Tiến trình tự do hóa dịch vụ tài chính ASEAN diễn ra như thế nào?

15:21' - 16/04/2018
BNEWS Định hướng và mục tiêu hội nhập dịch vụ tài chính đã được ASEAN thống nhất tại Kế hoạch Hành động Chiến lược về Hội nhập tài chính đến 2025.

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 22 (AFMM 22) và Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 4 (AFMGM 4) vừa diễn ra tại Singapore đầu tháng 4/2018 đã khẳng định quyết tâm của các quốc gia thành viên ASEAN là thúc đẩy tự do hóa thị trường tài chính để hỗ trợ tối đa cho các dự án liên kết cơ sở hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
PV TTXVN tại Singapore đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà để hiểu rõ về tiến trình này.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Trần Xuân Hà tại Hội nghị. Ảnh: Xuân Vịnh-Phóng viên TTXVN tại Singapore

Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết những trọng tâm chính được các Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 22 (AFMM 22) và Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 4 (AFMGM 4) đưa ra bàn thảo lần này?
Thứ trưởng Trần Xuân Hà: Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN và Hội nghị chung Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTW ASEAN là sự kiện được tổ chức thường niên. Hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTW các nước ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN và đại diện của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO)…
Hội nghị ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế tích cực của khu vực ASEAN, đạt 5,2% trong năm 2017. Đà tăng trưởng dự kiến sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2018 nhờ vào sự phục hồi về tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu, sự tăng trưởng ổn định của tiêu dùng cá nhân và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, các bộ trưởng cũng nhận diện những rủi ro đối với khu vực đến từ các xung đột thương mại, điều chỉnh chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn, biến đổi khí hậu.
Về tình hình thực hiện năm 2017-2018 và kế hoạch hoạt động năm 2018-2019 để đạt được các mục tiêu của Cộng đồng Kinh tế ASEAN đến 2025, các bộ trưởng đã nhất trí triển khai các nội dung trọng tâm gồm: Tự do hóa dịch vụ tài chính, phát triển thị trường vốn, hợp tác trong các lĩnh vực bảo hiểm, thuế và hải quan…
Các bộ trưởng hoan nghênh kết quả đạt được trong việc hài hòa Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu của 10 nước ASEAN, triển khai Hệ thống thí điểm Quá cảnh Hải quan ASEAN và trao đổi chính thức thông tin giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) điện tử mẫu D qua hệ thống hải quan một cửa ASEAN.

Các Bộ trưởng mong muốn tất cả các nước sớm hoàn thành phê chuẩn Nghị định thư 2 về Chỉ định các cửa khẩu biên giới và Nghị định thư 7 về Hệ thống Quá cảnh Hải quan để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh.
Ngoài ra, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTW các nước ASEAN cũng sẽ chia sẻ quan điểm về hai nội dung ưu tiên thúc đẩy của Chủ tịch Singapore năm 2018 là tài trợ cơ sở hạ tầng và tài trợ rủi ro thiên tai, hai yếu tố quan trọng giúp ASEAN tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững.
Các Bộ trưởng cam kết ủng hộ tài trợ bền vững và huy động nguồn vốn tư nhân cho tài trợ cơ sở hạ tầng trong ASEAN đồng thời nhấn mạnh rằng việc giới thiệu danh sách các dự án khả thi và cơ hội đầu tư cơ sở hạ tầng trong ASEAN cho các nhà đầu tư đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút nguồn tài trợ từ khối tư nhân. Bên cạnh đó, các bộ trưởng bày tỏ mong muốn hợp tác với các ngân hàng phát triển đa phương trong việc chuẩn bị dự án và quản lý dự án.
Phóng viên: Tại Hội nghị lần này, các Bộ trưởng đã ký kết Gói cam kết thứ 8 thuộc Hiệp định khung ASEAN về tự do hóa dịch vụ tài chính. Vậy xin Thứ trưởng cho biết nội dung cụ thể của Gói cam kết này và những tác động của nó tới các nước thành viên trong khu vực, trong đó có Việt Nam?

Quang cảnh Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 22 (AFMM 22) và Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 4 (AFMGM 4) diễn ra tại Singapore đầu tháng 4/2018. Ảnh: Xuân Vịnh- Phóng viên TTXVN tại Singapore

Thứ trưởng Trần Xuân Hà: Định hướng và mục tiêu hội nhập dịch vụ tài chính đã được ASEAN thống nhất tại Kế hoạch Hành động Chiến lược về Hội nhập tài chính đến 2025, trong đó ASEAN đặt mục tiêu tiếp tục tự do hóa dịch vụ tài chính thông qua đàm phán các Gói cam kết thuộc Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS), tự do hóa hoàn toàn cung cấp qua biên giới với bảo hiểm Hàng hải, Hàng không, và Quá cảnh quốc tế (MAT), tăng cường kết nối các thị trường vốn, tăng tính thanh khoản cho thị trường vốn… Kế hoạch nêu trên đang được các nước ASEAN thực hiện đúng tiến độ.
Theo đó, Gói cam kết thứ Tám về tự do hóa dịch vụ tài chính được khởi động đàm phán từ tháng 9/2016 và đến nay đã cơ bản hoàn thành. Các nước thành viên ASEAN đã đưa ra bản chào cải thiện trong Gói cam kết thứ Tám về các phân ngành thuộc lĩnh vực bảo hiểm, thị trường vốn và ngân hàng và sẽ tiến hành ký kết Nghị định thư thực hiện Gói cam kết thứ Tám vào tháng 10/2018, bên lề Hội nghị thường niên IMF-WB tại Bali, Indonesia. Việt Nam là một trong các nước có mức độ tự do hóa dịch vụ tài chính cao trong ASEAN, đóng góp vào mặt bằng tự do hóa dịch vụ tài chính chung khu vực.
Tiến trình tự do hóa dịch vụ tài chính vì vậy có tác động tích cực đến quá trình hội nhập kinh tế khu vực nói chung và từng nước thành viên nói riêng thông qua tỷ trọng đóng góp của dịch vụ tài chính với vai trò là một ngành kinh tế ngày càng tăng và nhân tố quan trọng cho tăng trưởng thương mại và đầu tư khu vực.
Phóng viên: Thị trường vốn là một trong những trọng tâm mà các nước ASEAN quyết tâm thúc đẩy trong nỗ lực xây dựng một Cộng đồng chung. Vậy xin Thứ trường cho biết những kết quả đã đạt được cho đến nay cũng như định hướng trong thời gian tới nhằm tạo sự kết nối giữa các nước trong khu vực? Là một thành viên tích cực của ASEAN, Việt Nam có những sáng kiến gì để đẩy nhanh quá trình liên kết này?
Thứ trưởng Trần Xuân Hà: Như đề cập ở trên, các nỗ lực hợp tác của ASEAN được dựa trên Kế hoạch Hành động Chiến lược về Hội nhập tài chính đến 2025 để thực hiện mục tiêu của Cộng đồng Kinh tế ASEAN đến năm 2025. Trong đó, đối với hợp tác phát triển thị trường vốn, ASEAN đẩy mạnh thực hiện các hoạt động bao gồm: Hợp tác, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các thị trường vốn nhằm hài hòa hóa quy định quản lý và giám sát thị trường vốn và thu hẹp khoảng cách phát triển thị trường vốn giữa các nước.
Bên cạnh đó, các nước cũng phối hợp với các nhóm công tác chuyên ngành khác để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thị trường vốn như: vấn đề thuế đối với thu nhập từ đầu tư gián tiếp.
Mặt khác, các quốc gia đẩy mạnh triển khai các sáng kiến để thúc đẩy phát triển thị trường vốn các nước ASEAN như: Trái phiếu xanh ASEAN; Luân chuyển người hành nghề ASEAN; Quản trị công ty; Quỹ đầu tư tập thể... Các nội dung hợp tác này sẽ tiếp tục được triển khai trong thời gian tới phù hợp với lộ trình kế hoạch chiến lược.
Về sự tham gia của Việt Nam, chúng ta tham gia vào các sáng kiến như: Chương trình Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN, theo đó việc đánh giá tình hình quản trị công ty của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam phù hợp thông lệ quốc tế; trao đổi quan điểm và đóng góp ý kiến vào các khung khổ, văn kiện, tài liệu thảo luận; nghiên cứu và xem xét khả năng áp dụng các sáng kiến của ASEAN vào thị trường vốn Việt Nam trên cơ sở thực tiễn và trình độ phát triển; tham khảo và hoàn thiện thể chế, quy định quản lý và giám sát thị trường vốn Việt Nam./.

>>>ASEAN đảm bảo ổn định và tự cường về tài chính

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục