Tiến trình đàm phán TTIP đạt được "tiến triển đáng kể"

18:43' - 08/10/2016
BNEWS Kết thúc vòng đàm phán thứ 15 tại thành phố New York vào ngày 7/10, các nhà đàm phán của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) khẳng định đã đạt được "tiến triển đáng kể".

Kết thúc vòng đàm phán thứ 15 tại thành phố New York vào ngày 7/10, các nhà đàm phán của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) khẳng định đã đạt được "tiến triển đáng kể" khi Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) đi vào những nội dung gai góc nhất, đồng thời cam kết theo đuổi đến cùng thỏa thuận này.

Tiến trình đàm phán TTIP đạt được "tiến triển đáng kể". Ảnh minh họa: reuters

Trưởng đoàn đàm phán Mỹ Dan Mullaney nêu rõ dù còn nhiều đánh giá tiêu cực về TTIP, song Washington cam kết đi đến cùng tiến trình đàm phán và thỏa thuận thành công sẽ mang lại lợi ích kinh tế chung cho các nền kinh tế hai bờ Đại Tây Dương.

Về phần mình, trưởng đoàn đàm phán của EU, ông Ignacio Garcia-Bercero, khẳng định TTIP là con đường hữu hiệu để thắt chặt mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và tạo thêm việc làm.

Ông nhận định việc có các đồng minh kinh tế thân thiết có thể giúp châu Âu định hình toàn cầu hóa theo các tiêu chuẩn và tầm nhìn của châu Âu.

TTIP được kỳ vọng là thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới, tạo ra một thị trường khổng lồ với 850 triệu người tiêu dùng và chiếm hơn một nửa kim ngạch thương mại toàn cầu.

Nếu được hoàn tất, hiệp định này sẽ thúc đẩy thương mại giữa EU và Mỹ lên đến 1.000 tỷ USD/năm, đồng thời tạo thêm khoảng 13 triệu việc làm.

Các cuộc đàm phán về TTIP giữa Mỹ và EU được khởi động từ tháng 7/2013, nhưng sau đó bị trì hoãn nhiều lần do phía châu Âu phản đối các điều khoản do Mỹ đưa ra liên quan tới việc bảo vệ các nhà đầu tư.

Ngày 11/7 vừa qua, vòng đàm phán thứ 14 về TTIP giữa Mỹ và EU đã diễn ra tại thủ đô Brussels của Bỉ trong nỗ lực giải quyết những vấn đề khác biệt còn tồn đọng, song không đạt được bất cứ thỏa thuận nào.

Gần đây, thỏa thuận thương mại tham vọng đứng trước nhiều thử thách khi các ứng cử viên lãnh đạo của cả Mỹ và châu Âu cho rằng các thỏa thuận thương mại mới sẽ tác động tiêu cực tới người lao động và người tiêu dùng.

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump lên án TTIP sẽ lấy đi việc làm của người dân Mỹ trong khi đại diện của đảng Dân chủ Hillary Clinton cho hay bà sẽ không theo đuổi thỏa thuận này nếu TTIP ảnh hưởng tới người lao động Mỹ.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker ngày 7/10 khẳng định châu Âu sẽ không nhân nhượng lợi ích và nguyên tắc của mình trong đàm phán với Mỹ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục