu ra tương ứng với khung trình độ như vậy, nhân lực của một quốc gia sẽ có lợi thế cạnh tranh rất lớn khi ứng tuyển quốc tế.

Cùng với đó, nhiều chuyên gia khuyến nghị, để khung trình độ quốc gia đi vào thực tế thì sự tham gia của các tổ chức, các doanh nghiệp sử dụng nhân lực là điều kiện bắt buộc.

Việt Nam cũng cần tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm và cách thực hiện từ các quốc gia tiên tiến.

Qua đó, giúp Việt Nam tiết kiệm nguồn lực trong quá trình đổi mới giáo dục, chuẩn hóa trình độ và tăng cường năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục