Tiêu điểm trong ngày: "Cú hích" cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên

19:56' - 06/03/2018
BNEWS Chuyến thăm của phái đoàn các đặc phái viên Tổng thống Hàn Quốc tới Bình Nhưỡng đã đạt kết quả "đột phá" với việc hai bên ấn định thời gian tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba.

Chuyến thăm của phái đoàn các đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc tới Bình Nhưỡng đã đạt kết quả được đánh giá là "đột phá" với việc hai bên ấn định thời gian tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba, đồng thời đưa ra một loạt biện pháp cụ thể giảm căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên.

Ngày 6/3, trở về từ Triều Tiên, Giám đốc Văn phòng an ninh quốc gia thuộc Phủ Tổng thống Chung Eui-yong, người dẫn đầu phái đoàn Hàn Quốc, cho biết hai miền Triều Tiên đã nhất trí tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều vào cuối tháng Tư tại làng đình chiến Panmunjeom cũng như thiết lập đường dây nóng giữa lãnh đạo hai bên.

Cũng theo ông Chung Eui-yong, phía Triều Tiên đã tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa nếu như an ninh được bảo đảm, đồng thời nhấn mạnh sẵn sàng đối thoại với Mỹ về phi hạt nhân hóa và bình thường hóa quan hệ.

Trong thời gian đàm phán với Mỹ, Triều Tiên sẵn sàng ngừng hoạt động hạt nhân và tên lửa. Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng cam kết sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí thông thường tấn công Hàn Quốc.

Những thỏa thuận này là kết quả cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un với phái đoàn Hàn Quốc trong buổi tiếp đoàn tại trụ sở chính của đảng Lao động Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên các quan chức Hàn Quốc thăm trụ sở chính của đảng Lao động Triều Tiên.

Đây cũng là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đối thoại trực tiếp với giới chức Hàn Quốc kể từ khi ông lên nắm quyền hồi năm 2011, cuộc đối thoại mà Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA mô tả "diễn ra trong bầu không khí chân thành giữa những người đồng hương”.

Cơ hội "lần đầu tiên" này, được tạo ra sau sự kiện hai phái đoàn phái đoàn cấp cao Triều Tiên tới Hàn Quốc tham dự lễ khai mạc và bế mạc Olympic mùa Đông PyeongChang 2018, đã được hai miền cụ thể hóa bằng hàng loạt thông điệp về hòa giải và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khẳng định chuyến thăm của phái đoàn Hàn Quốc tới Bình Nhưỡng đã mở ra con đường tới hòa bình và thịnh vượng, từ đó các bên có thể hy vọng đạt được mục tiêu chính là thiết lập hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Theo các nhà phân tích, việc Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cử một đoàn cấp cao tới Triều Tiên đã mở ra một con đường ngoại giao mới, đồng thời, những động thái tích cực dồn dập giữa hai miền Triều Tiên kể từ đầu năm 2018 tới nay cho thấy vấn đề hạt nhân trên Triều Tiên đang bước sang một giai đoạn mới.

Trung Quốc, trong phản ứng đầu tiên sau khi Tổng thống Hàn Quốc cử đặc phái viên tới Triều Tiên, tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng phối hợp thúc đẩy cuộc đối thoại giữa hai miền Triều Tiên vì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng, Trung Quốc coi đây là tín hiệu tích cực, song cho rằng việc giảm căng thẳng trong quan hệ giữa hai miền Triều Tiên cần phải đi kèm với việc "xích lại gần nhau" về quan điểm giữa Triều Tiên và Mỹ, từ đó tiến tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cũng như bảo đảm hòa bình và ổn định bền vững ở khu vực.

Nhật Bản có cách tiếp cận thận trọng khi tuyên bố nước này sẽ tiếp tục gây sức ép tối đa đối với Triều Tiên với lý lẽ rằng "các cuộc đối thoại trong quá khứ không dẫn đến việc Triều Tiên phi hạt nhân hóa". Tokyo lo ngại Bình Nhưỡng đang tìm cách làm suy yếu các biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm vào họ bằng cách tỏ thái độ cởi mở với Hàn Quốc, cũng như mua thêm thời gian để phát triển các công nghệ tên lửa và hạt nhân của Triều Triên.

Trong khi đó, quan điểm của Mỹ đối với cuộc đối thoại với Bình Nhưỡng vẫn mập mờ vì ngay trong thời gian diễn ra chuyến thăm của phái đoàn Hàn Quốc tới Triều Tiên, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên sau khi cáo buộc Bình Nhưỡng sử dụng vũ khí hóa học.

Chuyên gia nghiên cứu chính trị Tom Harper thuộc Đại học Surrey (Anh) cho rằng có một chút bất đồng giữa cách tiếp cận của Hàn Quốc và Mỹ với Triều Tiên. Dường như chính quyền của Hàn Quốc hiện nay mềm mỏng hơn nhiều so với chính quyền tiền nhiệm.

Trong khi đó, các quan chức Mỹ bắt đầu thể hiện lập trường thù địch hơn. Cho tới nay, chính sách Triều Tiên của chính quyền Trump chủ yếu dựa trên việc gây áp lực kinh tế lên Triều Tiên. Mục tiêu rộng hơn đã được nêu rõ là "gây áp lực tối đa" để buộc Triều Tiên phải từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.

Những thỏa thuận mới nhất giữa hai miền Triều Tiên cho thấy hoạt động ngoại giao trên bán đảo Triều Tiên đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Hàn Quốc cũng từng đặt mục tiêu thông qua chuyến thăm của phái đoàn tới Bình Nhưỡng lần này thúc đẩy Triều Tiên nối lại đàm phán với Mỹ và cộng đồng quốc tế về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Tới đây, Hàn Quốc sẽ cử người tới Washington để thông báo với Tổng thống Mỹ Donald Trump về nội dung các cuộc hội đàm vừa qua và trao đổi chi tiết về những nỗ lực của hai nước nhằm mở đường cho các cuộc đàm phán trực tiếp Mỹ-Triều.

Các chuyên gia cho rằng với cách tiếp cận cứng rắn như hiện nay, Mỹ có thể "bị tụt lại phía sau", không thể bảo vệ một cách thỏa đáng những lợi ích của mình cũng như không kiểm soát được tiến trình này.

Những tuyên bố của phía Triều Tiên trong chuyến thăm của phái đoàn Hàn Quốc đang mở ra cơ hội đạt được mục tiêu này một cách hòa bình, thay vì thông qua một cuộc tấn công quân sự như Mỹ vẫn đe dọa.

Chuyên gia Triều Tiên của Viện Hòa bình Mỹ Frank Aum nêu giả thiết về một thỏa thuận mà trong đó Triều Tiên nhất trí hạn chế và đóng băng chương trình hạt nhân của mình, tiếp theo là giải giáp hạt nhân một cách lâu dài, thẩm định được, để đổi lấy quan hệ được bình thường hóa và giảm bớt các lệnh trừng phạt.

Cả Mỹ và Hàn Quốc đều đặt mục tiêu lâu dài là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Vấn đề là lâu nay Triều Tiên vẫn tuyên bố coi vũ khí hạt nhân là "con bài để đối phó" với mối đe dọa tấn công từ phía Mỹ. Bế tắc trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên có vẻ nằm ở chỗ cả Mỹ và Triều Tiên không chịu nhượng bộ để có thể ngồi lại đàm phán với nhau.

Tổng thống Moon Jae-in đã nói rằng “Mỹ cần phải hạ ngưỡng đàm phán xuống, và Bình Nhưỡng nên chứng tỏ sẵn lòng phi hạt nhân hóa". Những bước tiến ngoại giao mang tính "đột phá" giữa hai miền Triều Tiên có thể tạo ra "cú hích" cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên hay không, câu trả lời nằm ở cách thức "tiếp nhận" của các bên liên quan đối với những thông điệp tích cực này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục