Thực phẩm an toàn: Không phải câu chuyện "Phong trào"!

11:41' - 02/11/2015
BNEWS Chưa cần Hiệp định TPP, nếu thực phẩm chăn nuôi Việt Nam mà nhiều chất cấm thì chắc chắn sẽ thua trên sân nhà bởi người tiêu dùng có thể chuyển sang sử dụng sản phẩm khác.
Nông trường trồng rau sạch của VinEco. Ảnh: VinGroup

Những ngày gần đây, các khách hàng của Tập đoàn VinGroup không khỏi ngỡ ngàng khi nhận được những giỏ quà là sản phẩm rau sạch đa chủng loại với chất lượng tốt và mẫu mã bắt mắt. Động thái này là thông điệp mà VinGroup gửi tới người tiêu dùng về một chiến lược kinh doanh mới mà Tập đoàn này đang xây dựng.

Với khát vọng mạng lại cuộc sống có chất lượng hơn cho người Việt, tập đoàn VinGroup vốn nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản đã quyết định đầu tư cho dự án sản xuất rau quả công nghệ cao. Thông tin gây bất ngờ cho không ít người vốn nghĩ cái tên VinGroup luôn gắn với những dự án "khủng" bất động sản.

Trong một cuộc gặp gỡ báo chí, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn này từng chia sẻ tâm sự mong muốn nâng cao chất lượng sống của cộng đồng, nhất là khi chứng kiến những người bạn đồng trang lứa, có người đã từng mất vì căn bệnh ung thư, mà một trong những lý do bắt nguồn từ vệ sinh an toàn thực phẩm quá kém.

Từ đầu tháng 10 năm nay, 30 tấn rau an toàn mang thương hiệu VinEco đã có mặt trên hệ thống siêu thị Vinmart, Vinmart+ mỗi ngày, góp phần mang đến những sản phẩm sạch, an toàn trong các bữa ăn của người Việt .

Tất cả các loại rau - củ - quả của công ty đều được gieo trồng trên các nông trường của VinEco tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Củ Chi (Tp. Hồ Chí Minh) và Long Thành (Đồng Nai).

Rau được trồng trong nhà kính theo công nghệ của Nhật Bản và Israel – những quốc gia nổi tiếng thế giới về cung ứng công nghệ cao cho sản xuất nông nghiệp. Dự kiến từ nay tới cuối năm 2015, VinEco sẽ cung ứng cho thị trường khoảng gần 4.000 tấn rau an toàn.

Những doanh nghiệp nuôi khát vọng vì cộng đồng như VinGroup đang ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên, trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, giấc mơ tạo hiệu ứng lan tỏa vẫn là bài toán khó, nhất là khi cơ chế kiểm soát thị trường còn quá nhiều chỗ hổng để "lòng tham" lợi nhuận phát sinh, bất chấp sức khỏe và tính mạng của người tiêu dung.

Rau sạch của VinEco chỉ được phân phối qua hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+ trên toàn quốc. Ảnh: VinGroup

Đầu năm 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai kế hoạch hành động Năm Vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Các đoàn thanh tra chuyên ngành tổ chức thanh kiểm tra tăng 19% so với kế hoạch, qua đó, đã phát hiện và xử phạt nhiều vụ vi phạm.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, tình hình vẫn cải thiện chậm so với mong đợi. Một số vấn đề tồn tại đã lâu như: nạn buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; kháng sinh, chất bảo quản trong thịt gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi còn ở mức cao, gây bất an cho người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi chia sẻ, kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi không phải là vấn đề một sớm một chiều có thể kiểm soát được ngay bởi các cơ quan nhà nước không thể kiểm tra, kiểm soát được tất cả các trại chăn nuôi.

Quan trọng nhất là xã hội giám sát và tố giác. Người chăn nuôi và người tiêu dùng cùng vào cuộc tố giác những người chăn nuôi không chân chính, tố giác những đơn vị kinh doanh sản phẩm có chứa chất cấm.

“Chưa cần Hiệp định TPP, nếu thực phẩm chăn nuôi Việt Nam mà nhiều chất cấm thì chắc chắn sẽ thua trên sân nhà. Nếu thực phẩm nhiều chất cấm thì người chăn nuôi sẽ không còn cơ hội bởi người tiêu dùng có thể chuyển sang sử dụng sản phẩm khác”, ông Nguyễn Xuân Dương nhấn mạnh.

Không chỉ trong chăn nuôi, kết quả giám sát an toàn thực phẩm nông thủy sản thời gian qua cho thấy, tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm an toàn thực phẩm còn cao. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, các chỉ  tiêu vi sinh tăng chứng tỏ việc giết mổ, chế biến thực phẩm vẫn bị nhiễm bẩn.

Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thí điểm thành lập đội thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại hai thành phố lớn Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, nhằm đảm bảo công tác chăn nuôi và trồng trọt an toàn và chất lượng. Ảnh: Lê Đức Hoảnh - TTXVN

Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, đây là vấn đề hoàn toàn mới với cả 3 Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế và Bộ Công Thương. Liên Bộ này rất kỳ vọng sau khi triển khai quyết định trên, tình hình an toàn thực phẩm sẽ được cải thiện, đáp ứng phần nào nhu cầu của người dân.

Bởi đây là lần đầu tiên có đơn vị thanh tra chuyên ngành về vệ sinh, an toàn thực phẩm cấp quận, phường. Đặc biệt, đội thanh tra cấp quận, phường được quyền xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay, điểm mới là một người hay một đoàn thanh tra của tuyến huyện, xã đều có đủ thẩm quyền xử lý cả 3 lĩnh vực: y tế, nông nghiệp hay công thương.

Người thanh tra độc lập được xử lý vi phạm như “cảnh sát” và phạt tiền. Để tháo gỡ “nút thắt” nhân lực, công chức, viên chức tuyến huyện, xã có thể thực hiện thanh tra. Riêng tuyến quận, phường của thành phố Hà Nội có thể có tới 150 người thực hiện công tác thanh tra. 

Theo ông Trần Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, mỗi ngày thành phố tiêu thụ trên 1.000 tấn thịt các loại, 600 tấn cá, 3.200 tấn rau quả… Hà Nội chỉ tự cung ứng được khoảng 50%, riêng quả chỉ khoảng 18%, còn lại chủ yếu do các tỉnh lân cận cung cấp.

Là địa phương tiêu thụ thực phẩm lớn, thành phố sẽ tích cực phối hợp với các lực lượng chuyên ngành triển khai Quyết định số 38 cũng như những kế hoạch Đợt cao điểm hành động Năm Vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp từ nay đến Tết Nguyên Đán 2016.

Về phía người tiêu dung, có lẽ khát vọng lớn nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm không phải là câu chuyện "phong trào" theo từng đợt cao điểm./.

Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục