Thủy điện Hòa Bình là công trình quan trọng với an ninh quốc gia

17:10' - 14/06/2017
BNEWS Nhà máy thủy điện Hòa Bình là công trình thủy điện có quy mô lớn thứ hai Đông Nam Á, chỉ sau thủy điện Sơn La, có tổng công suất lắp đặt là 1.920 MW.

No Title

Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Đặng Hoàng An phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Ngày 14/6, tại Nhà máy thủy điện Hòa Bình, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức hội nghị triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đối với công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia - Nhà máy thủy điện Hòa Bình.

Nhà máy thủy điện Hòa Bình là công trình thủy điện có quy mô lớn thứ hai Đông Nam Á, chỉ sau thủy điện Sơn La, có tổng công suất lắp đặt là 1.920 MW.

Công trình được thiết kế xây dựng có đập đất đá cao 128 m, dài 743m, cao trình đỉnh đập là 123m. Hồ chứa nước có dung tích xấp xỉ 10 tỷ m3, dài hơn 200 km, rộng trung bình 1 km, mức nước dâng bình thường là 117m, mực nước gia cường 122m, mực nước chết là 180m.

Đập xả tràn gồm 12 cửa xả đáy và 6 cửa xả mặt, tổng năng lực xả tối đa là 37.800 m3/s. Nhà máy đặt ngầm trong núi lắp đặt 8 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 240 MW; 24 máy biến áp một pha đấu nối thành 8 tổ biến áp 3x105 MVA; 8 tuyến cáp dầu áp lực 220KV dẫn điện ra trạm phân phối từ ngoài trời. 

Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty thủy điện Hòa Bình cho biết, nhà máy thủy điện Hòa Bình có những nhiệm vụ quan trọng chủ yếu như: đảm bảo an toàn chống lũ cho hạ du, cung cấp điện lên hệ thống điện quốc gia đồng thời đảm bảo sự phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương. 

Ông Nguyễn Văn Minh cũng cho hay, hệ thống điện Việt Nam trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển nhanh với quy mô ngày càng lớn.

Tuy nhiên, với chức năng nhiệm vụ của công trình thủy điện chiến lược đa mục tiêu như nêu trên thì vị trí, vai trò của nhà máy thủy điện Hòa Bình sẽ không thay đổi, nhất là vấn đề chống lũ, cấp nước chống hạn cho hạ du, và cải thiện giao thông thủy trên sông Đà, sông Hồng.

Đặc biệt, trong điều chỉnh bổ sung quy hoạc điện VII, thủy điện Hòa Bình sẽ được mở rộng lắp đặt thêm 2 tổ máy, nâng tổng công suất từ 1.920 MW lên 2.400MW, bằng công suất của thủy điện Sơn La.

Các tổ máy sẽ lần lượt đưa vào vận hành năm 2021 và 2022. Khi đó sản lượng điện sản xuất sẽ tăng lên và quan trọng hơn là tăng công suất phủ đỉnh, góp phần duy trì vận hành ổn định, tin cậy cho hệ thống điện Việt Nam.

Vì những lý do trên, nhà máy thủy điện Hòa Bình được công nhận là 1 trong 7 công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu tại hội nghị, Thượng tướng Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho hay, Nhà máy thủy điện Hòa Bình góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam, lúc mới đi vào hoạt động, tổng sản lượng của nhà máy chiếm khoảng 60% tổng năng lượng của cả nước.

Từ khi đi vào vận hành chính thức, nhà máy đóng góp hơn 10 tỷ kWh/năm. Cùng đó, nhà máy cũng giải quyết chống hạn cho các tỉnh đồng bằng và phát triển đời sống nhân dân.

Thượng tướng Bùi Văn Nam cũng lưu ý, sau hội nghị công bố quyết định này, các bên liên quan sẽ có chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai các nội dung của quyết định, đảm bảo công trình này là công trình an ninh quốc gia…

Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Đặng Hoàng An cho hay, ngoài việc tiếp thực hiện phôi hợp với các cơ quan có liên quan để đảm bảo an toàn,an ninh cung cấp điện, trong tháng 6/2017 này, EVN sẽ thực hiện giả lập và diễn tập liên quan đến tấn công mạng, mời Cục an ninh mạng tham gia để xem xét mức độ rủi ro của hệ thống...

Thời gian tiếp theo, EVN sẽ xây dựng trung tâm giám sát việc xâm nhập vào hệ thống, trung tâm điều khiển của EVN như các nước hiện đại đang thực hiện.Dự kiến đến năm 2018 sẽ hoàn thành dự án này.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục