Thương hiệu và chất lượng quyết định sự bền vững của ngành lúa gạo

18:29' - 08/07/2016
BNEWS Bên cạnh tập trung xây dựng thương hiệu, ngành lúa gạo Việt Nam phải giải quyết triệt để vấn đề dư lượng hóa chất trong sản xuất gạo thì mới có thể phát triển bền vững trong thời gian tới.

Trên đây là một trong những nội dung chính được đề cập tại Hội nghị sơ kết công tác xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm và kế hoạch 6 tháng cuối năm 2016, do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức tại Tp.Hồ Chí Minh, ngày 8/7.

Thương hiệu và chất lượng quyết định sự bền vững của ngành lúa gạo. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN

Vẫn chờ tín hiệu thị trường

Theo VFA, xuất khẩu gạo của cả nước trong 6 tháng đầu năm nay đạt trên 2,65 triệu tấn, trị giá FOB 1,14 tỷ USD. So với năm 2015, sản lượng xuất khẩu giảm gần 2% nhưng trị giá FOB lại tăng 1,13%. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo chính và chiếm giữ gần 35% thị phần xuất khẩu gạo của Việt Nam ; tiếp đó là thị trường c hâu Phi , Indonesia.

Riêng thị trường Philippines và Malaysia , trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo lại giảm mạnh, tương ứng giảm 52% và 60%, do thiếu hợp đồng tập trung.

Đánh giá về tình hình xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm, ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gạo quý II khá trầm lắng, nhu cầu yếu thì sản lượng gạo xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm xấp xỉ cùng kỳ năm ngoái là tín hiệu đáng mừng.

Trong quý I, xuất khẩu gạo tăng hơn 50% so với cùng kỳ 2015, chủ yếu do hợp đồng tập trung từ năm trước đó chuyển qua. Tuy nhiên, qua quý II, xuất khẩu gạo lại giảm đến 32% so với cùng kỳ, doanh nghiệp phải đối mặt với thời kỳ khá ảm đạm do nhu cầu từ thị trường.

Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm, sản lượng gạo thơm xuất khẩu tăng mạnh và chiếm tỷ trọng lớn nhất trên 31% trong cơ cấu xuất khẩu gạo, do tăng sản lượng cũng như tăng xuất khẩu vào châu Á và châu Phi. Gạo nếp tăng đột biến do nhu cầu trở lại mạnh mẽ từ Trung Quốc.

Riêng gạo Japonica cũng có sự tăng trưởng mạnh trên 41% mặc dù còn chiếm tỷ trọng nhỏ. Một điểm sáng nữa trong bối cảnh xuất khẩu còn hạn chế là giá lúa, gạo trong nông dân khá tốt ngay từ đầu năm đến nay, bình quân tăng từ 300-550 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.

Về tình hình xuất khẩu gạo những tháng cuối năm, đại diện VFA cho rằng, thị trường lúa gạo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, cạnh tranh ngày càng gay gắt trong ngắn hạn giữa các nước xuất khẩu gạo.

Xuất khẩu gạo 6 tháng cuối năm vẫn phải chờ tín hiệu “tăng mua” từ thị trường truyền thống như Trung Quốc, Philippines và Indonesia. Nếu không có những đột phá từ những thị trường này thì xuất khẩu cả năm chỉ có thể đạt khoảng gần 5,7 triệu tấn, giảm 14% so với năm 2015.

Ngoài yếu tố nhu cầu yếu, chính sách tiền tệ ở một số thị trường nhập khẩu gạo chính cũng có thể tác động đến tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Một số doanh nghiệp cũng nhận định, xuất khẩu gạo sang thị trường châu Phi sẽ mất nhiều lợi thế do đồng Euro mất giá so với đồng USD. Bên cạnh đó, đồng Nhân dân tệ yếu cũng khiến doanh nghiệp khó thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN

Chất lượng là yếu tố sống còn

Tại hội nghị, vấn đề thương hiệu và chất lượng của ngành lúa gạo Việt Nam tiếp tục được các đại biểu đưa ra và tập trung thảo luận. Các doanh nghiệp cho rằng, bên cạnh việc tập trung xây dựng thương hiệu, ngành lúa gạo Việt Nam phải đồng thời giải quyết triệt để vấn đề dư lượng hóa chất trong sản xuất gạo thì mới có thể phát triển bền vững trong thời gian tới.

Bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Long An chia sẻ lo ngại trước tình trạng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm gạo Việt Nam hiện nay. Việc lạm dụng thuốc bảo vê thực vật, phân bón hóa học đang trở thành vấn nạn trong ngành sản xuất, kinh doanh lúa gạo Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong ngành hiện nay còn “đấu đá”, cạnh tranh lẫn nhau để tăng lợi nhuận nên ảnh hưởng tới chất lượng gạo. Tình trạng “trộn gạo” giữa những loại gạo có hình thức tương tự nhau xảy ra ở một số doanh nghiệp có thể ảnh hưởng đến sức cạnh tranh, gây bất lợi cho xuất khẩu gạo Việt Nam. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và VFA cần đặt vấn đề chất lượng lên hàng đầu.

Dẫn chứng cụ thể hơn, đại diện một doanh nghiệp cho biết, năm 2013, công ty đã thử xuất một đơn hàng 10.000 tấn sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, do chính sách bảo hộ khá mạnh nên ngay khi công ty chuẩn bị đưa hàng thì đã có thư phản đối; trong đó xoáy sâu vào dư lượng hóa chất có trong gạo.

Chất lượng gạo còn nhiều vấn đề cũng là lí do đến nay gạo Việt Nam khó xâm nhập được vào các thị trường cao cấp như châu Âu và Nhật Bản.

Các chuyên gia cũng nhận định, trong điều kiện Việt Nam tham gia hội nhập ngày càng sâu thông qua việc ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu gạo vào thị trường các nước phát triển. Tuy nhiên, ngành lúa gạo cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là các hàng rào kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm đặt ra nghiêm ngặt.

Trước tình hình này, VFA đã xây dựng kế hoạch hành động tham gia xây dựng chuỗi giá trị lúa, gạo, góp phần phát triển thương hiệu gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu chung là nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất lúa gạo trong khu vực theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp bền vững.

Xây dựng thương hiệu gạo cho ba nhóm sản phẩm gạo ở 3 cấp độ: thương hiệu doanh nghiệp; hỗ trợ xây dựng địa phương và vùng; và góp phần xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, nhằm nâng cao giá trị giá tăng và sức cạnh tranh của gạo Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục