Tìm động lực cho HTX kiểu mới: Bài 4 - Những “đòn bẩy” cho phát triển bền vững

07:48' - 31/03/2016
BNEWS Điều mà nông dân trông đợi nhất là phải có chính sách phù hợp cho các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác giúp họ tháo gỡ khó khăn. Hợp tác xã mạnh thì người nông dân sẽ hăng hái làm ăn, góp vốn.

Hãy củng cố cho hợp tác xã mạnh thì nông dân sẽ hăng hái làm ăn, góp vốn vào. Cơ hội lẫn thách thức tới trước ngưỡng cửa rồi.

Đấy là những thúc giục của các nhà khoa học, những người quản lý quỹ tín dụng - "bà đỡ" cho nông dân, khi nhắc đến hợp tác xã trong thời kỳ mới, đặc biệt là tác động từ TPP- “hiệp định thương mại của thế kỷ 21" với các mô hình sáng tạo này.

Mô hình trông nấm cho thu nhập cao ở HTX Dịch vụ Tổng hợp Đại trường, huyện Ba Vì – Hà Nội. Ảnh minh họa: TTXVN

Nói về hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã 2012, Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Hoan- Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội cho rằng: "Luật Hợp tác xã 2012 ra đời là phản ánh và dựa trên nhu cầu bức thiết của người nông dân trong sản xuất, kinh doanh. Họ đòi hỏi phải có các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác xã do người dân tự thành lập dựa trên thực tế địa phương, trên nhu cầu xã hội để phát huy hiệu quả". 

Và điều mà người nông dân trông đợi nhất là phải có những chính sách phù hợp cho các mô hình này, giúp họ tháo gỡ khó khăn. Vì thế, phải củng cố cho hợp tác xã mạnh thì người nông dân sẽ hăng hái làm ăn, góp vốn vào.

"Hiện nay, người nông dân và hợp tác xã bước vào tình hình mới, đó là đất nước đang hội nhập vào các hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực giữa 10 nước ASEAN và 6 nước đối tác, FTA với Liên minh châu Âu, FTA Việt Nam - Hàn Quốc.

Người nông dân đều biết, đều suy nghĩ và đang có những chuẩn bị. Họ hiểu rằng, khi thị trường trong nước mở cửa theo luật chơi toàn cầu này thì các quốc gia khác cũng sẽ phải mở cửa cho rất nhiều nhóm hàng nông sản của Việt Nam đổ vào.

Trong bối cảnh cơ hội và thách thức đó, mà cơ hội là phần nhiều, vai trò của hợp tác xã là phải liên kết, đảm bảo cho người nông dân tiếp thu được các khoa học kỹ thuật để họ sản xuất ra các sản phẩm khoa học công nghiệp theo đúng chuỗi sản phẩm.

Chỉ có cùng nhau tạo ra sản phẩm chất lượng, giá rẻ, có thương hiệu, sản lượng lớn mới cạnh tranh được. Không chịu thay đổi thì sẽ chết chìm", ông Vũ Hoan nhấn mạnh.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Hoan, Hà Nội được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong việc hỗ trợ pháp lý, củng cố hoạt động, bộ máy hợp tác xã.

Trong phương diện khoa học kỹ thuật, hiện các nhà khoa học đang cùng thành phố, hợp tác xã nỗ lực xây dựng phát triển kinh tế địa phương, tạo bước ngoặt chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp tăng năng suất cây trồng vật nuôi, cải thiện môi trường, phát triển các sản phẩm du lịch.

Toàn thành phố Hà Nội đã đưa ra hàng trăm đề tài, dự án nghiên cứu khoa học ứng dụng vào cuộc sống, đặc biệt có gần 90 đề tài ứng dụng vào nông nghiệp nông thôn. Từ các đề tài đã tạo ra những mô hình sản xuất thâm canh, an toàn, bền vững và ổn định.

Công nghệ kỹ thuật mới đang từng bước tạo sự đột phá, hình thành các vùng chuyên canh trồng cây ăn quả đặc sản, trồng hoa công nghiệp, rau an toàn, tạo giống lúa lai năng suất cao, phòng chống dịch bệnh cho các huyện ngoại thành.
Trò chuyện về hoạt động của hợp tác xã trước những tác động từ tình hình mới, ông Nguyễn Văn Tài- Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức, bộc bạch: Việt Nam đang hội nhập vào hàng loạt các hiệp định kinh tế song phương, đa phương.

Thế nên, suy nghĩ và cách thức làm ăn của người nông dân, các hợp tác xã phải khác trước đây. "Khác ở điểm nào, theo tôi, đó là sản phẩm của người nông dân không chỉ cho trong nước, không chỉ dành cho người nông dân, mà sản phẩm đó còn hòa nhập vào các hiệp định kinh tế nên các sản phẩm đó sẽ mang ý nghĩa toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang nói nhiều hơn bao giờ hết về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, Hợp tác xã không chỉ đơn thuần giúp nông dân sản xuất tại đồng ruộng, mà còn biết đưa khoa học kỹ thuật vào, đổi mới cây trồng vật nuôi trên từng thửa ruộng canh tác để nâng cao chất lượng, hiệu quả sản phẩm. Và khi đã có sản phẩm tốt thì khâu tìm đầu ra ổn định, được giá cũng phải nhờ hoàn toàn vào năng động, tự chủ của hợp tác xã.

Nói tóm lại, Nhà nước và doanh nghiệp chỉ là những động lực, những cánh tay giúp đỡ để hợp tác xã giảm khó khăn và có cơ hội tiến xa, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là sự tự chủ, năng động, sáng tạo, đề ra phương án kinh doanh khả thi của từng đơn vị. Như vậy thì quỹ tín dụng cũng mới tin tưởng để cho họ vay vốn", ông Nguyễn Văn Tài chỉ rõ.
Tiến sỹ Lê Xuân Rao - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cũng cho hay: Hợp tác xã muốn phát triển được thì phải thực sự đổi mới, nhất là việc tiếp cận các thành tựu về khoa học kỹ thuật, công nghệ để đưa vào phục vụ sản xuất nông nghiệp ở quy mô hợp tác xã.

Nhiều cơ chế chính sách đã được ban hành để hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu chuyển giao vào hợp tác xã nhưng việc ứng dụng khá hạn chế, hiệu quả chưa cao. "Đó là do hợp tác xã vì những nguyên nhân khác nhau mà hiểu biết chưa sâu, những người điều hành quản lý chưa hiệu quả, uy tín của các đối tác chưa được đảm bảo.

Để khắc phục chuyện này thì các hợp tác xã cũng phải được tập huấn về kiến thức khoa học công nghệ. Những giống cây trồng mà hợp tác xã đưa vào sản xuất nên được nghiên cứu, thẩm định trước. Nhanh chóng khắc phục những nhược điểm trong mua bán phân giống và hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, tuyệt đối không để sử dụng phải hàng giả, hàng rởm, hàng chất lượng kém.

Phải tìm được những nhà cung cấp uy tín, đồng thời, tranh thủ các kênh hỗ trợ về kinh phí", Tiến sỹ Lê Xuân Rao nói.
"Vì thế, với vai trò liên kết, hợp tác xã phải thay thế người nông dân vì họ không có đủ điều kiện. Chỉ khi nào làm được những điều đó thì thành công mới đến và người nông dân cùng hợp tác xã đều có lợi ích", Tiến sỹ Lê Xuân Rao khẳng định.
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua, cũng như tới đây Hà Nội đặc biệt quan tâm, đầu tư nguồn lực lớn, có trọng tâm trọng điểm, xây dựng các mô hình sản xuất tập trung, chuyên canh lớn, tạo giá trị hàng hóa đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, từ đó xây dựng các thương hiệu để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, nhất là đứng trước thời kỳ hội nhập, cạnh tranh cao.

Thời gian qua, Hà Nội đã đầu tư cho các vùng nông thôn gấp rất nhiều lần, có nơi gấp vài chục lần trở lên so với giai đoạn trước. Điều quan trọng hơn nữa là đang cần sự năng động từ chính các hợp tác xã, tạo thành luồng gió mới tương tác, giúp đỡ, hộ trợ lẫn nhau để trở thành một loại hình kinh tế quan trọng hàng đầu ở Thủ đô.

Đây cũng là nơi thu hút nhiều người tham gia, cũng sẽ tác động rất lớn đến thu nhập, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội và an ninh ở cơ sở ngày càng tốt hơn./.

>> Tìm động lực cho HTX kiểu mới - Bài 1: Thực trạng đầy khó khăn

>> Tìm động lực cho HTX kiểu mới - Bài 2: Trình độ quản lý chưa đáp ứng yêu cầu

>> Tìm động lực cho HTX kiểu mới - Bài 3: Sức mạnh của hợp tác xã kiểu mới

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục