Tìm giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam

16:23' - 21/08/2015
BNEWS Sáng 21/8, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (Ciem) tổ chức hội thảo “Liên kết doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ ở 6 ngành công nghiệp trong chiến lược công nghiệp hóa Việt Nam – Nhật Bản”.
Sáng 21/8, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (Ciem) tổ chức hội thảo “Liên kết doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ ở 6 ngành công nghiệp trong chiến lược công nghiệp hóa Việt Nam – Nhật Bản” nhằm đánh giá thực trạng, nguyên nhân và trao đổi về những đề xuất nhằm tăng cường hơn nữa mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng CIEM cho biết, để thực hiện mục tiêu phát triển vượt bậc ngành công nghiệp hỗ trợ, ngoài các cơ chế, chính sách của Nhà nước, cần thiết phải tạo ra các mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng với các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác; trong đó, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò rất quan trọng nhằm tạo ra các linh kiện, vật liệu, hóa phẩm phục vụ cho ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng.
Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 xác định, ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng là một trong 6 ngành cần ưu tiên phát triển vượt bậc nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng gia tăng của bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng.
Đánh giá về phát triển công nghiệp hỗ trợ, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Việt Nam cho biết, hầu hết các doanh nghiệp trong công nghiệp phụ trợ ngành điện tử là các doanh nghiệp FDI trong chuỗi cung ứng sẵn có của các nhà sản xuất thiết bị cuối cùng. Rất ít doanh nghiệp Việt Nam cung cấp được linh kiện và dịch vụ cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn chưa phát triển được như mong muốn, hầu như chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà sản xuất gốc. Chính vì vậy, giá trị gia tăng nội địa của công nghiệp điện tử Việt Nam vẫn thấp khi so sánh với các nước khác trên thế giới.
Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Đình Ánh cho rằng, nhìn chung, phát triển công nghiệp hỗ trợ còn khá chung chung. Chính sách khuyến khích phát triển thị trường còn đơn điệu; nguồn kinh phí thực hiện còn rất hạn chế, cả về quy mô và khả năng tiếp cận.
Bên cạnh đó, các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên hỗ trợ và dành quỹ đất thích hợp cho dự án về diện tích, vị trí, tiền thuê đất lại không cụ thể hóa để đảm bảo tính khả thi và mức độ ưu đãi rõ rệt.
Với các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ hiện hành thì không thể phát triển công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt đối với 6 ngành ưu tiên, nhất là khó có thể tạo ra liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản như mục tiêu của chiến lược.
Chính vì vậy, hệ thống chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ cho 6 ngành ưu tiên cần được điều chỉnh, thiết kế mới để khắc phục những nhược điểm, TS. Nguyễn Đình Ánh nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, Nhà nước cần tạo dựng khung khổ pháp lý hoàn chỉnh thuận lợi để phục vụ ngành cũng như doanh nghiệp tham gia vào công nghiệp hỗ trợ; đồng thời, cần sớm hoàn thiện và ban hành các Nghị định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo hành lang pháp lý về hệ thống cơ chế, chính sách, biện pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp môi trường và công nghiệp hỗ trợ.
Ngoài các cơ chế, chính sách hỗ trợ, Nhà nước cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng nhằm tạo sức ép và thị trường đầu ra cho ngành công nghiệp môi trường, tiết kiệm năng lượng và công nghiệp hỗ trợ phát triển.
Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Việt Nam cũng kiến nghị, Nhà nước cần miễn thuế cho các vật tư, thiết bị nhập khẩu để sản xuất các sản phẩm cơ khí trọng điểm; đồng thời, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho phát triển công nghệ cao./.
Thúy Hiền

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục