Tìm giải pháp phát triển doanh nghiệp nông nghiệp

16:40' - 08/09/2016
BNEWS Do năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng thấp, tăng trưởng trong ngành nông nghiệp Việt Nam những năm gần đây có xu hướng giảm, nông nghiệp phát triển kém bền vững.
Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình tại diễn đàn "Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới". Ảnh: Thành Trung/BNEWS

Phát biểu tại Diễn đàn "Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới" diễn ra tại Hà Nội ngày 8/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, cần phải có những giải pháp phù hợp và hiệu quả nhằm phát triển doanh nghiệp nông nghiệp; đồng thời, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Việt Nam là nước có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng thấp, tăng trưởng trong ngành nông nghiệp trong những năm gần đây có xu hướng giảm, nông nghiệp phát triển kém bền vững.

Một trong những nguyên nhân quan trọng của những hạn chế, yếu kém trên là do phương thức sản xuất nông nghiệp ở nước ta chủ yếu dựa trên quy mô sản xuất hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún; doanh nghiệp, hợp tác xã chậm phát triển; sản xuất kinh doanh nông nghiệp thiếu liên kết.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, doanh nghiệp nông nghiệp chiếm tỷ lệ nhỏ và tốc độ phát triển rất chậm, năm 2014 chỉ chiếm dưới 1% trong tổng số các doanh nghiệp được điều tra với 3.844 doanh nghiệp. Đến năm 2015, số doanh nghiệp nông nghiệp giảm xuống chỉ còn 3.640 doanh nghiệp.
Trong khi đó, cơ cấu của các doanh nghiệp nông lâm thủy sản chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 96,53% tổng số doanh nghiệp. Có khoảng 50% doanh nghiệp ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản có quy mô hoạt động siêu nhỏ (dưới 10 lao động); doanh nghiệp hoạt động nhiều nhất trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 47,63%, tiếp đến là thủy sản 35,43% và ít nhất là lâm nghiệp 16,63%.

Diễn đàn "Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới". Ảnh: Thành Trung/BNEWS

Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư của xã hội cho nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng rất thấp, khoảng 5,4 - 5,6% tổng vốn đầu tư cả nước, trong khi nông nghiệp vẫn đóng góp 17,7% GDP cả nước vào năm 2014.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tăng từ 2.397 năm 2009 lên 3.640 doanh nghiệp năm 2015; trong đó doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm phần lớn (khoảng 8,5%).

Đã có nhiều nhà đầu tư thành công và trở thành những đầu tầu về ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển thị trường, tạo động lực phát triển cho nhiều vùng, địa phương như Vinamilk, Công ty cổ phần đường Lam Sơn, TH Truemilk...
Hiện nay đang có xu hướng nhiều nhà đầu tư nước ngoài (từ Nhật Bản, Hàn Quốc...) và nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đang tìm hiểu cơ hội và mong muốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như Tập đoàn Vingroup, HimLam, Viettel... Đây là cơ hội để tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển một nền nông nghiệp hiện đại với những sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu trên thị trường.
Trong khi đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nông nghiệp đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Lũy kế các dự án đầu tư được cấp phép còn hiệu lực đến tháng 6/2016 trong lĩnh vực nông nghiệp có 536 dự án, tổng số vốn đăng ký 3.774 triệu USD;

Riêng 6 tháng đầu năm 2016, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm là 53,1 triệu USD với 8 dự án cấp mới và 8 dự án tăng vốn, tăng 86,5% về vốn đầu tư và 62,5% về số dự án so với cùng kỳ năm 2015.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thời gian qua còn rất hạn chế và chưa tương xứng với tiềm năng, cũng như nhu cầu phát triển của ngành nông nghiệp.

Cụ thể, việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển nông nghiệp nông thôn chưa phù hợp với nhiệm vụ và nhu cầu phát triển ngành. Đầu tư của doanh nghiệp tư nhân trong nước còn thấp, thiếu ổn định; số lượng doanh nghiệp nông lâm thủy sản còn ít và có xu hướng giảm trong thời gian gần đây.

Giai đoạn 2010-2014, tốc độ tăng doanh nghiệp nông lâm thủy sản đạt bình quân 10,6%, thấp hơn so với mức tăng của doanh nghiệp nói chung là 10,9%/năm; tỷ trọng doanh nghiệp nông lâm thủy sản so với doanh nghiệp cả nước cũng giảm từ 1,01% năm 2010 xuống còn 0,96% năm 2014; đa phần là doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ (số doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm khoảng 55%).
Trong khi đó, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) mới ở giai đoạn thí điểm, quy mô nhỏ, phạm vi hẹp, các chính sách mới chưa được triển khai và chưa thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp về loại hình đầu tư này.
Đáng chú ý, vốn đầu tư tập trung chủ yếu ở các vùng thuận lợi, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Bắc Bộ, các vùng khó khăn hơn như Trung du miền núi phía Bắc, một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên chưa có nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Sự liên kết giữa doanh nghiệp với các nhà khoa học và nông dân trong chuỗi giá trị sản xuất còn ít và chưa chặt chẽ, dẫn đến chi phí cao, khả năng cạnh tranh thấp; chuỗi giá trị ngành hàng bị cắt đoạn, hiệu quả thấp.
Để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần triển khai các giải pháp như: cụ thể hóa các chủ trương, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài ở từng lĩnh vực, chuyên ngành thành các nhiệm vụ cụ thể, triển khai đến các địa phương.
Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, nhất là các doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân theo chuỗi giá trị, doanh nghiệp chế biến, sản xuất giống, vật tư và các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động ở nông thôn.
Đồng thời, tập trung cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển theo các nghị quyết của Chính phủ; đơn giản hóa thủ tục hành chính và tiết kiệm thời gian, kinh phí từ các thủ tục hành chính. Đồng thời rà soát, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, các bộ ngành cần phải phối hợp để xây dựng chuỗi liên kết ngành lúc đó sẽ có sản phẩm chất lượng và sức cạnh tranh bền bỉ.
Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng, cần đẩy mạnh các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp, nắm bắt những vấn đề phát sinh trong thực tiễn thực hiện chính sách, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn và hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, để thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp trên cần có sự tham gia tích cực của tất cả các thành phần kinh tế từ Trung ương đến địa phương; trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt quan trọng.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, để nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp, cần có những rà soát, đánh giá tổng thể, nhận diện các vấn đề cốt lõi, các nguyên nhân sâu xa dẫn tới tình trạng trên.

Từ đó, có những giải pháp phù hợp và hiệu quả nhằm phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục