Tiêu điểm trong ngày: Niềm vui vẫn song hành mối lo

17:38' - 21/06/2018
BNEWS Quy định chia tách con khỏi bố mẹ trong các gia đình nhập cư bất hợp pháp theo Luật An ninh biên giới Mỹ cuối cùng đã được bãi bỏ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký và ban hành sắc lệnh vào ngày 20/6.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (ảnh, giữa) ngày 20/6 ký sắc lệnh hành pháp giúp cho thành viên của các gia đình nhập cư có thể ở cùng nhau tại biên giới với Mexico. Ảnh: EPA/ TTXVN

Sau gần 2 tháng thực thi, quy định chia tách con khỏi bố mẹ trong các gia đình nhập cư bất hợp pháp theo Luật An ninh biên giới Mỹ cuối cùng đã được bãi bỏ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký và ban hành sắc lệnh vào ngày 20/6.

Tuy nhiên, điều khiến ông chủ Nhà Trắng có sự "nhượng bộ" này lại xuất phát những những căng thẳng tích tụ theo từng ngày trong nội bộ đảng Cộng hòa cầm quyền, chứ không phải là do tác động của tiếng "khóc lóc và gào thét" của những đứa trẻ đòi mẹ khi bị chia cắt.

Song dù vì bất cứ lí do gì, việc Mỹ bãi bỏ quy định nói trên cũng đã nhận được sự hoan nghênh từ cộng đồng quốc tế vốn đang cực lực phản đối quy định được cho là thiếu nhân đạo này.

Kể từ sau khi Mỹ áp dụng chính sách “không khoan nhượng” nhằm bảo vệ biên giới và ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp hồi tháng 5, theo đó những người bị bắt khi đang tìm cách nhập cư trái phép vào Mỹ sẽ bị truy tố hình sự, cũng chính là điều buộc họ phải chịu cảnh ly tán với con cái mình.

Đã có hơn 2.300 trẻ em bị chia tách khỏi bố mẹ khi nhập cư trái phép vào Mỹ và được đưa tới trung tâm lưu trú do Bộ Y tế và các cơ quan nhân quyền quản lý, trong khi bố mẹ của chúng bị đưa vào các nhà tù liên bang.

Quy định này ngay từ ban đầu đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế cũng như gây chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ vì dư luận cho rằng điều này vi phạm nghiêm trọng quyền của trẻ em và đi ngược lại các tiêu chuẩn quy định về quyền con người.

Những lời kêu gọi Mỹ chấm dứt việc thực thi quy định này ngày càng dồn dập hơn trong thời gian gần đây khi những hình ảnh chia cắt giữa bố mẹ và con cái đầy thương tâm được công bố và gây sốc đối với nước Mỹ và cả thế giới.

Tuy nhiên, chỉ đến khi các nghị sĩ Cộng hòa nhóm họp ngày 20/6 tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump mới bất ngờ tuyên bố ký sắc lệnh bãi bỏ thực hiện quy định gây tranh cãi nói trên.

Cùng với đó, ông Trump bày tỏ hi vọng việc ký sắc lệnh này sẽ diễn ra song song với việc dự thảo luật về vấn đề nhập cư sẽ được Quốc hội thông qua. Theo kế hoạch, Hạ viện Mỹ sẽ xem xét một dự luật về vấn đề này trong ngày 21/6.

Do đó, việc nhà lãnh đạo Mỹ quyết định bãi bỏ việc thực thi quy định tách con khỏi bố mẹ các gia đình nhập cư bất hợp pháp dường như là cử chỉ "lấy lòng" các nghị sĩ Quốc hội trước một dự luật siết chặt nhập cư mà ông đang theo đuổi.

Theo kết quả một cuộc thăm dò mới nhất do trường Đại học Quinnipiac thực hiện, chỉ có 55% nghị sĩ đảng Cộng hòa ủng hộ biện pháp nói trên nhằm siết chặt người nhập cư phi pháp vào Mỹ, trong khi chỉ có 27% dân chúng Mỹ tán thành.

Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump đảo ngược chính sách di trú gây tranh cãi, cho phép các gia đình nhập cư trái phép được đoàn tụ đã ngay lập tức nhận được những phản ứng tích cực từ cộng đồng quốc tế, trước tiên là từ các nước Trung Mỹ.

Mexico và nhiều nước khu vực Trung Mỹ đã lên tiếng hoan nghênh quyết định Tổng thống Trump. Trên tài khoản Twitter của mình, Ngoại trưởng Mexico Luis Videgaray viết: “Không còn nghi ngờ gì nữa - đây là một tin tức tốt lành, chấm dứt sự chia rẽ dã man và vô nhân đạo các trẻ em nhập cư với cha mẹ chúng”.

Trước đó một ngày, Bộ Ngoại giao Mexico đã ra thông cáo lên án chính sách gây ly tán gia đình này là “tàn bạo và vô nhân tính”.

Chính phủ Guatemala cũng “hoan nghênh quyết định của Tổng thống Trump xóa bỏ chính sách di trú đang làm ly tán các gia đình”.

Tuy nhiên, dù chấp thuận xóa bỏ quy định tách con khỏi bố mẹ đối với những gia đình vượt biên trái pháp vào Mỹ, nhưng trong sắc lệnh mới, ông Trump tiếp tục đưa ra những điều kiện hà khắc đối với những người nhập cư trái phép bị bắt giữ.

Điều này cho thấy Washington vẫn kiên trì theo đuổi chính sách mạnh mẽ nhằm hạn chế người nhập cư trái phép vào Mỹ.

Theo sắc lệnh vừa ban hành, những đối tượng là người trưởng thành bị bắt khi vượt biên trái phép, kể cả đang tìm cách xin cấp quy chế tị nạn, sẽ bị giam giữ và buộc tội xâm nhập trái phép lãnh thổ Mỹ.

Thời gian giam giữ có thể từ vài tháng cho tới vài năm, cho tới khi các cơ quan chức năng Mỹ hoàn tất việc xét duyệt đơn xin nhập cư.

Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) sẽ thay thế Bộ Tư pháp và Bộ Dịch vụ con người và nhà ở chịu trách nhiệm quản lý giam giữ các gia đình nhập cư trái phép trong thời gian này.

Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng những điều kiện hà khắc nói trên sẽ khiến chính quyền của ông Donald Trump đối mặt với loạt thách thức mới.

Ông Anthony Romero, Giám đốc điều hành Liên đoàn Tự do dân sự Mỹ, nhận định “sắc lệnh mới sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng khác. Nhà tù cũng không phải nơi dành cho trẻ em, kể cả đó là nơi chúng có thể đoàn tụ với cha mẹ.

Nếu Tổng thống Mỹ nghĩ đoàn tụ các gia đình trong nhà giam vô thời hạn là điều mà họ muốn thì ông ấy đã lầm".

Còn theo nhận định của Jill Abramson, cựu tổng biên tập tờ New York Times và hiện phụ trách một chuyên mục trên tờ The Guardian, việc Mỹ chấm dứt quy định tách con khỏi cha mẹ có thể làm dịu sự phẫn nộ của công chúng vào thời điểm hiện tại, song những tranh cãi về vấn đề nhập cư có thể để lại "những vệt đen lâu dài" trong cuộc đời làm tổng thống của ông Trump.

Rõ ràng, trước mắt, các cơ quan chức năng Mỹ sẽ phải giải quyết vấn đề về địa điểm tạm giữ các gia đình nhập cư bất hợp pháp.

Vấn đề sẽ càng phức tạp hơn khi không thể rõ thời gian giam giữ sẽ kéo dài bao lâu và làm thế nào để đoàn tụ các gia đình bị chia cắt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục