Thương mại - vũ khí của Trung Quốc đối với các quốc gia nằm ngoài quỹ đạo

06:30' - 09/08/2017
BNEWS Trung Quốc không thừa nhận đã chính trị hóa vấn đề thương mại, tuy nhiên, từ lâu Bắc Kinh đã sử dụng thương mại để trừng phạt các quốc gia nằm ngoài quỹ đạo của họ.
Thương mại - vũ khí của Trung Quốc đối với các quốc gia nằm ngoài quỹ đạo. Ảnh: Reuters

Trang Project-syndicate đăng bài viết "Trung Quốc đang vũ khí hóa vấn đề thương mại" của Giáo sư Brahma Chellaney chuyên về các vấn đề chiến lược, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách có trụ sở tại New Delhi (Ấn Độ), đồng thời là chuyên gia của Viện Robert Bosch ở Berlin (Đức).

Mới đây, Trung Quốc đã dùng thương mại để đáp trả mạnh mẽ Hàn Quốc vì nước này đồng ý cho Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).

Trước đó, hồi năm 2000, khi Hàn Quốc tăng thuế nhằm vào mặt hàng tỏi nhập khẩu để bảo vệ nông dân nước này trước hàng nhập khẩu từ nước ngoài, Trung Quốc đã lập tức trả đũa bằng cách cấm nhập khẩu các mặt hàng điện thoại di động và nhựa dẻo từ Hàn Quốc.

Mông Cổ cũng là quốc gia phải gánh chịu các biện pháp trừng phạt như vậy sau chuyến viếng thăm của thủ lĩnh tinh thần Tây Tạng Dalai Lama hồi tháng 11/2016. Trung Quốc là đích đến của 90% các mặt hàng xuất khẩu từ Mông Cổ. Sau sự kiện viếng thăm của Dalai Lama, Trung Quốc đã áp đặt thuế cao hơn đối với các mặt hàng xuất khẩu của Mông Cổ.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị từng phát biểu rằng ông hy vọng “Mông Cổ rút ra được bài học từ nỗi đau này” và điều này sẽ giúp Mông Cổ “giữ lời hứa của mình”, không mời Dalai Lama tới thăm nữa.

Na Uy cũng là một trường hợp điển hình bị Trung Quốc trả đũa về mặt thương mại sau sự kiện nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba được trao giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2010 khiến cho các hoạt động xuất khẩu cá hồi của họ tới Trung Quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Năm 2010, Trung Quốc lợi dụng thế độc quyền về xuất khẩu đất hiếm để trừng phạt Nhật Bản và phương Tây bằng cách chấm dứt việc xuất khẩu mà không thông báo trước.

Năm 2012, sau sự kiện tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản tại quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), Trung Quốc lại tiếp tục dùng thương mại để trừng phạt Nhật Bản, gây thiệt hại hàng tỷ USD cho Nhật Bản.

Sau sự cố xảy ra tại bãi cạn Scarborough hồi tháng 4/2012, Trung Quốc không chỉ gửi lực lượng tuần tra tới đe dọa Philippines mà còn khuyên người dân không nên đi du lịch tới nước này, thậm chí Trung Quốc đột ngột cấm nhập khẩu chuối từ Philippines gây ra thiệt lại lớn cho người chồng chuối tại Philippines.

Trong khi quốc tế đang tập trung vào các hành động thương mại của Trung Quốc, Bắc Kinh lặng lẽ kiểm soát bãi cạn Scarborough.

Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) đối mặt với tình trạng thua lỗ nặng tại Trung Quốc liên quan căng thẳng xung quanh THAAD. Ảnh: AFP/TTXVN

Trung Quốc sẽ không sử dụng biện pháp trừng phạt thương mại nếu họ mất nhiều hơn. Sự kiện diễn ra tại khu vực biên giới Tây Tạng, Bhutan và Ấn Độ là một minh chứng.

Xuất khẩu của Trung Quốc tới Ấn Độ lớn gấp 5 lần so với chiều ngược lại. Do đó, thay vì cắt đứt thương mại qua biên giới, Trung Quốc không cho người dân Ấn Độ hành hương sang khu vực Tây Tạng.

Thực tế Trung Quốc đã bị cáo buộc vi phạm nhiều quy định quốc tế với nhiều hành vi duy trì các hàng rào phi thuế quan để giành lợi thế trong cạnh tranh quốc tế, trợ cấp xuất khẩu, hậu thuẫn các công ty trong nước tại thị trường nội địa, vi phạm sở hữu trí tuệ, thâu tóm các công ty nước ngoài để giành lấy công nghệ.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng luôn lợi dụng các hiệp định song phương để đạt được các mục tiêu của mình. Trung Quốc cũng cố gắng tránh bị ràng buộc vào các hiệp định ngắn hạn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đang nỗ lực nhằm chấm dứt các hoạt động gian lận thương mại của Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế ông Trump lại đang trao cho Trung Quốc cơ hội tuyệt vời thông qua việc rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và giảm ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Hiện Nhật Bản đang nỗ lực tiếp tục TPP bất chấp sự vắng mặt của Mỹ. Hiệp định này nếu thành công sẽ giúp hạn chế việc Trung Quốc lợi dụng thương mại gây áp lực với các nước khác. Tuy nhiên, TPP sẽ trở nên hiệu quả hơn nếu có sự tham gia của Hàn Quốc và Ấn Độ.

Theo tác giả bài viết, vũ khí hóa vấn đề thương mại của Trung Quốc sẽ bị vô hiệu nếu có một chiến lược mang tầm cỡ quốc tế với sự hồi sinh của TPP. Khi đó, Trung Quốc sẽ buộc phải tuân thủ các quy định của luật chơi.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục