Tìm đường cho đặc sản chinh phục thị trường Tp. Hồ Chí Minh

19:05' - 08/12/2017
BNEWS Thị trường bán lẻ của Tp. Hồ Chí Minh còn rất nhiều dư địa để các doanh nghiệp địa phương tham gia đầu tư, kinh doanh.
Khách hàng mua sắm tại Co.opMart. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN

Dự báo trong giai đoạn 2016 – 2020, tốc độ tăng trưởng bán lẻ của Tp. Hồ Chí Minh ước bình quân đạt 8,5%/năm, tương đương quy mô thị trường bán lẻ đạt khoảng 750.000 tỷ đồng (khoảng hơn 32 tỷ USD) đến năm 2020; trong đó dự kiến lĩnh vực bán lẻ hiện đại sẽ đạt tối thiểu trên 40%.

Điều này cho thấy, thị trường bán lẻ của Tp. Hồ Chí Minh còn rất nhiều dư địa để các doanh nghiệp địa phương tham gia đầu tư, kinh doanh và gắn kết với doanh nghiệp thành phố cùng phát triển.

Đây là thông tin được cho biết tại Hội thảo "Kết nối sản phẩm vào kênh phân phối hiện đại, chợ truyền thống" tại Tp. Hồ Chí Minh, tổ chức chiều ngày 9/12.
Giải pháp tạo đầu ra
Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, thành phố luôn được đánh giá là thị trường tiềm năng cho các nhà sản xuất, nhà cung cấp hàng hoá trên cả nước và đặc biệt là cho doanh nghiệp tại các tỉnh thành khu vực phía Nam.

Đồng thời, mang lại cơ hội tìm đầu ra cho sản phẩm, góp phần phát triển thị phần và là thị trường có nhu cầu đa dạng mặt hàng nông sản thực phẩm, gia súc, gia cầm, thuỷ hải sản, rau củ, quả…
Với vai trò đầu tàu kinh tế khu vực phía Nam, Tp. Hồ Chí Minh đã và đang triển khai nhiều giải pháp kết nối cung – cầu với các địa phương và nhận được sự hưởng ứng tích cực, cũng như hiện thực hoá các hoạt động hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Cụ thể, từ năm 2011 trước thực trạng nhà sản xuất khó tìm đầu ra nên không dám mạnh dạn đầu tư, quy mô nhỏ lẻ, không có thương hiệu; trong khi đó nguồn hàng cân đối cung cầu, bình ổn thị trường không ổn định, Tp. Hồ Chí Minh đã tiên phong triển khai Chương trình Hợp tác Thương mại với các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ.
Trong đó, điểm nhấn đáng chú ý là hoạt động kết nối cung – cầu hàng hóa với mục tiêu hình thành chuỗi cung ứng, tiết giảm chi phí trung gian, định hướng đầu tư quy mô lớn, truy xuất nguồn gốc.

Kết quả đến nay cho thấy, những giải pháp của Tp. Hồ Chí Minh đã phát huy được hiệu quả, khẳng định thương hiệu và trở thành xu thế chung của các địa phương trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.
Không chỉ dừng lại ở việc kết nối tiêu thụ hàng hóa, thông qua hoạt động kết nối cung – cầu hàng hóa, Tp. Hồ Chí Minh đã tìm kiếm, chọn lọc được nhiều doanh nghiệp địa phương tham gia bình ổn thị trường. Đồng thời, kết nối thực hiện được 75 dự án đầu tư sản xuất, liên kết đầu tư, với tổng số vốn đầu tư 27.428 tỷ đồng tại nhiều địa phương trên cả nước, gồm: dự án nuôi trồng, chế biến thực phẩm, xây dựng nhà máy, trang trại, Trung tâm Thương mại, hệ thống siêu thị.
Đánh giá về các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập vào mạng lưới bán lẻ Tp. Hồ Chí Minh, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực – Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, những chương trình của thành phố nói chung, Hội nghị kết nối cung – cầu nói riêng đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng liên kết, hợp tác cùng phát triển ra thị trường cả nước.
Qua nhiều năm tổ chức, các chương trình ngày càng được cải thiện quy mô và tính hiệu quả với nhiều hoạt động thiết thực để các đơn vị tham gia chuỗi cung ứng hàng hoá cùng nhau tháo gỡ điểm nghẽn trong lưu thông hàng hoá.

Đồng thời, các đơn vị sản xuất kinh doanh, phân phối và cơ quan quản lý có thể tìm tiếng nói chung, khai thông chuỗi liên kết hàng hoá, giữ vững vị thế hàng Việt tại thị trường nội địa và từng bước hướng đến xuất khẩu.
Hỗ trợ hàng vào siêu thị
Theo ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hương Quế (Thành phố Đà Nẵng), so với 5 năm trước, các nhà bán lẻ, hệ thống siêu thị đã tiếp thu, điều chỉnh mối quan hệ liên kết, tương tác với nhà cung cấp theo xu hướng tích cực và đảm bảo lợi ích của các bên hơn.

Mặc dù vậy, tình trạng Ban lãnh đạo các hệ thống bán lẻ rất cầu thị, nhưng bộ phận nghiệp vụ trực tiếp làm việc với nhà cung cấp vẫn có sự phân biệt đối xử giữa các nhà cung cấp. Đồng thời, nhiều trường hợp gây khó khăn, bất lợi và tốn kém chi phí cho đơn vị sản xuất, nhà cung cấp.
Tương tự, ông Ngô Đức Sinh, Tổng giám đốc Công ty Nông lâm sản Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình) cho hay, hiện nay công tác đặt hàng của các hệ thống siêu thị đang có nhiều vấn đề và gây cản trở khâu lưu thông hàng hoá, cũng như chưa hỗ trợ nhà cung cấp đưa hàng lên kệ thành công. Trong đó, bộ phận đặt hàng của các siêu thị đang đặt hàng bằng cảm tính, ước lượng hơn là dựa vào các nguyên tắc đã đưa ra.

Đơn cử, có những chuỗi siêu thị chỉ giao cho một người phụ trách đặt hàng và đặt cho cả chuỗi, không nắm rõ thông tin cụ thể từng điểm bán, không gắn kết với tồn kho nên dẫn đến nhu cầu ảo.
Còn một số doanh nghiệp khác cũng phản ánh, hiện nay đơn vị sản xuất kinh doanh, nhà cung cấp rất khó kết nối với nhân viên đặt hàng của các hệ thống siêu thị.

Do đó, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng các hệ thống siêu thị có giải pháp hợp tác với doanh nghiệp thí điểm khảo sát bán hàng tại từng điểm bán, để từ đó sử dụng đặt hàng thông minh gửi đơn hàng dự kiến, giao hàng theo lịch chính xác.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và thời đại cạnh tranh công nghệ, nếu doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhà cung cấp và hệ thống phân phối không đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin thì sẽ mất thị phần cũng như khó đứng vững trên sân nhà.
Liên quan đến những vấn đề trên, ông Hồ Quốc Nguyên, đại diện hệ thống siêu thị Big C Việt Nam, nhấn mạnh, chính sách thu mua của Big C là cởi mở và công bằng. Big C lựa chọn sản phẩm dựa trên nhu cầu thực tế của khách hàng, nên cơ hội hợp tác công bằng cho tất cả nhà cung cấp và đơn vị sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, để việc hợp tác được thuận lợi, theo ông Nguyên, Big C mong muốn nhà cung cấp, đơn vị sản xuất kinh doanh cần giới thiệu và thông tin rõ ràng về giá trị sản phẩm, nhu cầu thị trường ngành hàng, đối thủ cạnh tranh và sự khác biệt giữa sản phẩm của mình với đối thủ cạnh tranh…

Các đơn vị phải nắm rõ những điều này, thì các hệ thống siêu thị mới đồng hành và đưa ra giải pháp hợp tác cụ thể hơn.
Hiện nay, nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh địa phương, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, kinh tế trang trại… giới thiệu nhiều sản phẩm nhưng lại chưa qua kiểm nghiệm định kỳ, cơ sở chưa đạt chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm và chưa sẵn sàng các thủ tục pháp nhân để giao dịch mua bán nên dẫn đến tình trạng khó đưa hàng lên kệ siêu thị.

Bên cạnh đó, khâu cung ứng và giao nhận hàng hóa chưa đảm bảo quy trình, đáp ứng nhu cầu kinh doanh của kênh phân phối hiện đại, nên các nhà bán lẻ khó có giải pháp hỗ trợ.

>>>Nhiều sản phẩm độc đáo tại Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam năm 2017

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục