Thuế tài sản – công cụ hữu hiệu để giảm thiểu chênh lệch giàu nghèo

18:54' - 01/07/2018
BNEWS Theo OECD, thuế tài sản là một trong những công cụ hiệu quả nhất để chính phủ các nước có thể sử dụng để giảm thiểu tình trạng chênh lệch giàu nghèo và mang lại sự tăng trưởng kinh tế toàn diện hơn.

Theo ông Pascal Saint-Amans, Giám đốc Trung tâm Chính sách Thuế và Hành chính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), các nước rõ ràng có thể khắc phục tình trạng bất bình đẳng về giàu nghèo và thu nhập thông qua hệ thống thuế.

Ông Saint-Amans cho hay chính phủ các nước có một cơ hội để tăng cường tính hiệu quả và công bằng của hệ thống thuế trong nước và các báo cáo trên đã phác thảo những biện pháp cụ thể để giúp đạt được điều này.
Các báo cáo của OECD cung cấp một đánh giá chi tiết về cách thức áp thuế đối với các tài sản như tiền tiết kiệm của người dân ở 35 nước thành viên OECD và 5 nước đối tác quan trọng của tổ chức này là Argentina, Bulgaria, Colombia, Lithuania và Nam Phi.

Các báo cáo này nhận thấy có sự khác biệt lớn giữa các nước trên trong việc áp thuế đối với một loạt tài sản của người dân như tài khoản ngân hàng, trái phiếu, cổ phiếu, lương hưu và nhà đất, và cho thấy các quy định về thuế có thể tác động phần nào tới kế hoạch (và cách thức) tiết kiệm của người dân.
Những phân tích về cơ cấu sở hữu tài sản dựa trên các mức thu nhập và mức độ giàu nghèo cho thấy sự khác biệt về cách áp thuế đối với các tài sản như tiền tiết kiệm thường có lợi hơn cho những người giầu hơn so với những người nghèo hơn.

Ví dụ, những người nghèo hơn thường có xu hướng giữ tỷ lệ lớn hơn tài sản của họ trong tài khoản ngân hàng (phải chịu mức thuế tương đối cao) so với những người giàu hơn – thường chuyển phần lớn hơn tài sản của họ vào các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí và trái phiếu (chịu mức thuế thấp hơn).
Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là ba trong số những nước OECD hiện đang áp dụng thuế tài sản. Theo quy định về thuế của Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, một công dân cho dù hiện sinh sống ở Vương quốc Anh song nếu sở hữu các tài sản có giá trị cao ở ba nước này thì vẫn phải đóng thuế tài sản.
Tại Tây Ban Nha, việc một công dân có phải nộp thuế tài sản hay không phụ thuộc vào giá trị tài sản mà họ sở hữu chứ không phải thu nhập của họ. Khái niệm này bao gồm bất động sản, tiền tiết kiệm, các khoản đầu tư, đồ trang sức, tác phẩm nghệ thuật, đồ nội thất, ô tô và tàu thuyền.

Trong khi đó, tại Pháp và Bồ Đào Nha, thuế tài sản chỉ áp dụng đối với các bất động sản. Vì vậy, một công dân có thu nhập thấp nhưng sở hữu một căn nhà có giá trị cao thì vẫn phải nộp thuế tài sản.
Kể từ ngày 1/1/2018, các công dân ở Pháp có thể phải nộp thuế cho các tài sản là bất động sản mà họ sở hữu trên toàn thế giới có giá trị trên 1,3 triệu euro. Trong khi đó, các công dân không sống ở Pháp sẽ chỉ phải nộp thuế tài sản khi họ sở hữu các bất động sản ở nước này có giá trị cao hơn con số trên.
Trước năm 2018, thuế tài sản lớn có phạm vi áp dụng lớn hơn và nhắm tới tổng giá trị tất cả các tài sản, bao gồm bất động sản, tiền tiết kiệm, các khoản đầu tư, ô tô và trang sức. Vì vậy, người dân khi kê khai giá trị tài sản để nộp thuế đều phải ghi nhận hết các loại tài sản trên.

Song mức giá trị tài sản được miễn trừ thuế, mức giá trị tài sản bị tính thuế và mức thuế vẫn được giữ nguyên.
Mặc dù thuế tài sản ở Pháp áp dụng cho các tài sản có giá trị từ 1,3 triệu euro, song chỉ có 800.000 euro đầu tiên trong tổng giá trị tất cả bất động sản mà các công dân sở hữu là được miễn thuế và người dân sẽ phải nộp thuế tài sản ở mức từ 0,5-1,5% giá trị tài sản/năm.
Còn tại Tây Ban Nha, thuế tài sản được áp dụng lại từ năm 2011 như một giải pháp tạm thời song vẫn được thực hiện cho đến nay. Người dân có thể là đối tượng phải nộp thuế tài sản nếu tổng giá trị tài sản mà họ sở hữu trên toàn thế giới (nếu họ là sống ở Tây Ban Nha) hoặc tổng giá trị tài sản ở Tây Ban Nha (nếu họ không sống ở Tây Ban Nha) có giá trị hơn 700.000 euro.

Và người dân sẽ phải nộp các mức từ 0,2-3,5% tùy theo tài sản mà họ sở hữu có vị trí ở các địa phương khác nhau ở Tây Ban Nha. Tại hầu hết các địa phương ở Tây Ban Nha, khoản tiền miễn trừ thuế 700.000 euro/người, cộng với 300.000 euro/căn nhà (địa chỉ thường trú) cho các công dân đang sinh sống ở Tây Ban Nha. Con số này có thể được nhân đôi cho mỗi cặp vợ chồng.
Trong khi đó, thuế tài sản ở Bồ Đào Nha được áp dụng đối với những người sở hữu bất động sản ở nước này có giá trị trên 600.000 euro, cho dù họ đang sinh sống ở đâu. Mức thuế tài sản áp dụng đối với bất động sản thuộc sở hữu của doanh nghiệp là 0,4%, và con số tương ứng đối với bất động sản do cá nhân sở hữu là 0,7% và 1% đối với những người sở hữu bất động sản tại Bồ Đào Nha có giá trị trên 1 triệu euro.
Tại Bồ Đào Nha, khoản miễn trừ thuế đối với các bất động sản do cá nhân sở hữu là 600.000 euro, trong khi doanh nghiệp không được hưởng quy chế này. Vì vậy, các cặp vợ chồng có thể được miễn trừ thuế lên tới 1,2 triệu euro cho bất động sản mà họ sở hữu.

Tuy vậy, một số loại hình chủ sở hữu, như một số doanh nghiệp, không được hưởng bất kỳ khoản miễn trừ thuế nào và sẽ phải nộp thuế tài sản cho tổng giá trị tài sản mà họ sở hữu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục