Tích tụ, tập trung ruộng đất ở Việt Nam thế nào trong điều kiện mới?

16:00' - 27/04/2017
BNEWS Sáng 27/4, tại Hà Nội, Tạp chí Cộng sản tổ chức buổi tọa đàm khoa học “Tích tụ, tập trung ruộng đất ở Việt Nam trong điều kiện mới: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.
Tập trung ruộng đất ở Việt Nam trong điều kiện mới. Ảnh: TTXVN

Phát biểu đề dẫn buổi tọa đàm, ông Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết: Tích tụ và tập trung ruộng đất là vấn đề thực tiễn cấp bách, đụng chạm đến nhiều vấn đề lý luận chiều sâu.

Ruộng đất là vấn đề căn bản của một nước mà nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành kinh tế, nông dân chiếm tỷ lệ lớn trong kết cấu dân cư và nông thôn là lãnh thổ chủ yếu trong so sánh tương quan quy mô đô thị còn chưa lớn. Hiện nay, tình trạng ruộng đất manh mún đang cản trở quá trình áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đưa nông nghiệp đi lên sản xuất lớn, đưa nông sản tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.

Đây cũng là vấn đề không giản đơn khi xét trong điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam với đặc điểm chế độ ruộng đất và tính đồng bộ trong phát triển của cơ cấu các ngành kinh tế. Vì vậy, xung quanh vấn đề tích tụ, tập trung ruộng đất có nhiều ý kiến trái chiều.

Tọa đàm khoa học này là dịp để các nhà khoa học, các chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu, gắn bó với vấn đề ruộng đất trình bày ý kiến của mình, đặc biệt xung quanh quan niệm về tích tụ, tập trung ruộng đất; các phương thức tích tụ, tập trung ruộng đất; khung thể chế cho vấn đề này và mô hình, phương thức phù hợp cho Việt Nam.

Tiến sỹ Nguyễn Đình Bồng, Hội Khoa học Đất Việt Nam khẳng định: Tích tụ đất đai được xem là tiền đề phát triển kinh tế hộ gia đình trong quá trình chuyển từ sản xuất nhỏ, tự cung tự cấp lên sản xuất hàng hoá quy mô lớn. Quá trình này vận động theo cơ chế thị trường, thông qua các hình thức giao dịch dân sự đất (chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thừa kế, tặng, cho quyền sử dụng đất).

Một bộ phận hộ gia đình nông dân có kinh nghiệm sản xuất, sử dụng đất hiệu quả, có thu nhập, có nguồn vốn nhận chuyển quyền sử dụng đất để mở rộng quy mô. Tuy nhiên, đa số hộ gia đình nông dân thiếu vốn để thực hiện tích tụ ruộng đất, muốn sử dụng đất hiệu quả họ phải chọn hình thức khác.

Trong khi đó, tập trung đất đai luôn được coi là một công cụ hoặc điểm xuất phát cho phát triển nông thôn. Sản xuất hàng hoá quy mô lớn, tập trung, cần đầu tư khoa học công nghệ trong khi sản xuất riêng lẻ của hộ cá nhân không đáp ứng được yêu cầu này nên tất yếu có nhu cầu hợp tác sản xuất kinh doanh dưới các hình thức thích hợp. Đó là hợp tác sản xuất kinh doanh từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, góp vốn với các doanh nghiệp nông nghiệp.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Bồng, trong điều kiện hiện tại ở nước ta hiện nay, khi mà phát triển nông nghiệp vẫn còn giữ vị trí quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá nông thôn, tập trung đất đai sẽ chuyển từ trọng tâm vào việc tái cơ cấu nông nghiệp sang sử dụng không gian nông thôn hiệu quả hơn.

Việc này được thực hiện thông qua quy hoạch hạ tầng, cụm dân cư và quy hoạch sản xuất nông nghiệp nhằm cân bằng lợi ích của nông nghiệp, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và nâng cao chất lượng đời sống của nông dân đồng thời cải thiện diện mạo nông thôn.

Phó Giáo sư Tiến sỹ Trần Quốc Toản , Chuyên gia cao cấp, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định : Vấn đề tích tụ, tập trung ruộng đất là một quá trình lâu dài, không thể chỉ xem xét đơn thuần từ góc độ sản xuất nông nghiệp hàng hóa, mà chứa đựng tổng hợp những nhân tố chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, truyền thống, điều kiện tự nhiên, cần được nghiên cứu thấu đáo cả về lý luận và thực tiễn.

Đối với Việt Nam hiện nay , do điều kiện tự nhiên - kinh tế - xã hội và trình độ phát triển của nền nông nghiệp rất khác nhau giữa các vùng nên c ần tích tụ ruộng đất theo hướng kết hợp có hiệu quả hai khuynh hướng: phát triển nền nông nghiệp theo chiều rộng gắn với xu hướng tăng quy mô ruộng đất canh tác ngày càng lớn của một hộ hay doanh nghiệp và phát triển nền nông nghiệp theo chiều sâu dựa vào ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại.

Phó Giáo sư Tiến sỹ Trần Kim Chung , Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, để việc tích tụ ruộng đất thực sự có đóng góp vào phát triển kinh tế đồng thời khắc phục, giảm thiểu các vấn đề có tính hạn chế, tiêu cực thì cần phải có các giải pháp đồng bộ, từ chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đến các Bộ, ngành địa phương.

Các đơn vị chức năng cần rà soát, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất. Ngoài ra, cần hoàn thiện tài chính về đất đai kích thích quá trình dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất, tác động trực tiếp đến chủ sử dụng đất nông nghiệp.

Kết luận buổi tọa đàm, Phó Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đánh giá: Vấn đề tích tụ, tập trung ruộng đất là một trong những giải pháp để tháo gỡ khó khăn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

Tuy nhiên, việc này không thể làm vội vàng vì nếu sai sót sẽ gây ra biến động xã hội rất lớn. Tích tụ, tập trung ruộng đất phải đặt trong tổng thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, trong bối cảnh kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của hộ nông dân.

Trong quan hệ này, hộ nông dân là yếu thế nhất nên phải quan tâm và đặt lợi ích người nông dân hàng đầu. Bên cạnh đó, tích tụ, tập trung ruộng đất không phải chỉ có doanh nghiệp mà còn bao hàm rất nhiều hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp khác đem lại hiệu quả.

Vì thế, phải phát triển cả kinh tế hộ, kinh tế trang trại, kinh tế doanh nghiệp và kinh tế hợp tác. Ngoài ra, để thực hiện được tích tụ, tập trung ruộng đất thì Đảng, Nhà nước cũng cần thay đổi cơ chế chính sách về luật pháp, quy hoạch sử dụng đất./.

>>>Tích tụ ruộng đất: Không làm theo phong trào

>>> Chính phủ thống nhất mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục