Tiêu điểm trong ngày: Cơ hội nào cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên?

16:07' - 19/03/2018
BNEWS Hàng loạt động thái ngoại giao liên quan vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đang được các bên xúc tiến tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên đầu tiên trong lịch sử, dự kiến vào tháng 5 tới.

Hàng loạt động thái ngoại giao đáng chú ý đang được các bên xúc tiến liên quan vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, được nhìn nhận như các bước đi để thúc đẩy kế hoạch tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên đầu tiên trong lịch sử, dự kiến vào tháng 5 tới.

Trước những câu hỏi còn bỏ ngỏ về thái độ “im hơi lặng tiếng” của Triều Tiên sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump chấp nhận lời mời đối thoại trực tiếp của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, tuần qua, Triều Tiên đã cử các quan chức ngoại giao hàng đầu nước này tới Thụy Điển và Phần Lan. Phái đoàn tới Thụy Điển do Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho dẫn đầu.

Tiếp theo chuyến thăm trên, Bộ Ngoại giao Phần Lan cũng thông báo về chuyến thăm 2 ngày (18-19/3) của ông Choe Kang-il, Vụ phó Vụ các vấn đề Bắc Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên.

Giới quan sát cho rằng chuyến công du của các nhà ngoại giao Triều Tiên tới Thụy Điển và Phần Lan có liên quan tới kế hoạch xúc tiến các cuộc gặp thượng đỉnh giữa Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc, và đây cũng được xem là diễn biến mới nhất trong các nỗ lực ngoại giao liên tiếp thời gian nhằm hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Ông Ri Yong-ho và ông Choe Kang-il là các quan chức cấp cao đầu tiên của Triều Tiên xuất hiện công khai ở nước ngoài kể từ khi có thông báo về việc Tổng thống Trump đồng ý gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Các chuyến ngoại giao cấp cao này đã phần nào trấn an những người còn lo ngại về việc đến nay Triều Tiên vẫn chưa có thông báo chính thức nào về kế hoạch gặp thượng đỉnh với Mỹ cũng như với Hàn Quốc.

Nói về sự “im lặng” khó hiểu này, người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Baik Tae-hyun cho rằng có thể là do "Triều Tiên đang tiếp cận vấn đề một cách thận trọng và họ cần thời gian để xác định lập trường của mình".

Liên hệ chuyến công du của quan chức Triều Tiên tới Thụy Điển với kế hoạch tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, nhà phân tích Jerker Hellstrom, chuyên gia châu Á thuộc Cơ quan Nghiên cứu quốc phòng Thụy Điển (FOI) thuộc Bộ Quốc phòng, nhận định Thụy Điển "có một vai trò quan trọng trên bán đảo Triều Tiên, với tư cách quyền bảo hộ cũng như các đóng góp vào việc giám sát hiệp định đình chiến" giữa hai miền Triều Tiên.

Thụy Điển mở Đại sứ quán ở Bình Nhưỡng vào năm 1975, cũng đại điện cho các lợi ích của Mỹ, Canada và Australia ở Bình Nhưỡng và được coi là kênh liên lạc không chính thức giữa Mỹ và Triều Tiên.

Trong khi đó, Thủ tướng Lofven tuyên bố: "Nếu các bên (hai miền Triều Tiên, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc) muốn Thụy Điển đóng một vai trò - tạo điều kiện, là một diễn đàn hoặc một kênh liên lạc hay bất cứ thứ gì có thể - thì chúng tôi đã sẵn sàng làm việc đó".

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng những tin đồn về việc Thụy Điển có thể đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên là quá vội.

Cùng những động thái của Triều Tiên, giới chức Hàn Quốc cũng đang xúc tiến công tác chuẩn bị cho các cuộc gặp bước ngoặt với Triều Tiên.

Ông Chung Eui-yong, Giám đốc Văn phòng An ninh quốc gia thuộc Phủ Tổng thống Hàn Quốc, cũng là đặc phái viên của Tổng thống Moon Jae-in, đã tiến hành một loạt chuyến ngoại giao con thoi tới Mỹ 2 lần, tiếp đó là Nhật Bản, Trung Quốc và Nga.

Sau các cuộc gặp, các nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc đã nhất trí ủng hộ các cuộc đối thoại thượng đỉnh sắp tới, đồng thời coi đây là cơ hội quan trọng nhằm "thay đổi tích cực" tình hình trên bán đảo Triều Tiên.

Quan điểm của Moskva và Bắc Kinh đối với các cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều và liên Triều được đặc biệt chú ý bởi Nga và Trung Quốc là 2 thành viên trong vòng đàm phán 6 bên – cơ chế duy nhất từ trước tới nay được xem là nền tảng để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Nhật Bản cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác với Mỹ và Hàn Quốc trong các nỗ lực ngoại giao nhằm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, nhưng vẫn kêu gọi duy trì chính sách “gây sức ép tối đa”, nhằm buộc Triều Tiên cam kết từ bỏ tên lửa và hạt nhân "một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược".

Nhật Bản cũng khẳng định vai trò của mình với tư cách là một bên trong vòng đàm phán 6 bên, như ông Katsuyuki Kawai, cố vấn của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định: "Nhật Bản không phải là một quan sát viên, mà là một trong các nhân vật chính".

Tuần qua Nhật Bản đã đề xuất tài trợ cho hoạt động thanh sát hạt nhân tại Triều Tiên nếu các bên đạt thỏa thuận, và gợi ý về một cuộc gặp thượng đỉnh Nhật – Triều.

Về phần Mỹ, động thái của Tổng thống Donald Trump bất ngờ thay đổi nhân sự cấp cao ở Bộ Ngoại giao, đưa Giám đốc CIA Mike Pompeo, người được xem là “quân sư” của ông Trump trong vấn đề Triều Tiên, sang làm Ngoại trưởng, được cho là bước chuẩn bị cho cuộc gặp với Triều Tiên.

Với việc cử một nhân vật được xem là nổi tiếng về quan điểm “diều hâu” lãnh đạo Bộ Ngoại giao, giới chuyên gia cho rằng chính quyền Tổng thống Trump đang chuẩn bị phương án "không khoan nhượng "với Bình Nhưỡng.

Dự đoán này càng được củng cố sau khi có tin ông John Bolton, người nổi tiếng với quan điểm cứng rắn, có thể sẽ tham gia phái đoàn Mỹ công du Triều Tiên sắp tới.

Tuy nhiên, việc thay đổi nhân sự Bộ Ngoại giao Mỹ trong bối cảnh hiện nay, cùng với tình hình thiếu hụt nhân sự ở bộ này, nhất là những người "am hiểu về Triều Tiên" cũng gây những quan ngại về khả năng có thể tiến hành được cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên, bởi giới phân tích cho rằng ông Trump và các phụ tá khó có thể chuẩn bị kịp cho cuộc gặp kể trên chỉ trong vỏn vẹn có 10 tuần lễ.

Đặc biệt, kể từ khi lên cầm quyền, Tổng thống Trump được cho là "thường không kiên định với lập trường của chính mình cũng như những kế hoạch đã được vạch sẵn". Điều đó tạo ra rủi ro rất lớn cho kế hoạch tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Chủ tịch nhóm cố vấn doanh nghiệp và các tổ chức chính trị Longview Global Advisors (LGA), DJ Peterson bình luận: “Rủi ro lớn nhất đối với các cuộc đàm phán không phải là Triều Tiên… Đó là Washington, là Nhà Trắng".

Trong khi đó, thông tin của CNN ngày 16/3 về hình ảnh vệ tinh mới được các chuyên gia phương Tây phân tích, cho thấy Triều Tiên đã bắt đầu kiểm tra sơ bộ một trong những lò phản ứng hạt nhân tại cơ sở nghiên cứu Yongbyon, và việc mạng 38 North chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên cho rằng một lò phản ứng khác gần kề tại Yonbyon cũng có dấu hiệu hoạt động, cũng khiến dư luận đặt câu hỏi về khả năng tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều cũng như cuộc gặp Mỹ - Triều./.
Xem thêm:

>>>Giá dầu châu Á tăng sau thông tin về cuộc gặp Mỹ - Triều Tiên

>>>Tướng Mỹ về hưu cảnh báo hậu quả chiến tranh Mỹ - Triều Tiên

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục