Thủy điện phát huy vai trò chống hạn – Bài 4: Sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu

15:04' - 14/03/2016
BNEWS Hạn hán tiếp tục diễn ra gay gắt trên diện rộng và kéo dài, có nguy cơ thiếu nước cho sản xuất vụ Đông Xuân, Hè Thu và ngay cả nước cho sinh hoạt của người dân tiếp tục xảy ra trên diện rộng.

Gia đình bác Trương Cúc 62 tuổi ở thôn Lâm Xuân, xã Nâm N’Đir, huyện Krông Nô (Đắk Nông) có nguồn thu nhập chủ yếu từ nông nghiệp với cơ ngơi diện tích 2 ha lúa, 5 ha ngô và 2 ha cà phê.

Ghi nhận những năm gần đây Thủy điện Buôn Tua Sah đều xả nước theo đúng lịch thời vụ của tỉnh Đắk Nông khiến những gia đình làm nghề nông phía hạ du như bác thu hoạch ổn định, có “của ăn của để”. Bác Cúc cho biết: “

Nếu mấy năm trước đủ nước thì thu hoạch 1 sào lúa được 1 tấn nhưng năm nay chỉ được 5 tạ thôi. Gía ngô hiện nay cũng có 3.000đ/kg trong khi giống đã là 100.000 đồng/kg. Còn trồng cà phê thì với giá bán hiện nay là 30.000 đồng/kg thì coi như không lời”.

Chỉ những diện tích trồng gần sông mới có đủ nước tưới. Ảnh: TTXVN

Nguyên nhân chi phí trồng cà phê năm nay cao theo bác Cúc là do trồng cách xa sông Krông Nô vài cây số thì có đào giếng lấy nước ngầm cũng không đủ nước tưới mặc dù gia đình đã đào đến hơn 100m trong khi chi phí cho mỗi mét giếng khoan là 2 triệu đồng.

Chỉ những diện tích trồng gần sông mới có đủ nước tưới. Ngay tại nơi ở của gia đình cạnh bờ sông thì mấy năm trước đã đào giếng khoảng 5m nhưng nay đào thêm 10m mà vẫn không đủ nước cho sinh hoạt hàng ngày cho gia đình có 6 khẩu, chỉ lấy được 200 lít nước.

Từ tháng 9 năm ngoái đến nay, hầu như trên địa bàn không có mưa, có khi không được 20% so với mọi năm. Vì vậy, khu vực trồng cà phê hiện nay do thiếu nước tưới nên người dân phải bỏ diện tích đến 50%. Gia đình bác cũng đang tính bán bớt đất để mua mấy con bò nhưng vẫn chưa biết chuyển đổi trồng cái gì.

“3 năm về trước 1ha cà phê thu hoạch được ít nhất 4 tấn trở lên nhưng hai năm gần đây chỉ thu hoạch được 2,5 tấn trở lại. Do hạn hán, thiếu nước nên dân giờ không dám đầu tư vào trồng cây cà phê do giá thành rẻ nên chỉ trồng cầm cự chứ không mặn mà khi trồng loại cây này vì thu hoạch không đủ tiền công. 1 ha cà phê hiện nay chi phí khoảng 50-70 triệu đồng, nếu thu hoạch được hơn 2 tấn, bán chưa được 60 triệu đồng thì chỉ hòa vốn”, bác Cúc chia sẻ.

Ông Doãn Gia Lộc Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô cho biết, diện tích trồng trọt trên địa bàn huyện bị ảnh hưởng từ nguồn nước thủy điện là 7.000ha; trong đó có 4.000 ha lúa 1 vụ bị ảnh hưởng trực tiếp và 3.000 ha cây công nghiệp dài ngày như cà phê, tiêu trên tổng diện tích đất sản xuất của huyện là hơn 43.000 ha.

Trong đợt kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống hạn hán tại khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận định: Thời gian tới vẫn là những tháng cao điểm mùa khô; trong đó, khu vực Tây Nguyên có thể kéo dài tới tháng 6, khu vực Nam Trung Bộ tới tháng 9/2016.

Hạn hán tiếp tục diễn ra gay gắt trên diện rộng và kéo dài, có nguy cơ thiếu nước cho sản xuất vụ Đông Xuân, Hè Thu và ngay cả nước cho sinh hoạt của người dân tiếp tục xảy ra trên diện rộng. Do vậy, trong tình hình hiện nay, việc triển khai các biện pháp chủ động phòng chống hạn hán ngay tại địa phương là nhiệm vụ hết sức cấp bách.

Đề cập đến những giải pháp dài hạn trong việc phòng chống hạn hán, theo Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô, ngoài việc nâng cao độ che phủ rừng đầu nguồn thì các địa phương cần tính tới việc chủ động chuyển đổi sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu.

Do vậy, mặc dù các ban chỉ đạo sản xuất của tỉnh, huyện chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, triển khai mùa vụ sớm hơn mọi năm từ 10-15 ngày, sử dụng bao đất nâng cao ngưỡng tràn các hồ đập để tích nước, thì những vùng xa, nguồn nước không đảm bảo đều được chuyển đổi diện tích từ trồng lúa nước sang trồng ngô lai và khoai lang. Đến nay, diện tích cây trồng chuyển đổi trên địa bàn huyện đã lên đến 250 ha.

Ông Lộc cũng dự báo, thông thường tháng 5-6 sẽ có những trận mưa đầu mùa nên huyện sẽ điều hành lịch sản xuất vụ Hè Thu chậm lại.

Đắk Lắk là tỉnh có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn, đặc biệt là cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao. Vụ Đông Xuân 2015-2016, toàn tỉnh có diện tích cây trồng bị hạn khoảng 70.000 ha; trong đó chủ yếu là diện tích cà phê ở những vùng hiếm nước, một số diện tích lúa nước khu vực cuối nguồn của các công trình thủy lợi hoặc khu tưới của các hồ chứa nhỏ bị khô cạn sớm. Đồng thời số hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt cũng vào khoảng 25.000 hộ.

Phía hạ du đập Thủy điện Buôn Tua Srah. Ảnh: Mai Phương

Theo Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi tỉnh, lường trước khả năng năm nay xảy ra hạn hán lớn, Công ty đã chủ động tích nước cho các công trình thủy lợi bằng đắp bao tải cát để nâng cao ngưỡng tràn, đắp bao cát chặn dòng hồ Lắk nhằm trữ thêm nước cho các trạm bơm.

Đối với những vùng sử dụng chủ yếu nguồn nước từ các công trình thủy lợi vừa và lớn, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk huy động nhân dân nạo vét kênh mương, lắp đặt các trạm bơm di động để đáp ứng kịp thời nhu cầu chống hạn khi cần thiết hoặc có thể bơm nước từ dung tích chết của các hồ để chống hạn. Riêng những hồ lớn ngành yêu cầu sử dụng nước tiết kiệm để đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất vụ Hè Thu năm nay.

Thành phố Buôn Ma Thuột có đoạn dòng chính sông Srêpôk chảy qua với lượng dòng chảy khá lớn vì vậy nguồn nước phục vụ chống hạn cho sản xuất trên địa bàn tương đối thuận lợi hơn so với các vùng khác.

Tuy nhiên, theo ông Mai Trọng Dũng, Phó Trưởng Tiểu ban chỉ đạo chống hạn (UBND tỉnh Đắk Lắk), cũng có một số tiểu vùng cục bộ có khả năng thiếu nước nên tỉnh khuyến cáo nhân dân sản xuất theo kế hoạch, sử dụng nước tiết kiệm, tăng cường nạo vét giếng, kênh mương và có giải pháp điều tiết nước từ các hồ thủy lợi có dung tích lớn và các hồ thủy điện dọc sông Srêpốk để phục vụ chống hạn.

Với đặc thù khí hậu hai mùa, mùa khô thường xuyên xảy ra khô hạn, thiếu nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân hàng năm nên để phát triển sản xuất bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Chính phủ đầu tư các dự án hỗ trợ trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng tự nhiên để đảm bảo nguồn sinh thủy và chống bồi lắng lòng hồ.

Bên cạnh đó, đầu tư đồng bộ dự án xây dựng các công trình thủy lợi lớn trọng điểm; đồng thời nâng cấp các công trình thủy lợi vừa và nhỏ, hoàn thiện hệ thống kênh mương nhằm đáp ứng đủ nguồn nước cho nhu cầu phát triển sản xuất của nhân dân trong tỉnh.

“Nhu cầu phát triển sản xuất tăng nhanh, trước tình hình biến đổi khí hậu, nguồn nước phục vụ sản xuất ngày càng có nguy cơ bị thiếu hụt, vì vậy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nghiên cứu chính sách đầu tư áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm để bảo vệ nguồn nước và phục vụ sản xuất hiệu quả, hạn chế thiệt hại do hạn hán gây ra”, Phó Trưởng Tiểu ban chỉ đạo chống hạn tỉnh Đắk Lắk kiến nghị./.

>> Bài 1: Dừng phát điện để tích nước

>> Bài 2: Khai thác hồ chứa hợp lý

>> Bài 3: Sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục