Thụy Sĩ, Hong Kong (Trung Quốc), Mỹ bị xếp hạng kém về chống gian lận thuế

07:28' - 05/11/2015
BNEWS Hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ đều nỗ lực cải thiện và thúc đẩy sự minh bạch tài chính, song nhiều nước phát triển như Mỹ, Đức, Anh lại không ghi nhận sự tiến bộ trong lĩnh vực này.

Thụy Sĩ, Hong Kong(Trung Quốc) và Mỹ bị xếp hạng kém minh bạch tài chính.Ảnh: (Nguồn youtube)

Thụy Sĩ, Hong Kong (Trung Quốc) và Mỹ đã "vượt qua" nhiều nền kinh tế khác trên thế giới để trở thành những điểm đến hấp dẫn nhất đối với các cá nhân và doanh nghiệp muốn che giấu tài sản để trốn thuế thu nhập. Đây là kết quả của một nghiên cứu do Mạng lưới Tư pháp thuế (TJN) thực hiện hai lần/năm và công bố ngày 3/11.

Theo TJN -tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Anh, hai vị trí đầu trong tốp 10 lần lượt thuộc về Thụy Sĩ, Hong Kong (Trung Quốc), trong khi Mỹ tăng lên 3 bậc so với báo cáo trước và đứng ở vị trí thứ ba, xếp trên Singapore, Quần đảo Cayman, Luxembourg và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Kết quả này đồng nghĩa với năng lực yếu kém của 3 nền kinh tế phát triển trong cuộc chiến chống gian lận và trốn thuế. Nghiên cứu của TJN chỉ rõ trong nhiều năm gần đây, hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ đều nỗ lực cải thiện và thúc đẩy sự minh bạch tài chính, song nhiều nước phát triển như Mỹ, Đức, Anh lại không ghi nhận sự tiến bộ trong lĩnh vực này.

Từ vị trí 21 của báo cáo lần trước, Anh đã tăng lên thứ hạng 15, trong khi đó Đức lại phải đang đối mặt với sự đe dọa ngày càng gia tăng về minh bạch tài chính. Thiệt hại do hành vi trốn thuế là không hề nhỏ.

Thống kê của TJN chỉ rõ khối tài sản của các cá nhân giấu ở nước ngoài nhằm trốn thuế ước tính khoảng 32.000 tỷ USD. Khối tài sản này chỉ bị đánh thuế một phần, hoặc được cất giấu tại những quốc gia có mức thuế thấp, thậm chí không bị đánh thuế.

Trong khi đó, ước tính mỗi năm lượng tiền phi pháp trao đổi qua biên giới các nước lên tới hơn 1.000 tỷ USD. Riêng châu Phi, tính từ năm 1970, các "đại gia" đã chuyển hơn 1.000 tỷ USD ra nước ngoài.

Nguyên nhân khiến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ thụt lùi trong cuộc chiến này chính là sự thiếu sự hợp tác giữa các nước trong việc chia sẻ thông tin về các công ty ảo, hay các khoản lợi nhuận mà các công ty đa quốc gia chuyển từ nước này sang nước khác để trốn thuế.

Nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận và trốn thuế, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra yêu cầu các công ty đa quốc gia cung cấp dữ liệu tài chính. Trong khi đó, Chính quyền Tổng thống Barack Obama (Ba-rắc Ô-ba-ma) cũng đã hối thúc ngân hàng các nước, trong đó có Thụy Sĩ, cung cấp thông tin về công dân Mỹ có tài khoản ở nước ngoài nhằm ngăn chặn hành vi "né thuế"./.

TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục