Thủy sản Việt Nam chỉ chiếm "góc nhỏ" trên thị trường toàn cầu

16:17' - 25/12/2015
BNEWS Theo Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, mặc dù xuất khẩu thủy sản Việt Nam có thứ hạng trên thế giới nhưng chỉ chiếm một góc nhỏ của thị trường toàn cầu vì khả năng cạnh tranh còn thấp.

Tại hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2015 và triển khai kế hoạch năm 2016 của Tổng cục Thủy sản, ngày 25/12, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đánh giá, năm 2015 là năm khó khăn của toàn ngành nông nghiệp; trong đó có thủy sản. Ngành thủy sản đã có những phương hướng, giải pháp kịp thời, phù hợp với tình hình sản xuất nên đã khắc phục được nhiều khó khăn.

Hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2015 và triển khai kế hoạch năm 2016. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS

Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, bên cạnh những khó khăn khách quan do khí hậu, thị trường vẫn còn tồn tại một số vấn đề đã nhận thấy từ nhiều năm trước, đã bàn từ nhiều năm trước và đã cố gắng thực hiện nhưng tác động còn chậm, chưa tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trên phạm vi toàn ngành.

Điển hình như việc hạn chế đánh bắt ven bờ chưa thực sự hiệu quả, bắt đầu xuất hiện những vấn đề trong khai thác xa bờ…. Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ ra, mặc dù xuất khẩu thủy sản Việt Nam có thứ hạng trên thế giới nhưng chỉ chiếm một góc nhỏ của thị trường toàn cầu vì khả năng cạnh tranh còn thấp. Tuy khả năng cạnh tranh phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng quan trọng vẫn là chất lượng và giá thành.

"Nếu không có những điều chỉnh căn cơ thì lâu dài, những yếu tố này sẽ tác động mạnh mẽ hơn. Tự do hóa thương mại, nhiều nước giảm thuế cho hàng thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, thuế cũng không nhiều, quan trọng là hàng rào kỹ thuật, là chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm", Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ ra.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản dự báo, năm 2016 kinh tế thế giới sẽ tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm, tuy nhiên vẫn có nguy cơ bất ổn. Tác động của chu kỳ El-Nino có khả năng tiếp tục không thuận lợi đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản, nguồn lợi ven biển và dễ phát sinh dịch bệnh.

Các thỏa thuận thương mại mới được ký kết sẽ tạo thêm động lực đồng thời với mức độ cạnh tranh trong sản xuất thủy sản trong khi các rào cản thương mại, kỹ thuật sẽ được sử dụng nhiều hơn, những quy định của đạo luật Farm Bill của Mỹ sẽ ảnh hưởng tới đến hoạt động xuất khẩu thủy sản.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, để giải quyết vấn đề trên phải đẩy mạnh tái cơ cấu; thực hiện đồng bộ các giải pháp; gấp rút đưa ra những giải pháp điều chỉnh cơ cấu nghề, tàu thuyền, có những biện pháp khả thi để kiểm soát khai thác nguồn lợi trên các vùng biển.

Đồng thời triển khai nhân rộng những giải pháp để ngành khai thác hiệu quả, bền vững. Trong nuôi trồng thủy sản, tập trung vào sản phẩm có lợi thế với giá thành rẻ hơn, chất lượng hơn và an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, cần tổng rà soát lại và điều chỉnh VietGAP cho phù hợp với thực tiễn.

Theo Tổng cục Thủy sản, ước cả năm 2015, tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 6,56 triệu tấn (tăng 3,6% so với năm 2014), bao gồm sản lượng khai thác 3,03 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 3,53 triệu tấn.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, mặc dù năm 2015, tình hình sản xuất, xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nếu tính chung giai đoạn 2011-2015, ngành thủy sản vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng, cao hơn chỉ tiêu kế hoạch 5 năm của cả giai đoạn. Tổng sản lượng thủy sản đạt mức tăng trung bình 3,8%/năm, cao hơn 9,3% so với kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng trung bình 2,4%/năm.

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2015, xuất khẩu thủy sản ước đạt 6,72 tỷ USD, giảm hơn 14% so với năm 2014 và giảm 10,4% so với kế hoạch đặt ra trong cả năm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục