Tiếp tục lấy ý kiến về Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện

18:35' - 09/10/2015
BNEWS Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong tháng 10 này, EVN sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của công chúng, các chuyên gia... để hoàn thiện Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong tháng 10 này, EVN sẽ phối hợp với Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) và các nhà tư vấn tiếp tục lắng nghe ý kiến của công chúng, các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan truyền thông để hoàn thiện Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Công nhân ghi chỉ số công tơ. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sẽ được hoàn thiện theo hướng phù hợp với chủ trương phát triển thị trường điện nhằm tiếp tục thực hiện giá bán điện theo cơ chế thị trường có tính đến hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội.

Đồng thời, đề án có lộ trình phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong việc thiết kế cơ cấu biểu giá bán điện.

Thời gian qua, EVN đã phối hợp với Cục Điều tiết Điện lực tổ chức các hội thảo khoa học về Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện. Hầu hết các ý kiến đều đồng tình với quan điểm nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá điện hiện hành, nhưng không làm tăng giá bán lẻ điện bình quân, không làm tăng doanh thu của ngành điện (nếu không tăng thêm sản lượng điện tiêu thụ so với dự kiến).

Các ý kiến đều cho rằng không thể có một phương án nào thỏa mãn được cho tất cả các đối tượng tiêu dùng điện, tuy nhiên khi thiết kế biểu giá vẫn phải theo hướng khuyến khích tiết kiệm điện, sử dụng điện có hiệu quả với nguyên tắc lũy tiến bậc thang.

Đồng thời, có chú ý đến chính sách hỗ trợ đối với những hộ dùng điện ít và có thu nhập thấp, hộ chính sách, đại bộ phận những hộ tiêu dùng điện có tỷ trọng tiêu thụ sản lượng điện ở mức trung bình.

Về các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá điện sinh hoạt, các chuyên gia cho rằng Phương án 1 (giữ nguyên như biểu cơ cấu giá bán điện bậc thang hiện hành) giữ như hiện hành, không làm xáo trộn việc áp dụng biểu giá điện, thực hiện được chính sách tiết kiệm điện.

Tuy nhiên phương án này có nhược điểm là khoảng cách chênh lệch giữa các mức giá của một số bậc chưa thật sự hợp lý, dẫn đến có những khoảng thời gian nhu cầu tiêu dùng điện tăng cao (mùa nắng nóng) thì tốc độ tăng tiền điện cao hơn tốc độ tăng sản lượng điện tiêu thụ.

Về Phương án 2 (đồng giá), chỉ có một ý kiến đồng ý phương án này (tương đương 3,7% số ý kiến) và cho rằng phương án đồng giá dễ áp dụng, dễ kiểm tra và bình đẳng ai dùng ít trả tiền ít, ai dùng nhiều trả tiền nhiều. Tuy phương án có những khuyết điểm, nhưng theo đại biểu cần cải cách một lần đồng giá như Singapore đã làm, chấp nhận gặp khó khăn một lần để hướng tới thị trường ngay.

Về Phương án 3 (từ biểu cơ cấu giá bán điện hiện hành rút gọn lại 3 hoặc 4 bậc thang), có 26 ý kiến biểu thị sự đồng thuận với Phương án 3 (tương đương 96,29% số ý kiến), rút về 3 hoặc 4 bậc, thêm một ý kiến đưa về 5 bậc thang.

EVN sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp về biểu giá bán lẻ điện. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Hầu hết ý kiến đều cho rằng tuy phương án này vẫn còn có nhược điểm nhất định nhưng cũng có nhiều ưu điểm khắc phục được phần lớn những nhược điểm của Phương án 1 và Phương án 2.

Đồng thời thỏa mãn được các tiêu chí của việc lựa chọn phương án là phải thực hiện tốt nhất chính sách giá điện theo quy định của Luật Điện lực, tạo điều kiện để quản lý, kiểm tra, giám sát việc sử dụng điện tốt hơn, ít nhược điểm nhất và tác động tăng giá thấp nhất (do phải dồn bậc) đến các đối tượng tiêu thụ điện ít và trung bình.

Về việc đồng thuận 1 trong 5 kịch bản của Phương án 3, hầu hết các ý kiến góp ý đều đồng thuận với Phương án 3, nhưng kịch bản nào trong phương án đó thì còn có những ý kiến khác nhau. Một số ý kiến không nêu rõ chọn kịch bản nào. Một số ý kiến đề nghị lựa chọn phương án 3 bậc thang.

Tuy nhiên số đông ý kiến đề nghị lựa chọn kịch bản 5 (gồm 4 bậc thang) và đề nghị cần giải quyết hợp lý một số nội dung như: Cần xác định khoảng giãn cách mức giá giữa các bậc thang ở mức hợp lý, không để quá xa; Hạn chế đến mức thấp nhất việc dồn bậc làm tác động tăng giá cụ thể ở các bậc đối với các hộ tiêu dùng điện ít, trung bình và giảm giá đối với hộ tiêu dùng nhiều điện; Tiếp tục nghiên cứu chênh lệch giữa các mức giá của các bậc thang sử dụng điện hợp lý hơn.

Một số ý kiến đề nghị giãn cách khoảng cách giữa các bậc thang. Một số ý kiến khác đề xuất cụ thể thay đổi mức sản lượng bậc thang đầu tiên là 0 - 100 kWh/tháng thay vì 0 - 50 kWh/tháng như hiện nay.

Sau khi tổng hợp toàn bộ các ý kiến, EVN sẽ báo cáo Bộ Công Thương để Bộ tổ chức họp lấy ý kiến các đơn vị liên quan, tổng hợp dự thảo Báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Các thủ tục sẽ được thực hiện theo trình tự xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hiện hành./.

Mai Phương

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục