Tìm giải pháp đổi mới thể chế kinh tế trong thời kỳ hội nhập

13:29' - 28/07/2016
BNEWS Ngày 28/7, diễn đàn “Các vấn đề đặt ra về đổi mới thể chế kinh tế của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế theo các Hiệp định mà Việt Nam đã ký kết” đã được tổ chức tại Hà Nội.
Diễn đàn “Các vấn đề đặt ra về đổi mới thể chế kinh tế của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế theo các Hiệp định mà Việt Nam đã ký kết”. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS

Tại diễn đàn, các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã trao đổi về những thời cơ, thuận lợi và khó khăn khi thực hiện cải cách thể chế kinh tế ở nước ta trong giai đoạn hiện nay; từ đó tìm ra giải pháp nhằm đổi mới thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế.

Ông Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (đơn vị tổ chức diễn đàn) cho biết, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng. Cho đến thời điểm nay, Việt Nam chúng ta đã tham gia và hoàn tất đàm phán 12 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.

“Chúng ta đã có thị trường nhưng thị trường đó hiện nay vẫn chưa hoàn chỉnh. Các quy luật phổ quát của thị trường chưa được vận dụng đầy đủ. Khi hội nhập, Việt Nam phải cạnh tranh nhiều hơn, đặc biệt với hầu hết các nước trong ASEAN có kinh tế tương đồng Việt Nam, việc dịch chuyển thị trường tự do như vốn, công nghệ, nhất là lao động, thì Việt Nam sẽ khó cạnh tranh được với lao động có trình độ chuyên môn cao và kỹ năng tốt đến từ các nước khác trong khu vực”. - ông Tân nói.

Theo PGS. TS Lê Xuân Bá, đại diện Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách chưa hoàn chỉnh và đồng bộ với yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Quyền tự do kinh doanh chưa được tôn trọng đầy đủ; môi trường kinh doanh chưa thực sự đảm bảo cạnh tranh công bằng, lành mạnh; doanh nghiệp nhà nước chưa thể hiện được vai trò nòng cốt trên thực tế, doanh nghiệp tư nhân thì yếu kém, thiếu liên kết...

Trong khi đó, nhà nước vẫn chưa thể hiện được vai trò, hiệu quả trong quản lý, điều hành... Do vậy, phải làm thế nào để đổi mới thể chế giúp Việt Nam mạnh hơn, cạnh tranh tốt hơn trong hội nhập.

PGS. TS Lê Xuân Bá cho rằng, ngoài việc có các chính sách hỗ trợ nhóm doanh nghiệp tư nhân phát triển, cũng cần đẩy mạnh cơ cấu thị trường tài chính, phát triển đồng bộ các loại thị trường. Đồng thời, nâng cao tính minh bạch, tăng kiểm tra, kiểm soát các tiêu cực và cải cách tư pháp, cải cách hành chính, để tạo môi trường đầu tư phát triển tốt hơn cho doanh nghiệp.

Cùng quan điểm trên, theo ông Hoàng Xuân Hoà, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, trong thiết kế và vận hành thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy tắc, chuẩn mực xã hội điều chỉnh hành vi và giao dịch kinh tế; các thể chế về chủ thể và các yếu tố, các loại thị trường trong nền kinh tế; cơ chế thực thi giám sát.

Ngoài ra, phải tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp; có chính sách thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp Việt Nam thật sự trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu trong công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế;

Phát triển đồng bộ các thị trường và các loại thị trường; từng bước, theo lộ trình thực hiện mở cửa và gắn kết thị trường dịch vụ, thị trường tài chính, lao động, khoa học công nghệ với thị trường khu vực và thế giới.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục